“Tắc” chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm
Sau 2 năm Chính phủ ban hành Nghị định 116/2021 quy định sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt, đến nay, nhiều sinh viên theo học sư phạm chưa nhận được sự hỗ trợ này. Có trường, sinh viên phải viết đơn kêu cứu.
Năm học 2022 - 2023 chỉ mới bắt đầu nhưng không ít sinh viên của Trường ĐH Sài Gòn đã gửi đơn cầu cứu, vì không thể tiếp tục ứng học phí theo học. Chị L.T.Y có con đang học năm thứ 2 tại trường cho hay, con chị lựa chọn học sư phạm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Nhưng đã vào năm học thứ hai, các khoản hỗ trợ chưa thấy đâu, năm qua, gia đình chị Y phải xoay xở đủ cách để cho con học với các khoản chi phí ăn ở, thuê nhà... hơn 100 triệu đồng/năm. Sắp tới, gia đình chị khó có thể gắng gượng được thêm, nên con chị có nguy cơ phải dang dở việc học. Chị L.T.Y mong muốn tìm được hướng tháo gỡ để con tiếp tục có cơ hội theo đuổi nghề giáo.
Tương tự, nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM phản ánh, dù năm học 2020 - 2021 đã kết thúc nhưng tới nay, các khoản tạm ứng học phí của sinh viên với nhà trường vẫn chưa được giải ngân. Khoản sinh hoạt được hỗ trợ theo quy định cũng chưa có, khiến người học đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục vì khó khăn.
Tháng 8 vừa qua, 500 sinh viên sư phạm của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cũng có đơn cầu cứu, vì kết thúc năm thứ nhất vẫn không nhận được khoản tiền trợ cấp chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng/sinh viên theo Nghị định 116.
Thông tin từ Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cung cấp, nguyên nhân của việc chậm trả này là trường chưa nhận được sự đặt hàng hay kinh phí cấp từ UBND Thành phố Hà Nội theo Nghị định 116. Nhà trường đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố Hà Nội và các sở có liên quan đề xuất phê duyệt danh sách sinh viên đã cam kết; phê duyệt kinh phí để đào tạo và cấp sinh hoạt phí để chi trả cho sinh viên theo quy định. Nhưng đến thời điểm này chưa có khoản nào được phê duyệt.
Tại hội nghị về thực trạng và giải pháp đào tạo giáo viên Cao đẳng (CĐ) vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức đầu tháng 11, các trường đều phản ánh việc triển khai Nghị định 116 đang có nhiều vướng mắc. TS Nguyễn Thị Lệ Hường, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hòa Bình cũng cho biết Nghị định 116 của Chính phủ đã tạo sức hút trong tuyển sinh của trường. Tuy nhiên, 2 năm sau khi có hiệu lực, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa thể triển khai vì vướng đủ thứ. Tỉnh Hòa Bình năm 2021 chưa triển khai Nghị định 116 vì ngân sách không đủ. Do đó, sinh viên theo học diện Nghị định này chưa được hưởng các chính sách theo quy định, tỉnh vẫn đang cân nhắc việc cấp khoản chi bù.
Trên thực tế, đã có một số địa phương, trường ĐH chi trả cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116. Chẳng hạn Ninh Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện giải ngân từ tháng 6/2022. Trường ĐH Hoa Lư đã chi trả 16,5 tỷ đồng hỗ trợ sinh hoạt trong 3 tháng cuối năm 2021 và 10 tháng của năm 2022 cho 354 sinh viên sư phạm. Tỉnh Quảng Bình trong tháng 9/2022 cũng đã chuyển tiền cho Trường ĐH Quảng Bình làm thủ tục chi trả cho sinh viên…
Nhiều địa phương vẫn đứng ngoài cuộc
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thừa nhận Nghị định 116 còn những điểm chưa thật ổn và Bộ đã nhìn thấy cũng như nhận thức rất rõ. Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định cho phù hợp thực tế.
Ông Sơn khẳng định những điểm mới của Nghị định 116 rất tốt (đào tạo theo nhu cầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ). Tuy vậy, vướng mắc hiện nay từ phía địa phương.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nghị định đã có, nhu cầu thực tế của địa phương về đội ngũ giáo viên rất lớn. Nhưng địa phương không xác định nhu cầu, không đặt hàng. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT không có căn cứ để giao chỉ tiêu cho các trường đào tạo. Đồng thời, các địa phương cũng không cam kết chi trả sinh hoạt phí, học phí cho sinh viên sư phạm.
Có thể thấy, các địa phương chưa mặn mà với việc đặt hàng đào tạo sinh viên, khiến trường sư phạm gặp khó. Tuy vậy, nhìn nhận của các trường sư phạm cho thấy cái khó và vướng nhất hiện nay chính là Nghị định 116 của Chính phủ đang chênh với việc xây dựng cơ chế giá theo yêu cầu của Bộ Tài chính rồi mới được đấu thầu, giao nhiệm vụ. Điều này khiến việc thẩm định, phê duyệt và giải ngân cho chương trình hỗ trợ sinh viên sư phạm của các trường và địa phương gặp nhiều khó khăn.
Hiện nhiều trường, sinh viên sư phạm vẫn mòn mỏi chờ đợi được hỗ trợ theo quy định của Nghị định 116. Vì có sự chậm trễ nói trên, không ít sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phải xoay xở đủ cách để theo học. Lãnh đạo nhiều trường cũng vô cùng bối rối, bởi nhà trường chỉ là đơn vị thực thi, phải chờ kinh phí từ địa phương.