Thứ trưởng Giáo dục 'vi hành', chấm thi tốt nghiệp sẽ ra sao?

Hà Linh,
Chia sẻ

Công tác chấm bài thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 khi các địa phương bắt đầu vận hành chính quyền 2 cấp. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, chấm thi phải phản ánh đúng thực chất kết quả làm bài của thí sinh.

Đảm bảo an toàn bài thi

Tỉnh Ninh Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam nên sẽ phải chấm thi cho gần 47.000 em.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, sau kỳ thi, địa phương sắp xếp khu vực chấm thi trắc nghiệm và tự luận ở địa điểm cơ cở vật chất đảm bảo, có phương án phòng chống cháy nổ, lực lượng Công an tỉnh bảo vệ giám sát 24/24 đảm bảo an ninh, an toàn cho bài thi.

Đặc biệt, các phòng chấm thi, khu vực chấm thi trắc nghiệm có đủ camera theo quy định.

Sau khi sáp nhập tỉnh ngày 1/7, Sở GD&ĐT Ninh Bình đã kiện toàn Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình để thực hiện các khâu chấm thi với một Hội đồng thi, nhiều Ban chấm thi, Ban làm phách, Ban thư ký.

Thứ trưởng Giáo dục 'vi hành', chấm thi tốt nghiệp sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chấm thi tại Bắc Ninh.

Tại Phú Thọ, sau sáp nhập, địa phương thành lập 3 tiểu ban chấm thi dựa trên cơ sở vật chất thiết bị tại chỗ, con người tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Sở GD&ĐT Phú Thọ cho hay, đã xây dựng kế hoạch chi tiết để các cán bộ, giáo viên thực hiện công tác chấm thi theo quy trình và đúng hướng dẫn. Ban chỉ đạo thi bổ sung, kiện toàn thành viên để chỉ đạo tình hình chấm thi chung. Việc sáp nhập không ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng chấm bài thi của thí sinh.

Theo Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh, khi sáp nhập chính quyền địa phương hai cấp, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và Hội đồng chấm thi tỉnh Bắc Ninh, trên cơ sở tận dụng nguồn lực từ Ban chỉ đạo thi của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ). Theo đó, hai ban chấm thi vẫn tiếp tục được tổ chức tại hai địa điểm như trước đây.

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết, Hội đồng thi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chấm thi như máy vi tính, máy quét bài thi, máy chủ, máy in, văn phòng phẩm, nhân sự tham gia chấm thi... Đồng thời, các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khu vực làm phách và khu vực chấm thi cũng được siết chặt, bao gồm phương tiện phòng cháy, chữa cháy và các kịch bản xử lý tình huống bất thường có thể xảy ra.

“Trong những ngày đầu triển khai chấm thi, đánh giá chung, các cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn; độ c hênh lệch điểm số giữa hai giám khảo nằm trong giới hạn cho phép và chưa phát sinh trường hợp phải mời giám khảo thứ ba. Công tác chấm thi được thực hiện nghiêm túc”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Ninh nói.

Tại Hà Nội, địa phương có lượng thí sinh dự thi lớn nhất toàn quốc (hơn 10%) sẽ có số lượng bài thi khổng lồ. Hà Nội đã điều động hơn 800 cán bộ chấm thi. Sau khi thí sinh kết thúc kỳ thi, lực lượng chấm thi bắt tay vào công việc rọc phách, chấm thi.

Vấn đề đảm bảo an toàn cho bài thi trước đó được tính toán kỹ, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường.

Không ép tiến độ, tránh sai sót

Kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý thầy cô chấm thi đúng tiến độ, đúng quy chế, phản ánh đúng thực chất bài thi nhằm đảm bảo công bằng cho học sinh trên toàn quốc.

Đối với môn tự luận, ông đánh giá, các địa phương đã tổ chức cho cán bộ trao đổi, thảo luận và thống nhất phương pháp chấm trong suốt quá trình thực hiện. Những bất cập, vướng mắc phát sinh được kịp thời phát hiện và báo cáo để điều chỉnh, xử lý, nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.

Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác chấm thi phải phản ánh đúng thực chất kết quả làm bài của thí sinh, đồng thời cần ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các em.

Chấm thi môn Ngữ văn, dù có barem hướng dẫn chấm và cảm nhận của mỗi thầy cô là khác nhau nhưng cũng không chênh lệch điểm quá so với barem đã đặt ra.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý các hội đồng tiếp tục thực hiện chấm thi theo đúng kế hoạch đề ra. Quy trình làm phách, chấm thi trắc nghiệm và tự luận phải được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy chế, đúng quy trình.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng yêu cầu, các hội đồng chấm thi quán triệt rõ đầu mối và rõ trách nhiệm, không ép tiến độ, đặc biệt là chấm tự luận vì việc này sẽ kéo theo nguy cơ bị sai sót hoặc chấm nhầm điểm cho bài thi của thí sinh.

Theo kế hoạch, sau ngày 5/7, Bộ GD&ĐT công bố đáp án các môn; đúng 8 giờ sáng ngày 16/7 các Hội đồng thi sẽ công bố kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Chia sẻ