Từ chiếc khăn dệt bằng 4.800 cuống sen đến khát vọng lưu truyền nghề truyền thống của nghệ nhân Phan Thị Thuận
Từ những cuống sen vốn tưởng như "vô dụng", Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã dệt nên chiếc khăn từ sợi sen quý giá. Dành cả cuộc đời gắn bó với từng sợ tơ, đường chỉ, người phụ nữ ấy giờ đây vẫn còn đang tiếp tục "truyền lửa", lưu truyền nghề dệt truyền thống đến thế hệ mai sau.
Trong thời đại khoa học công nghệ dần thay thế sức lao động của con người, "cơn lốc" thị trường khiến cho các sản phẩm công nghiệp trở nên áp đảo trước những mặt hàng thủ công, nhiều nghề thủ công cũng theo đó mà dần trở nên mai một.
Thế nhưng Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận lại khác, bà không chỉ giữ gìn được nghề dệt sợi truyền thống mà còn phát triển nghề lên 1 tầng cao mới. Bà cũng chính là người đã sáng tạo ra kỹ thuật dệt vải từ sợi tơ sen, nổi tiếng với chiếc khăn dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen, làm chăm chỉ trong hơn 1 tháng mới hoàn thiện.
Câu chuyện về người nghệ nhân luôn nặng lòng với từng đường tơ, sợi chỉ ấy đã tiếp nối Hành trình truyền cảm hứng - Wechoice Awards 2018 ngày hôm nay.
Clip: Câu chuyện truyền cảm hứng của Nghệ nhân Phan Thị Thuận dệt lụa từ tơ sen - Thực hiện: Wechoice
Từ cô gái lấy lá dâu bờ rào nuôi tằm đến Nghệ nhân ưu tú dệt được khăn từ sợi tơ sen
Nghệ nhân Phan Thị Thuận năm nay đã 65 tuổi, quê làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Làng Phùng Xá từ ngàn năm vốn đã nổi tiếng với nghề trồng tơ, nuôi tằm, dệt lụa, bà Thuận lại là đời thứ 3 trong gia đình truyền thống theo nghề dệt, bà đến với nghề như một cơ duyên và rồi cứ tâm huyết như thế từ lúc nào chẳng hay.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận
Bà kể khi xưa để giữ được nghề dệt rất khó khăn vì nhân dân ai cũng đói khổ. Vùng quê mà mỗi đường tơ, sợi chỉ đều thấm sâu vào từng thớ đất, thế mà khi ấy cũng đã phải phá bỏ cây dâu đi để trồng cây lương thực. Để có dâu nuôi tằm, bà Thuận đã phải đi xin, nhặt nhạnh từng lá dâu từ bờ rào.
"Từ bé tí nhìn bố mẹ làm tôi cũng bắt chước bố mẹ làm, bố mẹ quay suốt thì cũng ngồi quay suốt. Thấy bố mẹ làm mà được làm cùng tôi thích lắm, dệt được mét hàng đẹp hay nuôi được con kén đẹp mình cũng thích.
Năm 1956 là vào hợp tác xã, cả nhà cùng thi đua làm vui lắm. Đến khi xí nghiệp ươm tơ họ không có tiền mua kén nữa, hợp tác xã tính là phá cây dâu đi để trồng cây lương thực, tôi nghĩ nghề dâu tằm quý như thế tiếc quá nên tôi đi xin dâu bờ rào để nuôi tằm. Nghề ông cha để lại tôi phải cố giữ nghề truyền thống của các cụ" - nghệ nhân Phan Thị Thuận kể lại.
Bà Thuận dành nhiều tâm huyết cho nghề truyền thống của cha ông
Tâm huyết với nghề, trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, đến nay bà Thuận được xem là một trong số ít những nghệ nhân còn bám trụ với nghề dệt lụa ở làng Phùng Xá. Trong công xưởng rộng khoảng 500m2, người phụ nữ 65 tuổi vẫn thoăn thoắt đưa thoi dệt vải. Nhiều sản phẩm lụa do bà Thuận sản xuất gây được tiếng vang và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có thể kể đến loại vải được dệt trực tiếp bằng "thợ thủ công" là những con tằm hay mới đây nhất là chiếc khăn dệt từ sợi tơ sen với kỹ thuật đặc biệt.
"Từ năm 2010 tôi quyết định 1 lối đi mới đó là dùng con tằm làm những người thợ, dệt cho mình nên tấm kén phẳng để làm được chăn, được gối, áo ấm và rất nhiều sản phẩm khác.
Năm 2017, Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh có về vận động tôi dệt lụa từ tơ sen. Tôi nghĩ rằng tôi đã nghĩ được cách cho con tằm tự dệt thì cũng sẽ nghĩ ra cách dệt được từ tơ sen. Đến năm 2017, tôi đã dệt được chiếc khăn 100% từ tơ sen. Lúc đó tất cả mọi người cùng vui, những người có tơ sen thì mừng lắm" - bà Thuận chia sẻ.
Bà Thuận cùng chiếc khăn dệt từ sợi tơ của 4.800 cuống sen - Ảnh: Tổ Quốc
Tâm huyết lưu truyền nghề dệt cho thế hệ mai sau
Nghệ nhân Phan Thị Thuận nói "Dù tuổi cao rồi nhưng tôi thấy mình đang trẻ lắm, muốn phải truyền nghề, dạy nghề cho rất nhiều người", và bà không chỉ làm điều đó, mà còn đã làm rất tốt, rất chỉn chu bằng cả tấm lòng mình.
"Xoay cuống này về 1 bên, đặt xuống, lôi ra, se lại rồi kéo. Rút được hết, miễn là đúng kỹ thuật thì rút ra vẫn hết" - bà Thuận vừa nói vừa tỉ mỉ hướng dẫn cho những người thợ của mình kỹ thuật dệt sợi từ tơ sen.
Kỹ thuật dệt sợi từ tơ sen phải làm cẩn trọng, tỉ mỉ.
Bà đối với từng mét vải đều thận trọng và nâng niu, sản phẩm nào bà làm ra cũng đạt chất lượng hoàn hảo. Cũng chính đối với những người thợ tại xưởng, bà chính là người thầy đặc biệt không thể có người thứ 2.
"Thấy sự đam mê của cô Thuận chị cũng thấy đam mê theo, rất khâm phục cô. Cô là 1 người thầy chúng tôi không bao giờ có thể có được người thứ 2 như thế" - chị Hoàng Thị Hà, một thợ thủ công tại xưởng dệt của nghệ nhân Thuận chia sẻ.
Bà Thuận là thế hệ thứ 3 trong gia đình nối nghiệp dệt lụa. Đặc biệt thay, con bà là đời thứ 4 và đến cháu bà là đời thứ 5, dù cuộc sống hối hả du nhập những điều mới mẻ và hiện đại nhưng vẫn rất coi trọng truyền thống và quá khứ.
Bà Thuận tự hào kể về 1 người cháu của mình: "Tất cả nhà tôi đều làm nghề dệt. Cháu nội tôi năm 2018 này đã học bà để làm ra được mặt nạ dưỡng da dệt bằng tơ tằm, chiếc mặt nạ đó cháu đi thi được giải 4 Quốc gia. Còn cháu gái khác của tôi nói: 'Sau này cháu lớn lên cháu sẽ học mỹ thuật, cháu thiết kế cho bà'. Tôi thấy như thế tôi rất vui".
Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1.
Hãy chia sẻ với BTC WeChoice Awards những câu chuyện, những nhân vật truyền cảm hứng cho bạn qua email: truyencamhung@wechoice.vn. Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/.