Thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến bằng 6 môn có phù hợp?

HÀ CƯỜNG/VTC NEWS,
Chia sẻ

Các thầy cô, chuyên gia nêu ý kiến về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 bằng 4 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thi 6 môn có phù hợp?

Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh thi 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Các môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử. Các môn học tự chọn ở bậc THPT gồm: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Môn Văn thi tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm.

Thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến bằng 6 môn có phù hợp? - Ảnh 1.

Đổi mới số lượng môn thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Theo cô Nguyễn Thị Đoan Trang, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn (Lê Chân, Hải Phòng), so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện hành thì học sinh phải thi thêm 1 môn bắt buộc là Lịch sử. Đây không phải là vấn đề trở ngại với học sinh và giáo viên. Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông mới, với thời lượng 2 tiết/tuần nên cả giáo viên và học sinh đều có tâm thế sẵn sàng thi.

Cô Trang cũng đồng ý việc học sinh được lựa chọn 2 môn thi trong 4 môn học đã chọn học ở THPT giúp giảm bớt được gánh nặng cho học sinh.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ, thi theo phương thức 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn như dự thảo khá phù hợp. Đồng thời, phương án này được thông báo ở thời điểm này để học sinh và các trường có thời gian chuẩn bị. Về ngân hàng đề thi, dự thảo đưa ra sẽ phổ quát hơn và theo hướng đánh giá năng lực. Ông cho rằng, đây là hướng cải tiến phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngược lại, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, chương trình phổ thông mới thiết kế theo hướng phát triển năng lực, vì thế cần thiết kế đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Sự ổn định của môn thi, đề thi là cần thiết để thí sinh không phải bỡ ngỡ.

Về số lượng môn thi, bà Hồng nêu lên 2 phương án. Phương án thứ nhất, Bộ GD&ĐT có thể nghiên cứu chỉ nên yêu cầu thí sinh làm 4 môn thi bắt buộc và 1 môn tự chọn nhằm giảm áp lực thi cử cho các em.

Phương án thứ hai, Bộ cũng chỉ yêu cầu thí sinh tham gia thi 4 môn bắt buộc. Bởi, kỳ thi này nhằm đánh giá chất lượng học sinh bậc THPT, phục vụ công nhận tốt nghiệp không cần thi quá nhiều môn, đánh giá điểm thi với kết quả học bạ 3 năm học là đủ.

Cần thay đổi mục đích kỳ thi

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) đánh giá, dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi cơ bản giống với hiện nay, chưa có đột phá. Việc tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển đại học, cao đẳng cần thay đổi bởi 2 lý do.

Thứ nhất, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá chất lượng dạy, học ở bậc phổ thông, đề thi thường dễ, độ phân hoá thấp nhằm đảm bảo công bằng và đánh giá đúng thí sinh cả nước. Trong khi đó, để xét tuyển vào đại học, cao đẳng cần phân hoá chất lượng học sinh càng rõ càng tốt. Vì vậy, nếu vẫn tiếp tục để các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này làm tuyển sinh là bất cập.

Thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến bằng 6 môn có phù hợp? - Ảnh 2.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Thứ hai, các trường đại học, cao đẳng đã tự chủ tuyển sinh, nhiều phương thức lựa chọn thí sinh như xét học bạ, xét điểm kỳ thi riêng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế... Do vậy, không cần thiết dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Ông Khang đề nghị bỏ nội dung "cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong việc tuyển sinh theo tinh thần tự chủ” ra khỏi dự thảo mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi.

Ông Phạm Anh Phong, Hiệu trưởng trường THPT Hàng Hải (Ngô Quyền, Hải Phòng) mong kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng tinh gọn, nhẹ nhàng, đánh giá những kiến thức cơ bản phổ thông liên quan đến học sinh.

Hiện các trường đại học tự chủ về tuyển sinh, thí sinh được tự do lựa chọn tham gia thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM... Tới đây, có thể các cụm trường đại học khối ngành y dược, kinh tế, luật thi riêng. Như vậy, việc xét tuyển đầu vào sẽ do các trường tự lo, còn kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng nghĩa đánh giá tốt nghiệp, các em cuối cấp không quá nặng nề, áp lực về kỳ thi này.

Điều này cũng khiến các trường đại học, cao đẳng phải chủ động trong tuyển sinh chứ không thể cứ trông chờ vào kỳ thi tốt nghiệp. "Tính phân hoá trong kỳ thi tốt nghiệp không cao nên nếu muốn lựa chọn để tuyển sinh theo đúng phẩm chất, năng lực của ngành đào tạo thì phải có phương án riêng”, thầy Phong nói.

Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?

GS.TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, vẫn cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu học mà không thi thì các em sẽ không chịu học. Đồng thời chất lượng ở các vùng miền khác nhau, các trường khác nhau nên vẫn cần mặt bằng chung là kỳ thi để đánh chất lượng học sinh.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần xác định lại mục tiêu kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi để đánh giá chất lượng dạy, học ở bậc phổ thông, không phục vụ xét tuyển đại học, cao đẳng. Bộ cũng cần quy định nội dung đề thi hướng tới đánh năng lực, phẩm chất, không chỉ đơn thuần đánh giá kiến thức sách vở, học thuộc lòng. Đề thi lấy chương trình làm chuẩn không phải lấy nội dung sách giáo khoa làm chuẩn.


Chia sẻ