"Thuốc thang nó hại lắm, uống mấy liều đỡ rồi thì thôi": Sai lầm có thể trả bằng mạng sống
Kháng sinh là phát minh sống còn của nhân loại nhưng cũng là con dao 2 lưỡi. Nếu sử dụng không đúng, có thể bạn phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình.
Một ngày đẹp trời, bạn bị sổ mũi, nhức đầu. Vậy là tạt ngang vào hàng thuốc "Tây" góc phố thân quen, nhẹ nhàng cởi khẩu trang và váy chống nắng thều thào với con bé bán thuốc: "Cưng ơi! Chế nhức đầu quá cưng".
Con bé tầm 20, 21 tuổi quần jean, áo thun, khoác ngoài cái áo gần giống áo blouse sẽ bỏ cái ipad đang chiếu phim "Anh em nhà bác sĩ" xuống hỏi lại những câu thần thánh như thế này:
- Chị uống hay ai uống? (tức là khám bệnh xuyên không gian)
- Uống mấy ngày chị ơi? (tức là bốc thuốc căn cứ theo sở thích người dùng)
… Sau đó tùy theo phong thủy và cung hoàng đạo của bạn, sẽ có 1 bịch nilon gồm các viên xanh đỏ rất hợp mệnh ngũ hành, uống vào thấy "đỡ ngay".
Trong túi nilon ấy, thường sẽ có kháng sinh!
(Ảnh minh họa)
Vậy kháng sinh là gì?
Có rất nhiều cách diễn giải hàn lâm về loại thuốc thiêng liêng, vừa bí ẩn nhưng vừa thân quen này.
Chúng ta hãy hiểu nôm na rằng kháng sinh là các thuốc giết vi khuẩn.
Khi nghĩ về văn minh nhân loại, thường người ta nghĩ đến những công trình kỳ vĩ, máy tính điện tử, điện thoại thông minh, internet…
Ít ai biết rằng, kháng sinh mới là phát minh sống còn của nhân loại. Mất đi kháng sinh thì khả năng diệt vong của loài người là điều có thể nhìn thấy được. Những người có hệ miễn dịch yếu (ung thư, HIV, lão hóa, đẻ non) chỉ còn đường chết trong vài tuần ngắn ngủi.
Cách đây vài mươi năm thôi, một vết xước nhiễm trùng cũng làm y học toàn cầu đầu hàng vì nó sẽ kết thúc mạng sống của bệnh nhân, nhưng kháng sinh có thể giải quyết vết xước ấy trong vài liều thuốc đơn giản.
Chính vì sự "thần kỳ, nhanh chóng" trong điều trị viêm nhiễm nên không riêng gì ở Việt Nam mà ngay những nước phát triển cũng từng coi kháng sinh là loại thuốc chữa bách bệnh. Sự lạm dụng ấy dẫn đến một cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu mang tên: kháng kháng sinh.
Kháng kháng sinh tức là tình trạng vi khuẩn trở nên kháng thuốc. Nó xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn đã trơ lỳ bởi thuốc kháng sinh được dùng một cách tràn lan, vô cớ. Vi khuẩn lúc này không những sinh tồn trong cơn "tìm diệt" của kháng sinh mà còn biến hóa ra một thế hệ vi khuẩn mới "hoành tráng" hơn, "dữ dằn" hơn.
Vi khuẩn thì ngày càng phát triển nhưng thật đáng buồn, số lượng kháng sinh mới được phát hiện ra trong vài chục năm gần đây dường như quá ít ỏi.
Hay nói cách khác, "địch" mạnh lên mà "ta" thì yếu đi, thậm chí có "super khuẩn" có sức mạnh chống lại từ một cho đến hàng chục loại thuốc kháng sinh khác nhau. Khi đó, bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hoặc thậm chí không thể điều trị được, bệnh nhân phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp đôi.
Nguyên do: có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn. Ở nông thôn tỉ lệ này lên đến 91%.
Nhà sinh học Alexander Fleming
Alexander Fleming, nhà sinh học người Scotland được coi là cha đẻ của kháng sinh khi ông phát hiện ra penicillin vào năm 1928. Năm 1943, những liều penicillin thương mại đầu tiên được tung ra. Hai năm sau đó, Fleming nhận giải Nobel cho phát hiện của mình.
Nhưng ngay trong buổi phỏng vấn sau đó, ông đã cảnh báo: "Những người lạm dụng penicillin ngày hôm nay phải chịu trách nhiệm cho cái chết của những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng penicillin sau này".
Sau đây là các sai lầm thường gặp của chúng ta khi sử dụng vũ khí "kháng sinh"
1. Thuốc uống vào càng mau dứt triệu chứng mới là thuốc tốt
Chính tâm lý này tạo đất sống cho những người bán thuốc bừa bãi mới có đất sống. Yêu cầu kháng sinh liều cao "cho nó nhanh khỏi", rồi tấm tắc truyền miệng "con bé Na con bà Mít thế mà giỏi, học 6 tháng về bán thuốc đâu ra đấy, uống phát dứt luôn", cả làng kéo ra mua, mà đâu biết rằng đang tiêu diệt chính sức khỏe của mình.
Liều cao thì cũng sẽ tỷ lệ thuận với nguy cơ gặp tác dụng phụ. Kháng sinh lại là con dao 2 lưỡi, nó có tác dụng phụ như: dị ứng, nhẹ thì ngứa ngáy khó chịu, nổi ban, nặng có thể dẫn đến tử vong, sốc phản vệ. Rồi đây, chỉ một vết loét nhỏ cũng có thể giết chết họ vì không còn loại kháng sinh nào mà vi khuẩn trong cơ thể họ không kháng được.
2. Thuốc thang nó "hại" lắm, uống mấy liều nó đỡ đỡ rồi thì thôi, mấy ông bác sĩ kê toa cho lắm vào uống hốc hác hết cả người
Khoa học đã tính toán tùy theo liều dùng mà kháng sinh cần phải uống đủ 7 đến 10 ngày thì vi khuẩn mới "sạch không kình ngạc". Chưa đủ liều mà ngưng giữa chừng thì mặc dù cơ thể lúc này đã khá khỏe nhưng vi khuẩn vẫn còn.
Chúng "nhen nhóm nhỏ lẻ" chưa đủ gây "loạn lạc" trong cơ thể để trở lại và ta lầm tưởng đã chiến thắng hoàn toàn, nhưng có biết đâu bọn vi khuẩn này đang học thuộc lòng câu "quân tử trả thù, mười năm chưa muộn".
Sống trong môi trường kháng sinh đã giảm nồng độ vì chúng ta ngưng thuốc, vi khuẩn sẽ rút ra kinh nghiệm chống kháng sinh và sẽ tồn tại mạnh mẽ hơn. Vi khuẩn sẽ sản sinh ra thế hệ sau gan lì hơn và tất nhiên kháng sinh vô nghĩa với chúng.
Đó là lý do vì sao phải dùng kháng sinh đủ ngày, "đánh" kháng sinh là phải "đánh" tận gốc, đừng "nhân đạo" một cách ngây thơ.
(Ảnh minh họa)
3. Bệnh này giống hệt bệnh con của đứa bạn em, để em lấy toa thuốc của nó mua luôn cho con mình, khỏi khám mất công
Bệnh nhân mà nói câu này thì bác sĩ thua toàn tập. Bệnh tật chứ không phải qua trạm thu phí đâu mà thích thì tiền lẻ, thích thì tiền chẵn. Dùng thuốc kháng sinh bao giờ cũng từ thế hệ thuốc trước mới đến thế hệ sau, từ nhẹ đến mạnh để đúng chiến lược kháng sinh đưa vào cơ thể.
Con gái đứa bạn mình có thể quá trình chữa trị đã qua nhiều thế hệ kháng sinh thì bác sĩ sẽ cho loại khác, còn con mình mới bị lần đầu cũng đòi chơi thuốc thế hệ thứ 4 thì hóa ra hại con rồi. Lần đầu dùng nên vi khuẩn chưa kháng chắc chắn sẽ khỏi nhưng lâu dài thì chưa biết thế nào.
4. Kháng sinh lần trước còn, lấy uống đỡ, mua làm gì phí tiền
Ông bố mua bia về uống, khui ra để một hồi bia đắng là đổ đi khui lon khác uống cho ngon thì đừng bắt con uống thuốc đã khui từ tháng trước vì nhiệt độ, tủ, ánh sáng… đã làm thay đổi, thậm chí mất tác dụng của thuốc. Đừng bao giờ trả giá với sinh mệnh của mình.
5. Không đỡ thì đổi thuốc
Kháng sinh cũng giống xe bus nhanh, tên gọi thì mạnh mẽ nhưng muốn nhanh thì phải từ từ, cũng cần có thời gian nhất định để phát huy tác dụng, chứ không thể vừa uống, bệnh đã khỏi. Trên đời này chỉ có bả chuột mới phát huy tác dụng ngay lập tức mà thôi.
Nhiều cha mẹ cho con uống thuốc chưa hết liều nhưng thấy con không có dấu hiệu thuyên giảm thì yêu cầu bác sĩ đổi thuốc ngay. Bác sĩ giải thích thì không nghe, bảo là bác sĩ dốt, nằng nặc kiếm chỗ khác chiều ý mình mới chịu.
Nếu thuốc không có tác dụng thì cần xem xét đến các khía cạnh như: đã tuân thủ đúng liều chưa , khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể... rồi mới ra chỉ định tiếp theo được.
Khi bơi trong biển thông tin, điều cần thiết nhất là phải tỉnh táo và cẩn trọng với các thông tin mình chưa thật sự hiểu rõ.
Các mẹ ạ, các bác sĩ mất gần 10 năm cuộc đời họ để học và được xã hội giao cho trọng trách bảo vệ sức khỏe cộng đồng… nếu không tin họ thì tin ai đây? Hãy dành sự thông minh của mình để vận dụng hợp lý những chỉ định khoa học chứ đừng dùng nó để phản khoa học.
Hãy hiểu đơn giản rằng: Không phải ai cũng có thể làm nhà văn nhưng ai cũng có thể là người kể chuyện. Không phải ai cũng có thể làm giám khảo cuộc thi hoa hậu nhưng ai cũng có thể cảm nhận cái đẹp của riêng mình.
Không phải ai cũng có thể trở thành vĩ nhân nhưng ai cũng có thể làm những việc tốt cho cộng đồng. Không phải ai cũng có thể trở thành bác sĩ nhưng ai cũng có thể lựa chọn nơi chốn đặt niềm tin cho sinh mệnh và sức khỏe của mình.