'Sốt xình xịch' miếng dán tránh thai: Công dụng như thế nào?

Khánh Chi ,
Chia sẻ

Trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ công dụng của miếng dán tránh thai và coi nó như cách tránh thai thế hệ mới nhất.

Miếng dán tránh thai có ưu điểm an toàn, hiệu quả ngừa thai cao, gọn nhẹ, thuận tiện, chỉ dán 1 lần/tuần trong 3 tuần liên tiếp. Tránh quên thuốc, quên thay miếng dán 2 ngày thì vẫn còn hiệu quả ngừa thai. Đặc biệt, miếng dán tránh thai không gây tác dụng phụ cho người sử dụng.

Cách dùng miếng tránh thai này cũng rất đơn giản chỉ cần dán vào vùng da bình thường, khô sạch, ở vùng mông, bụng, mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc phần thân trên. Bắt đầu dán 1 miếng vào ngày đầu tiên sau khi sạch kinh nguyệt 1 ngày. Mỗi miếng được dán liên tục tròn 1 tuần (7 ngày)" - đó là những lời quảng cáo trên mạng về miếng dán tránh thai đang được rao bán nhan nhản trên facebook hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Hà – 31 tuổi, ở Hà Nội, chia sẻ chị từng mua miếng dán tránh thai với giá 530.000 đồng hộp ba miếng dán dùng trong 1 tháng. Tháng đầu tiên, chị Hà cũng thót tim vì sợ có bầu. Đến tháng thứ hai thì lại xuất hiện rối loạn kinh nguyệt khi chu kỳ 'đèn đỏ' đến 2 lần. Chị Hà không rõ do miếng dán tránh thai nên vẫn dùng tiếp nhưng sau đó lại xuất hiện tình trạng rong kinh.

Chị Hà đi kiểm tra bác sĩ cho biết do tác dụng của miếng dán tránh thai. Lúc đầu chị Hà nghĩ miếng dán tránh thai ngoài da sẽ an toàn hơn thuốc tránh thai hay cấy que tránh thai. Chị không ngờ những trục trặc trong chu kỳ của mình thời gian qua là do miếng dán tránh thai mang đến.

'Sốt xình xịch' miếng dán tránh thai: Công dụng như thế nào? - Ảnh 1.

Sốt xình xịch miếng dán tránh thai: Công dụng như thế nào?

Bác sĩ chuyên khoa I Dương Ngọc Vân – Bệnh viện Medlatec cho biết miếng dán tránh thai là phương pháp tránh thai rất thuận tiện hiện đang được nhiều chị em lựa chọn.

Theo bác sĩ Vân đây là một miếng dán nhỏ và mỏng, kích thước của nó khoảng 4,5cm2. Phụ nữ nên sử dụng phương pháp này bằng cách dán trực tiếp lên da, có thể da vùng mông, bụng, lưng hoặc có thể dán lên vùng da bắp tay.

Cơ chế hoạt động của nó chính là kích thích giải phóng estrogen và progestin nhằm mục đích ngăn ngừa quá trình rụng trứng của phụ nữ. Như vậy, trứng sẽ không có cơ hội để “gặp” tinh trùng và khó có thể thụ thai. Hơn nữa, phương pháp này cũng có tác dụng khiến cho dịch nhầy ở cổ tử cung đặc lại và khiến tinh trùng khó gặp trứng và giúp thụ thai.

Miếng dán tránh thai dùng đơn giản, chỉ cần người dùng xé bao đựng miếng dán. Lấy miếng dán này ra khỏi túi và bóc lớp áp vào miếng dán và lưu ý đừng để tay bạn dính vào bề mặt của miếng dán. Tiếp đó, từ từ dán vào vùng da khô, sạch.

Bác sĩ Vân cho biết nên dán miếng dán lên các vùng da như vùng bắp tay, lưng, mông bụng,... Nhưng chị em chú ý không nên dán ở những phần da nhạy cảm, đặc biệt không nên dán vào phần vú và những vùng da đang bị mẩn đỏ, kích ứng hay trầy xước.

Theo BS Vân, mặc dù miếng dán này có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có một số tác dụng phụ mà chị em cần biết để phòng ngừa và biết cách xử lý kịp thời: Vùng da dán bị kích ứng, cương ngực, nôn, buồn nôn, tăng cân nhẹ, chướng bụng. Có thể xuất hiện tình trạng ra máu âm đạo bất thường.

Để chắc chắn, trong lần đầu tiên, chị em nên sử dụng kèm theo một phương pháp tránh thai khác. Những lần sau đó, bạn sử dụng bình thường và không cần dùng thêm bất kỳ phương pháp tránh thai nào khác. Không nên tháo miếng dán khi bạn tắm rửa hay bơi lội hoặc trong một số công việc thường ngày.

Bác sĩ Vân cũng cho biết thêm miếng dán tránh thai tuy tương đối an toàn nhưng vẫn có thể gây ra các rủi ro hiếm gặp như thuyên tắc mạch máu, nhồi máu cơ tim,... Do đó trước khi sử dụng miếng dán tránh thai, cần khám và tư vấn ở các cơ sở y tế uy tín để biết mình có thuộc nhóm đối tượng bị chống chỉ định hay không.

Hiện tượng rong huyết khi dùng miếng dán tránh thai, bác sĩ Vân khuyến cáo nếu phụ nữ dùng loại miếng dán này gặp tình trạng rong huyết vẫn tiếp tục sử dụng vì hiện tượng rong huyết do miếng dán tránh thai thường mất đi sau một vài chu kỳ kinh nguyệt. Còn nếu rong huyết kéo dài thì nên đi khám để xem xét các nguyên nhân khác.

Chia sẻ