Chuyên gia cảnh báo: Cho con ăn kiểu này khiến nguy cơ nhiễm khuẩn, ung thư dạ dày rình rập ngay trên miệng
Đó là thông tin được PGS.TS Nguyễn Duy Thắng cho biết tại hội nghị khoa học tiêu hóa, gan mật do Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật tổ chức ngày 26-5 tại Hà Nội.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật đã thực hiện một nghiên cứu khảo sát tình trạng nhiễm HP trên 258 gia đình với 696 cá thể đến khám vì triệu chứng của đường tiêu hóa. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm HP trong quần thể ở Việt Nam là 85,9%. Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HP ở trẻ dưới 8 tuổi là 96,2%. Điều này hoàn toàn ngược lại so với tỷ lệ nhiễm HP ở các nước phát triển (tỷ lệ trẻ em nhiễm HP rất thấp, chỉ chiếm khoảng 20%).
PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, ở Việt Nam, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn HP. Thậm chí, có những trẻ bị nhiễm HP khi mới 2 tuổi. Đây là trường hợp một em bé bị nhiễm khuẩn HP từ người mẹ thông qua đường nếm, mớm thức ăn bón cho con.
"Trẻ chỉ cần tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ rất dễ bị nhiễm HP, có thể từ những vấn đề vệ sinh như ăn thực phẩm không được làm sạch, không được nấu chín kỹ, uống nước bị nhiễm khuẩn hay thói quen sinh hoạt không rửa tay trước khi ăn, tiếp xúc nước bọt: Hôn, dùng chung đồ ăn hoặc bàn chải đánh răng. Do vậy, các thói quen ăn uống chung đụng ở trường lớp, hay là việc mớm cơm cho con, có thể sẽ mang vi khuẩn HP vào cơ thể trẻ", PGS.TS Nguyễn Duy Thắng cảnh báo.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải cứ có khuẩn HP là bị ung thư dạ dày. Do đó, khi có các triệu chứng bệnh lâm sàng như: Đau bụng, ợ hơi, hay nôn, ăn uống không được thì người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán, không nên tự điều trị tại nhà. Người lớn nên hạn chế nhai mớm thức ăn cho trẻ, hôn môi trẻ. Mỗi người nên có bộ dụng cụ ăn uống riêng, không dùng chung.