Thềm băng "không thể sụp đổ" ở Nam Cực vừa đổ sụp: Lời tiên tri tận thế đang ứng nghiệm

THANH LONG,
Chia sẻ

Thềm băng Conger ở Nam Cực đổ sụp vào khoảng giữa tháng 3, khi nhiệt độ ngoài trời là -12 độ C.

Sự kiện xảy ra vào khoảng ngày 14-16 tháng 3, đến hôm nay mới được ảnh vệ tinh xác nhận. Và nó đã làm bất ngờ các nhà khoa học, nhiều người thậm chí không tin vào mắt mình. Theo đó, một thềm băng tên là Conger có diện tích gần bằng thành phố Đà Nẵng ở Nam Cực đã sụp đổ xuống biển Nam Đại Dương.

Điều đáng nói là thềm băng này nằm ở khu vực Đông Nam Cực. Đây từng được cho là một khu vực cực kỳ ổn định, với cao độ lớn nhất, khí hậu khô nhất và nhiệt độ lạnh nhất.

"Chúng tôi không thể lường trước được việc nhìn thấy thềm băng đó sụp đổ", Peter Neff, một nhà băng học tại Đại học Minnesota, Hoa Kỳ cho biết.

"Kể từ khi con người có được dữ liệu vệ tinh từ vùng Đông Nam Cực, tôi không nghĩ sự sụp đổ có thể diễn ra ở cả khu vực này", Rob Larter, một nhà địa vật lý biển tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh Quốc cho biết thêm.

 Thềm băng không thể sụp đổ ở Nam Cực vừa đổ sụp: Lời tiên tri tận thế đang ứng nghiệm  - Ảnh 1.

Khu vực này từng là thềm băng gắn với lục địa Nam Cực. Bây giờ nó đã vỡ vụn thành các tảng băng trôi ký hiệu là C-37 và C-38.

Thềm băng Conger ở Nam Cực đổ sụp vào khoảng giữa tháng 3, khi nhiệt độ ngoài trời là -12 độ C.

Conger là thềm băng có diện tích 460 dặm vuông, tương đương 1200 km vuông, nằm ở phía Đông Nam Cực. Thềm băng này thuộc vùng lục địa Wilkes Land, phía trên một miệng núi lửa cùng tên rộng 300 dặm có lẽ đã hình thành từ khoảng 250 triệu năm trước.

Vùng băng này từng xuất hiện trong bộ phim Hồ sơ tuyệt mật (The X-Files), nơi có một phòng thí nghiệm khổng lồ được xây dựng bí mật bên dưới bề mặt của nó. Có những lí do để người viết kịch bản chọn Wilkes Land làm địa điểm trọng yếu ấy.

Ngoài đời thật, đây là một vùng băng ổn định, siêu lạnh giá với nhiệt độ ngoài trời có thể xuống tới -65 độ C. Nhưng từ hồi đầu tháng, trạm nghiên cứu Concordia của Nga thiết lập trên Wilkes Land đã đo được mức nhiệt cao kỷ lục, lên tới -12 độ C. Nhiệt độ này được cho là cao hơn tới 40 độ so với cùng kỳ năm ngoái.

 Thềm băng không thể sụp đổ ở Nam Cực vừa đổ sụp: Lời tiên tri tận thế đang ứng nghiệm  - Ảnh 2.

Nhiệt độ cao kỷ lục là yếu tố trực tiếp gây ra sự sụp đổ của thềm băng Conger. Nhưng mọi chuyện có thể đã âm thầm diễn ra từ trước đó rất lâu.

Theo Catherine Walker, một nhà băng học tại Viện Hải dương học Woods Hole, Conger đã sụp đổ vào khoảng từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3. Đó là sau khi Nam Cực chịu ảnh hưởng của một cột hơi nước dài được gọi là "atmospheric river" hay "sông quyển". Dòng hơi nước di chuyển trong khí quyển Trái Đất này đã mang nhiệt từ tận vùng nhiệt đới xuống Nam Cực.

Cùng lúc đó, một hệ thống áp cao được gọi là "vòm nhiệt" đã hình thành và di chuyển đến Đông Nam Cực. Sau đó, khối vòm nhiệt cứ nằm ở đó, giữ nhiệt và độ ẩm hun nóng và làm tan chảy băng ở đây.

Toàn bộ quá trình này diễn ra trong khoảng vài tháng, nhưng gốc rễ vấn đề thực chất đã diễn ra trong hàng thập kỷ. "Đợt nắng nóng này ở Nam Cực chỉ là giọt nước tràn ly", Walker nói. Còn nhiệt độ toàn cầu đã liên tục tăng lên trong hàng thập kỷ khi con người liên tục phát triển công nghiệp và đưa ngày càng nhiều CO2 vào khí quyển.

 Thềm băng không thể sụp đổ ở Nam Cực vừa đổ sụp: Lời tiên tri tận thế đang ứng nghiệm  - Ảnh 3.

Ảnh vệ tinh cho thấy sự sụp đổ của Conger diễn ra trong khoảng từ ngày 14 đến 16 tháng 3.

Nam Cực và biển Nam Đại Dương đang nóng lên nhanh hơn phần còn lại của hành tinh. Trước sự kiện thềm băng Conger sụp đổ, diện tích băng bao phủ ở Nam Cực đã xuống tới mức thấp nhất mọi thời đại.

"Nó chỉ đang tan chảy và tan chảy", Walker nói. "Chúng ta chỉ đang chứng kiến kết quả tất yếu của quá trình Trái Đất và các đại dương ấm lên trong thời gian dài".

Phản ứng dây chuyền: Lời tiên tri tận thế đang ứng nghiệm

Sự sụp đổ của thềm băng Conger xảy ra chỉ vài tháng sau khi các nhà khoa học dự đoán về sự sụp đổ của một thềm băng lớn khác, được gọi là "thềm băng tận thế", Thwaites Glacier ở Phía Tây Nam Cực cũng đang tan dần vượt quá "tipping point".

Đây là thuật ngữ để chỉ điểm tới hạn này có nghĩa là nếu sông băng tan vượt ngưỡng đó, nó sẽ kích hoạt một chuỗi các vụ tan chảy không thể ngăn cản nổi. Kết quả là toàn bộ dải băng ở Tây Nam Cực sẽ đổ xuống đại dương, làm dâng nước biển lên 3 mét.

Sự kiện được ví với những truyền thuyết "tận thế" mang tính sử thi, bởi lúc đó, nước biển có thể nuốt trọn nhiều thành phố ven biển, từ New York, Thượng Hải, cho đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Thwaites Glacier: Thềm băng tận thế sắp sụp đổ

Thềm băng Conger mặc dù ở phía Đông Nam Cực, gần đối diện với Thwaites, nhưng sự sụp đổ của nó trong vùng băng cao và lạnh nhất của Nam Cực thậm chí càng củng cố thêm "lời tiên tri tận thế". Không ai có thể lường trước Conger thậm chí còn đổ xuống trước cả những thềm băng ở phía Tây Nam.

"Toàn bộ Nam Cực từng được nhốt trong một hộp băng. Và nó đã quen với việc được bao quanh bởi những thềm băng ở rìa lục địa này", Ted Scambos, nhà băng học tại Đại học Colorado cho biết.

Nhưng bây giờ, nhiệt độ và nước biển ấm đang ăn mòn dần hộp băng bên ngoài rìa lục địa Nam Cực. Scambos ví nó giống như một miếng gỗ bị ép quá mạnh, đến cuối cùng, nó sẽ vỡ vụn. "Những gì xảy ra với Conger là một ví dụ điển hình cho thấy cách Nam Cực đang phản ứng với áp lực", ông nói.

Scambos giải thích thêm rằng mặc dù Conger không phải là một thềm băng quá lớn, nhưng mỗi khi chúng ta nhìn thấy một thềm băng như vậy bật ra khỏi lục địa và trở thành một tảng băng trôi lênh đênh ngoài biển, các vùng băng bên trong nó đều cảm thấy một áp lực rằng chúng rồi cũng sẽ đổ sụp.

Nói cách khác, khi bất kỳ một thềm băng nào ở rìa Nam Cực bật ra, nó đều làm cho các vùng băng phía trong đó mỏng đi và bị ăn mòn rồi tan chảy nhanh chóng. "Đó là điều rất khó để ngăn chặn, một khi nó đã bắt đầu", Scambos nhấn mạnh.

 Thềm băng không thể sụp đổ ở Nam Cực vừa đổ sụp: Lời tiên tri tận thế đang ứng nghiệm  - Ảnh 5.

Nếu chúng ta không phanh hãm, nếu chúng ta không làm chậm được quá trình này, con cháu chúng ta và những đứa trẻ sinh ra ở hiện tại sẽ phải hứng chịu những hậu quả khủng khiếp trong tương lai của chúng.

"Mặc dù tôi sẽ không còn sống để chứng kiến khoảnh khắc ấy, nhưng những người khác trẻ tuổi hơn tôi một chút, họ sẽ sống đến ngày thấy điều đó trở thành hiện thực", Scambos nói. "Và điều đó có nghĩa là thế hệ chúng tôi đang nợ họ một hành động, để cố gắng giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt".

Tham khảo CNN , Sciencealert

Chia sẻ