Ngày 20/11:

Thầy cô gia sư: trò bắt nạt, phụ huynh soi, quà cáp ít

Phong Linh,
Chia sẻ

Không chính thức theo nghề giáo nhưng cũng là những người “gõ đầu trẻ” với câu chuyện vui buồn, đó là các gia sư.

Học trò “bắt nạt”, phụ huynh… soi

Công việc gia sư được ví như nghề làm dâu trăm họ bởi không dễ gì làm hài lòng cả phụ huynh và học sinh. “Tai nạn” nghề nghiệp dễ gặp nhất là bị học sinh… bắt nạt. Hiền Trang, một học viên cao học ngành Ngữ văn đã gắn bó với công việc gia sư vài năm chia sẻ: “Với tâm lý gia sư là người gần gũi và được bố mẹ thuê đến để học cùng mình, nhiều học sinh nghĩ ra đủ chiêu để bắt nạt gia sư. Không ít gia đình có điều kiện để thuê người đến dạy kèm cho con mình thuộc dạng khá giả, những đứa trẻ không phải động chân động tay làm việc nhà, sẵn tâm lý ỷ lại vào người khác nên nhiều đứa hí hửng nghĩ rằng có gia sư là có người… làm bài hộ”.

Chị kể, mình đã “dính” vài học trò ỷ lại, ít chịu động não khi học bài mới và rất lười làm bài tập. Nói ngọt, hứa cho quà, thậm chí dọa nạt để chúng làm bài tập cô giáo ở lớp giao cho đã khó chứ đừng nói đến việc bắt chúng làm bài tập thêm. Có những đứa “quái” đến mức, thay vì học thêm kiến thức hoặc luyện tập bài mới trong giờ học thêm, chúng nài nỉ dùng thời gian đó để luyện bài trên lớp.

Nhưng cả buổi chúng ngâm nga câu giờ, đến hết nửa thời gian học thì nằm bẹp xuống bàn kêu đau đầu, không hiểu bài, thậm chí mếu máo “ngày mai em kiểm tra bài này rồi” để ép chị hướng dẫn giải bài tập. Nếu bị từ chối, chúng sẽ lôi “bảo bối” là sách tham khảo ra chép!

Chị Mai Nga, một gia sư dạy tiếng Anh cho các bé cấp tiểu học cho biết, chị bị học trò bắt nạt kiểu khác. Chị may mắn gặp được các học trò ưa thích giờ học và yêu cô, tuy nhiên, có những lúc bọn trẻ có những mè nheo khiến chị mệt mỏi. Ví dụ, các học trò của chị “giao hẹn” mỗi tuần và mỗi tháng, cô phải thưởng quà cho học sinh giỏi nhất lớp, khi là cái bút chì, khi là cục tẩy, đề can hoạt hình… Hay như chuyện các bé tập trung ở nhà một bạn để học, khi tan lớp, vài đứa đòi chị… dắt về nhà (ở gần đó) hoặc đòi cô mua đồ ăn vặt.

Những người có kinh nghiệm làm gia sư chia sẻ, học sinh ở mỗi lứa tuổi sẽ có kiểu “bắt nạt” gia sư khác nhau, những bé tiểu học thường vận dụng chiêu “con muốn đi tè”, “con muốn uống nước”, giả vờ quên vở ở trường, thậm chí khóc nhè để mè nheo gia sư; những học trò ở lứa tuổi lớn hơn thì nghĩ ra cách giả ốm, viện cớ phải học thêm nhiều môn, chưa kịp ăn tối hoặc “dụ dỗ” gia sư nói chuyện phiếm.

Thầy cô gia sư: trò bắt nạt, phụ huynh soi, quà cáp ít 1
Cũng làm nghề dạy học, nhưng các gia sư chịu thêm những áp lực
khác từ phía học sinh và phụ huynh. (Ảnh minh họa)

Đối phó với những cô cậu học sinh đã đành, nhiều khi gia sư còn phải  đối phó với cả phụ huynh. Nhiều người làm gia sư chia sẻ, với nhiều phụ huynh học sinh, thầy cô gia sư là những người “vì thiếu tiền mà đi dạy” và được họ thuê về nhà dạy để giảm tải thời gian đưa đón con đi học thêm ở các lớp tập trung. Dù đã “nghiên cứu” kỹ lưỡng, thường là qua người quen giới thiệu, nhiều bậc cha mẹ vẫn xét nét, giám sát việc dạy học của gia sư rất khắt khe đến mức gây khó chịu cho cả thầy và trò.

Một nữ gia sư dạy Toán kể lại, sau 2 năm gắn bó, chị đã nghỉ làm gia sư cho con của một gia đình khá giả vì bực mình với thái độ của phụ huynh. “Lần nào tôi tới dạy, bà mẹ cũng xuống đánh dấu vào một tờ giấy như bảng chấm công rồi ký vào đó để làm dấu. Ban đầu tôi hơi bực, nhưng thấy sòng phẳng như vậy cũng tốt nên không nói gì.

Phong cách dạy học của tôi là vừa học vừa pha trò, lấy dẫn chứng hài hước hoặc cách diễn đạt xì-tin để học sinh tiếp thu nhanh, nên hầu như buổi học nào, hai học trò (hai chị em sinh đôi - PV) của tôi cũng cười ầm ĩ. Vài lần, mẹ chúng xuống nhắc khéo con: tập trung học đi, cười gì mà cười lắm thế, khiến tôi hơi phật ý
”.

Tôi đã bỏ qua hết những chuyện đó. Đến một đợt bận việc gia đình, tôi xin phép rút giờ học xuống từ 3 buổi còn 2 buổi/tuần trong 1 tháng, phụ huynh hỏi: ‘Cô bị ốm hay mới lấy chồng mà nghỉ bớt thế?’ rồi yêu cầu tăng thêm giờ học mỗi buổi để… ‘đảm bảo bài vở cho các cháu’. Tôi hỏi lại bọn trẻ, chúng thổ lộ, mẹ chúng vừa sa thải gia sư tiếng Anh vì … có bầu, e rằng không tập trung dạy chúng và năn nỉ tôi cố gắng đến dạy tuần 3 buổi vì ‘cô cũng đang trong tầm ngắm’. Sau đó, tôi quyết định nghỉ việc”.

Không “soi” như bà mẹ nói trên, nhưng các phụ huynh của chị Mai Nga có kiểu quan tâm đến gia sư rất… “bá đạo”. Công việc chính của chị khá bận rộn, nên chị chỉ tranh thủ dạy thêm vào cuối tuần và chỉ dạy tiếng Anh. Trò mến cô, phụ huynh cũng yêu cầu chị kèm thêm môn tiếng Việt và Toán cho các bé, nhưng chị đành từ chối. Sau khi điều tra ra mức lương của chị, một số phụ huynh đã thẳng thừng yêu cầu chị… nghỉ hẳn việc ở cơ quan để tập trung dạy thêm với lý do: “cô đi làm được ít tiền mà bận rộn suốt, chẳng thà ở nhà dạy bọn trẻ còn hơn!”.

Gia sư kiêm bảo mẫu, bác sĩ tâm lý và… gián điệp

Nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình giàu có, cha mẹ bận rộn nên ít có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con. Việc thuê gia sư là một giải pháp đáp ứng được yêu cầu “nhiều trong một”, trước là để có người dạy dỗ kèm cặp con, sau là có người chăm sóc, vui chơi với con mình.

Gia sư Linh Anh kể chuyện, qua người nhà giới thiệu, chị đã dạy gần 3 năm cho hai chị em, giờ cô chị đã học lớp 11 và cậu em học lớp 10 của một trường chuyên. Bố mẹ của chúng thuộc hạng đại gia ở một tỉnh phía Bắc, lên Hà Nội mua nhà đã vài năm và để hai đứa con ở cùng bà nội. Sợ con hư hỏng, bố mẹ chúng kiên quyết không cho chúng sử dụng điện thoại di động, không internet, ti vi không lắp cáp hay đầu thu kỹ thuật số, thuê xe ôm đưa đón con đi học, và quản lý chặt chẽ hệ thống gia sư. Vài tháng, bố mẹ chúng đảo lên Hà Nội một lần để thăm con và… “thanh trừng” các gia sư không nghiêm khắc.

Thầy cô gia sư: trò bắt nạt, phụ huynh soi, quà cáp ít 2
Nhiều trường hợp, gia sư còn hiểu tâm lý học trò hơn cha mẹ. (Ảnh minh họa)

Là chỗ quen biết, Linh Anh được phụ huynh học sinh quan tâm hơn một chút, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu khó đỡ. Biết các con mến cô, phụ huynh nhờ Linh Anh làm… gián điệp, moi những thông tin của bọn trẻ như: ở trường chúng có thích ai không, có ai thích không, chúng có bao giờ “câu móc” với gia sư để nghỉ học không, chúng có nói xấu bố mẹ không, có lẻn ra hàng internet gần nhà để chơi điện tử không .v.v..

Gia đình này còn nhờ chị đi tìm lớp dạy nữ công gia chánh, tìm lớp học đàn, tìm gia sư mới… cho các con. Chưa hết, những lần bọn trẻ có cuộc họp phụ huynh, Linh Anh cũng được nhờ làm đại diện vì “bà nội chúng già quá, chúng tôi bỏ công bỏ việc lên tận đây để họp thì không được, họ hàng cũng toàn người bận rộn”.

Bọn trẻ thì quấn quýt Linh Anh đến mức chị muốn ngộp thở. Cô chị còn đỡ, còn cậu em trai thì luôn coi Linh Anh như “của riêng”. Những giờ chị đến dạy, cậu học trò luôn hỏi đủ thứ chuyện riêng tư cũng như kể chuyện trường, chuyện lớp đến cả chuyện hôm nay chúng ăn gì, cãi nhau ra sao và yêu cầu chị… kể chuyện cho nghe. Có hôm, cậu bé còn nằng nặc đòi chị phải tự tay làm thức ăn mang đến rồi mới chịu học.

Thấy chúng thiếu thốn tình cảm, chị cũng chiều lòng, nhưng không ít lần chị cảm thấy bực. Cậu bé rất thích gọi điện cho chị, khi thì hỏi bài, lúc lại nói chuyện phiếm. Chị trả lời đang bận và tắt máy thì y như rằng cậu bé sẽ gọi lại và tiếp tục kể chuyện hoặc bắt chị kể chuyện.

Mỗi khi gặp vấn đề rắc rối trong trường, trong lớp, hai chị em lập tức gọi ngay cho chị Linh Anh xin tư vấn. Chị (bị) thân thiết với bọn trẻ đến mức, mẹ chúng còn mát mẻ: “Giờ chúng thân với cô hơn cả với mẹ. Mẹ lên thăm thì chúng nhăn nhó, kêu mẹ áp bức, đến giờ cô dạy thì tươi như hoa; hỏi thăm chuyện học hành, chuyện tình cảm thì chúng gắt gỏng; bảo chúng học cái này cái kia, chúng bật tanh tách bảo mẹ biết gì mà tư vấn… vậy mà nhờ cô nói, chúng lại nghe lời!”        

Tủi phận giáo viên… ở nhà

Ai cũng biết nghề giáo là nghề cao quý và trong thâm tâm nhiều phụ huynh, người thầy luôn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những rắc rối với nghề, người theo nghề “gõ đầu trẻ” nghiệp dư còn gặp những nỗi buồn tế nhị khác. Câu chuyện tủi thân mà nhiều gia sư hay gặp nhất là ít có uy với học trò.

Không phải giáo viên chính thức, họ không có vì để “vin” vào dọa học sinh như chấm điểm thấp, hạ hạnh kiểm, kỷ luật mỗi khi chúng không chịu làm bài tập, cùng lắm chỉ dọa nghỉ dạy hoặc báo với phụ huynh. Nếu thích, học sinh có thể đổi giờ học, nghỉ học vì những lý do riêng. Thậm chí, cách giờ học vài phút, chúng có thể nhắn tin, gọi điện yêu cầu hủy buổi học, không cần biết gia sư đã đến nhà mình hay chưa.

Năm học của gia sư và học trò không có ngày khai giảng tưng bừng, cũng không bế giảng, chỉ là những thỏa thuận giữa gia đình và gia sư. Sự chăm sóc của phụ huynh với gia sư cũng có giới hạn, nếu không vừa lòng với kết quả học tập của con, gia sư sẽ bị khiển trách, thậm chí nghỉ việc ngay. Áp lực dạy cho học sinh tiến bộ cũng có phần nặng nề hơn, vì tâm lý “đã tốn tiền thuê gia sư, phải có hiệu quả ngay” của phụ huynh.

Những ngày lễ, ngày tết, ngày 20/11, các gia sư thường chủ động cho học sinh nghỉ. Nếu gia đình có lòng, họ sẽ tặng cho gia sư chút quà, thường có giá trị tương đương 1 buổi dạy. Nhiều gia sư chia sẻ, những ngày ấy, tâm lý buồn vì vẫn là giáo viên, vẫn nỗ lực dạy học trò nhưng không được công nhận chính thức ám ảnh họ nhiều hơn cả.

Dĩ nhiên bên cạnh nỗi buồn, việc làm gia sư cũng có không ít niềm vui. Đó là khi họ gặp những gia đình thông cảm và tôn trọng họ như những giáo viên thực thụ; gặp học sinh ngoan, tiếp thu tốt; hoặc khi thấy học trò mình thành công, điểm số được cải thiện, đỗ vào trường chuyên, lớp chọn. Bởi những niềm vui đó, nhiều người vẫn còn níu mình với cái nghề lắm chông chênh này.
Chia sẻ