Thực phẩm ngày Tết và tác dụng chữa bệnh
Những thức ăn ngày Tết vừa là thực phẩm để ăn uống, đồng thời cũng là những vị làm thang thuốc hoặc vị thuốc để chữa bệnh, phòng bệnh hoặc tăng cường thể lực.
Trong ngày tết theo tục lệ cổ truyền mọi người thường chuẩn bị nhiều món ăn ngon, quí hiếm, nhiều chất béo bổ để nghinh đón năm mới, cúng lễ để tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và những người đã khuất sau đó là hưởng lộc hoặc tiếp đón bạn bè, thân quyến trong đầu xuân năm mới. Những thức ăn trên vừa là thực phẩm để ăn uống, đồng thời cũng là những vị làm thang thuốc hoặc vị thuốc để chữa bệnh, phòng bệnh hoặc tăng cường thể lực.
Thông thường vào ngày Tết nhà ai cũng có: Bánh chưng xanh, bánh tét, mứt gừng, mứt bí đao, giò, chả, thịt gà, cá, bánh kẹo, hoa quả, rượu nếp... Những món ăn này phụ thuộc vào từng vùng, từng dân tộc mang tính đặc trưng không thể thiếu được.
Một số thức ăn đồ uống trong ngày tết được xem xét dưới góc độ Đông y như sau:
Bánh chưng xanh, bánh tét: Gồm có các thành phần chủ yếu: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, hành, muối, hạt tiêu và gói trong một loại lá dong đặc biệt khi luộc nhừ cho màu xanh của diệp lục in vào thành bánh chưng.
Đỗ xanh tên thuốc là lục đậu; Vị ngọt, tính hàn. Vào kinh vị, tâm và can; có tác dụng thanh thử nhiệt, giải độc của thuốc.
Gạo nếp tên thuốc là nhu mễ.
|
Hành tên thuốc là thông bạch, vị cay, tính bình; vào ba kinh: phế, can, vị; có tác dụng phát hãn giải biểu, thông dương lợi thuỷ, giải độc thức ăn, tiêu ung nhọt mới phát, tuyên thông mạch lạc.
Muối tên thuốc là thực diêm; Vị mặn, tính hàn. Vào kinh thận; có tác dụng nhuận đại tiện, tăng cường khí lực, sát khuẩn, chỉ thống.
Hạt tiêu tên thuốc là hồ tiêu, bạch hồ tiêu, hắc hồ tiêu; Vị cay, tính đại ôn. Vào kinh phế, vị, đại tràng; có tác dụng trừ hàn, ấm vị, hạ khí tiêu đờm, làm gia vị.
Thịt lợn tên thuốc là trư nhục; vào các kinh: vị, tỳ, tiểu tràng; có tác dụng là bổ tỳ ích vị; chữa các chứng hư nhược, gày yếu, mệt mỏi...
Mứt gừng: Được làm bằng gừng tươi và đường mía; được chưng theo một phương pháp riêng sao cho bên trong ruột miếng gừng hết nước và bề mặt miếng gừng được bám đầy đường; khi ăn vị cay ngọt đượm lẫn nhau tạo thành một vị đặc biệt vừa thơm vừa ngon lại giúp cho tiêu hóa tốt, chống đỡ được với ngoại cảm phong hàn.
Gừng tên thuốc là sinh khương, vị cay, tính hơi ôn; vào ba kinh phế, tỳ và vị; có tác dụng: giải biểu tán hàn, ôn trung, chỉ nôn, kích thích tiêu hóa, hoá đàm thông thuỷ, ôn hoá đàm ẩm.
Mứt bí đao: Được làm bằng bí đao sau khi đã cạo bỏ vỏ và ruột cùng với đường mía; được chưng theo một phương pháp riêng sao cho bên trong ruột miếng bí đao gần hết nước, được thay thế bằng nước đường và bề mặt miếng bí đao được bám đầy đường; khi ăn vị ngọt đượm tạo thành một vị đặc biệt vừa thơm vừa ngon lại giúp cho cơ thể đỡ háo khi dùng quá nhiều rượu hoăc đồ cay nóng như riềng, gừng, ớt.
Bí đao tên thuốc là đông qua bì, qua biện; vị ngọt, tính hơi hàn; vào bốn kinh tỳ, vị, đại tràng, tiểu tràng; có tác dụng lợi thủy ở bì phu, thanh thấp nhiệt.
Các loại thịt, cá thường dùng trong ngày Tết:
Thịt gà tên thuốc là kê nhục; vào các kinh: can, đởm, vị, tỳ, tiểu tràng; có tác dụng chủ yếu là bổ can tỳ, ích vị, liền cân dưỡng nhục; chữa các chứng hư nhược, gày yếu, mệt mỏi, gãy xương...
Rượu nếp tên thuốc là tửu bạch; vị đắng, ngọt, cay, tính ôn; vào mười hai kinh; có tác dụng: Điều hòa khí huyết, thông kinh lạc, dẫn thuốc đi lên, khai vị.
Nước trà xanh tên thuốc là thanh trà, vũ tiền trà; vị ngọt, đắng, tính hơi hàn; vào bốn kinh tâm, phế, tỳ, vị; thanh nhiệt giáng hỏa, tiêu thực, tỉnh ngủ, trừ được uất nhiệt ở thượng tiêu, giải khát nước. Sau khi ăn uống xong thường uống nước trà xanh nóng có tác dụng giúp cho tiêu hóa được tốt còn thanh tâm thần giúp cho cơ thể thỏa mái.