Tại sao nhiều người có địa vị cao thích sử dụng túi đã qua sử dụng của nhãn hàng này?
Thị trường hàng đã qua sử dụng ngày càng phát triển khiến cho những chiếc túi hàng hiệu dần trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng.
Jenny Walton đã “thèm muốn" chiếc túi Hermès trong nhiều năm trước khi cô tậu được một chiếc vào mùa thu năm ngoái. Lý do khiến người phụ nữ 33 tuổi này khao khát chiếc túi hàng hiệu có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng như vậy là vì theo cô, “chúng không bao giờ bị lỗi mốt".
Thương hiệu Hermès có nhiều dòng túi khác nhau, nhưng trong số đó có hai dòng nổi tiếng hơn cả, đó là Kelly và Birkin, cả hai từ lâu đều được xem là biểu tượng của địa vị trong giới túi xách.
Đặc biệt, dòng túi Birkin trong nhiều thập kỷ đã luôn độc chiếm danh hiệu chiếc túi xách quý hiếm nhất, không chỉ bởi vì giá trị của chất liệu làm ra mà còn bởi vì số lượng giới hạn của mỗi loại sản phẩm.
Tuy nhiên, khi thị trường hàng đã qua sử dụng ngày càng phát triển, túi Hermès trở nên “quen mặt" với nhiều người hơn. Chính vào lúc này, cách mà người ta nhìn nhận về địa vị của những người sử dụng túi Hermès dần thay đổi. Đối với một số người, chiếc túi càng sạch sẽ tinh tươm thì chứng tỏ người đeo nó càng thích thể hiện.
Walton là hoạ sĩ chuyên vẽ tranh minh hoạ, đồng thời cũng là một người nổi tiếng trên mạng xã hội. Cô đã mua chiếc túi Hermès của mình - một chiếc túi đã qua sử dụng thuộc dòng Kelly màu nâu tía với các chi tiết kim loại mạ vàng - tại Paris với giá 3000 euro (khoảng 75 triệu đồng).
Chiếc túi của Walton không sạch sẽ như mới, nó có đầy những dấu hiệu chứng minh đã từng được sử dụng một thời gian, nhưng đối với cô, điều đó làm chiếc túi “trông ngầu hơn".
Nữ diễn viên Candice Bergen đã sử dụng túi Hermès như một tấm vải để vẽ tranh. Người mẫu Julia Fox sở hữu một chiếc túi Birkin với đầy những vết xước ở các cạnh. Nhà thiết kế thời trang Mary-Kate Olsen cũng có một chiếc túi Kelly cũ đến mức không thể nhận ra màu gốc của nó là gì.
“Dù chiếc túi có giá lên đến 10.000 USD (tương đương 256 triệu đồng), nhưng cô ấy chỉ xem nó như một chiếc cặp đựng đầy đồ của người bán ô tô cũ", Liana Satenstein, cựu cây bút của tờ tạp chí thời trang cao cấp Vogue, từng viết về Olsen như vậy.
Mặc dù có giá đắt đỏ, nhưng chiếc túi của Hermès làm ra cũng chỉ với một mục đích quan trọng nhất như bao chiếc túi bình dân khác: chứa đồ. Theo công ty Hermès, dòng túi Birkin kinh điển ra mắt vào năm 1984 nhờ vào cuộc trò chuyện giữa nữ diễn viên Jane Birkin và giám đốc điều hành Jean-Louis Dumas của hãng thời trang này.
Khi cả hai ngồi cạnh nhau trên chuyến bay từ Paris đến London, bà Birkin đã nói với ông Dumas rằng bà cần một chiếc túi có thể đựng tất cả các đồ vật mà bà chuẩn bị cho con nhỏ.
Một dòng túi khác của Hermès có tên Haut à Courroies cũng có nguồn gốc thực dụng: nó được thiết kế để vận chuyển yên ngựa và ủng cưỡi ngựa. Tháng trước, một chiếc túi Haut à Courroies sờn rách đã được bán lại với giá lên đến hơn 32.000 USD (khoảng 754 triệu đồng).
Vào năm 2018, Ryan Reineck, giám đốc nghệ thuật 36 tuổi sống ở Manhattan đã trả 8.300 USD (khoảng 196 triệu đồng) để mua lại chiếc túi Haut à Courroies “lộn xộn". Theo ông, chính sự không hoàn hảo của nó đã tạo nên một chiếc túi đặc biệt.
Với quan điểm tương tự, W.David Marx, tác giả của cuốn sách “Status and Culture" (Địa vị và Văn hoá), tin rằng để hàng hóa xa xỉ trở thành biểu tượng của địa vị xã hội, chúng cần có dấu ấn, có mối liên hệ với cuộc sống hàng ngày chứ không chỉ đơn giản là một món đồ được nâng niu để “ra vẻ" trước mặt người khác.
Theo tác giả, khi một người mang theo chiếc túi Hermès cũ nát, điều đó chứng tỏ rằng họ đeo nó không phải vì nhãn hiệu, mà là vì tính hữu dụng của nó. Ông từng viết trong email của mình rằng: “Tôi thậm chí không quan tâm chiếc túi đó có bị lỗi mốt hay không, vì tôi không sử dụng nó để đánh dấu địa vị của mình. Nó chỉ là một cái túi thôi. Ai lại đi quan tâm một chiếc túi có bị sao hay không?”