Tuổi 60, tôi nhận ra: Đừng bao giờ "bon miệng" nói 3 câu này trước mặt các cháu, hậu quả không tưởng tượng được!
Để giúp trẻ phát triển lành mạnh và gìn giữ sự hòa thuận trong nhà, dưới đây là 3 câu nói mà ông bà tuyệt đối nên tránh trước mặt các cháu.
*Chia sẻ của bà Vương (62 tuổi, Trung Quốc) trên trang Sohu. Bà Vương có 2 cháu nội và hàng ngày phụ các con trông cháu:
Chăm cháu, vui đùa cùng con cháu vốn là niềm hạnh phúc lớn trong cuộc đời của người cao tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dạy và chăm sóc cháu, nhiều ông bà thường vô tình buột miệng nói ra những câu tưởng chừng vô hại. Ít ai ngờ rằng, dù còn nhỏ, trẻ em lại vô cùng nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi những lời nói này. Chúng có thể giống như những chiếc gai nhỏ đâm vào tâm hồn trẻ, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, tính cách và cả mối quan hệ trong gia đình.
Trong những năm tháng trông nom các cháu, tôi nhận ra: Để giúp trẻ phát triển lành mạnh và gìn giữ sự hòa thuận trong nhà, dưới đây là 3 câu nói mà ông bà tuyệt đối nên tránh trước mặt các cháu.
1. "Bố mẹ cháu không cần cháu nữa đâu"
Dọa trẻ bằng câu "bố mẹ không cần con nữa" sẽ khiến trẻ mất cảm giác an toàn.
Nhiều ông bà vì muốn cháu ngoan ngoãn hơn, hoặc để dỗ dành khi cháu khóc lóc, đã vội vàng nói: "Không nghe lời là bố mẹ không cần con nữa đâu". Bà Li ở khu chung cư của tôi từng nói câu này khi cháu không chịu ăn cơm. Hậu quả là đêm hôm đó, đứa trẻ gặp ác mộng, tỉnh dậy khóc nức nở đòi mẹ, sau đó trở nên bám bố mẹ hơn hẳn. Từ đó, mỗi khi bố mẹ ra khỏi nhà, cháu lại khóc lóc vì sợ bị bỏ rơi.

Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, giai đoạn đầu đời là thời kỳ trẻ cần cảm giác an toàn hơn bao giờ hết. Những lời dọa dẫm như vậy có thể gây ra cảm giác sợ hãi, lo lắng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần. Dù người lớn chỉ nói cho "vui miệng", trẻ lại rất dễ tin là thật, từ đó gây ra rạn nứt trong quan hệ cha mẹ – con cái.
2. "Nhìn cháu nhà người ta mà xem"
So sánh với "cháu nhà người ta" dễ khiến trẻ mất tự tin.
Một số ông bà hay sử dụng "chiêu khích tướng", mỗi khi cháu nghịch ngợm hay học hành sa sút lại buông lời so sánh: "Nhìn thằng Minh nhà bên kìa, lần nào thi cũng đứng nhất. Sao cháu không làm được như thế?".
Một người bạn già của tôi thường xuyên trách móc như vậy khiến cháu ông ấy, vốn là đứa trẻ hoạt bát dần trở nên tự ti, khép mình và chán học. Trên thực tế, mỗi đứa trẻ có một điểm mạnh và tốc độ phát triển riêng. Việc liên tục so sánh chẳng khác nào con dao vô hình dần cắt gọt lòng tự trọng của trẻ. Nếu thường xuyên bị phủ nhận, trẻ dễ hình thành tâm lý nghi ngờ bản thân, cho rằng dù cố gắng thế nào cũng không đủ tốt, từ đó đánh mất động lực học tập và yêu đời.
3. "Cho cháu hết, đừng nói với bố mẹ"
Nói "cho cháu hết, đừng nói với bố mẹ" phá vỡ sự thống nhất trong giáo dục gia đình và vô tình dạy trẻ nói dối.
Nhiều ông bà chiều cháu, mua bánh kẹo, đồ chơi rồi dặn "đừng nói với bố mẹ nhé", hoặc bao che khi cháu mắc lỗi. Ông Vương ở gần nhà tôi thường lén mua đồ ăn vặt cho cháu rồi yêu cầu giữ bí mật. Dần dần, đứa trẻ không chỉ hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh, mà còn học được cách nói dối cha mẹ.
Giáo dục gia đình cần có sự đồng nhất trong nguyên tắc và cách cư xử. Những hành động "thương cháu" kiểu này thực chất là đang làm rối loạn ranh giới đúng – sai, khiến trẻ không nhận thức được hậu quả hành vi. Khi đã quen với việc giữ bí mật, trẻ có xu hướng tiếp tục giấu diếm thay vì trung thực khi gặp vấn đề.
Yêu thương cháu cần đúng cách, lời nói càng phải cẩn trọng. Hãy tránh những lời dọa dẫm, để trẻ luôn cảm thấy an toàn; đừng so sánh, để trẻ tự tin phát triển; và giữ vững nguyên tắc giáo dục, để trẻ có nhận thức đúng đắn. Ghi nhớ 3 câu "tuyệt đối không nên nói" này, ông bà sẽ góp phần tạo nên môi trường yêu thương, tôn trọng, giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc và gia đình thêm gắn bó, hòa thuận.