Rộ trào lưu chị em làm bánh trung thu hand-made tại gia
Nở rộ vài năm trở lại đây, bánh trung thu hand-made với đầy đủ hình dạng, màu sắc không chỉ là món bánh để mua cho vui mà đã trở thành một mặt hàng “nóng” mỗi dịp trung thu về. Nhiều chị em nhanh chóng bắt kịp xu hướng này đã gia nhập cộng đồng làm bánh trung thu hand-made tại gia để kiếm thêm thu nhập trong mùa trung thu.
Bánh trung thu truyền thống với những chiếc bánh hình vuông, tròn đã trở thành món quà biếu quen thuộc mỗi dịp trung thu. Vài năm gần đây, bánh trung thu hand-made với nhiều hình thù mới lạ, màu sắc hấp dẫn đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. (Ảnh: Tấn Rin)
Nguyên liệu để tạo nên một chiếc bánh trung thu hand-made khá đơn giản cũng chỉ bao gồm bột mì, bơ, nước đường, dầu ăn…Theo lời chị Lê Thị Kim Thu ( 26 tuổi, nhà ở Q.Gò Vấp), một thợ làm bánh handmade thời vụ hơn 4 năm nay, thì dù làm tại nhà nhưng các nguyên liệu đều được chị lựa chọn rất kĩ càng, toàn bộ được mua từ các cửa hàng bánh kẹo lớn. (Ảnh: Tấn Rin)
Chị Thu cho biết hiện nay trên mạng hiện có rất nhiều công cũng như các clip hướng dẫn dạy làm bánh trung thu hand-made, các bước làm cũng không hề khó nên các mẹ và chị hoàn toàn có thể làm theo. (Ảnh: Tấn Rin)
Tuy chỉ là công việc thời vụ nhưng có những ngày cao điểm xưởng bánh nhỏ của chị Thu có thể “xuất xưởng” hơn 100 chiếc bánh. Với giá thành từ 20.000 đồng/bánh, mỗi ngày chị có thể thu về hơn 2 triệu đồng. (Ảnh: Tấn Rin)
Một mẫu bánh trung thu hình minion được nhiều khách hàng ưa chuộng. “Các nguyên liệu làm bánh có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, màu xanh lá cây được tạo ra tư bột trà xanh, màu tím thì từ khoai lang tím, màu nâu thì từ bột ca cao, màu đỏ từ đậu đỏ”, chị Thu chia sẻ. (Ảnh: Tấn Rin)
Một chiếc bánh trung thu hand-made được tạo hình chú chó dễ thương. (Ảnh: Tấn Rin)
Một mẻ bánh trung thu hand-made vừa thành phẩm. (Ảnh: Tấn Rin)
Với thị trường bánh trung thu đa dạng, việc tìm kiếm những ý tưởng mới về kiểu bánh nhưng vẫn giữ lại những hương vị truyền thống của bánh trung thu là một bài toán khó cho những bạn trẻ lần đầu làm quen với loại hình kinh doanh thời vụ này. Nguyễn Thị Thanh Thảo (24 tuổi, ở quận Phú Nhuận), hiện đang là một nhân viên Digital marketing sau khi tìm hiểu kĩ lưỡng thị trường, cô bạn quyết định làm bánh trung thu mini (kích thước nhỏ) để tạo sự độc đáo cho thương hiệu bánh của mình trong lần kinh doanh đầu tiên. (Ảnh: Đức Thành)
Thanh Thảo chia sẻ:“Bây giờ bánh trung thu lớn ngoài thị trường bán nhiều rồi, mình không thể cạnh tranh lại nên làm bánh trung thu kích thước nhỏ sẽ thu hút người mua tìm đến một sản phẩm mới, bánh nhỏ cũng dễ ăn hơn.” Thảo cho biết hiện trang fanpage chuyên kinh doanh ẩm thực trên Facebook của cô cũng đang thu hút rất đông các bạn nhỏ. Từ lượng người theo dõi tiềm năng này, Thảo kỳ vọng sản phẩm bánh trung thu mini với những hình thù ngộ nghĩnh sẽ nhận được nhiều sự yêu thích. (Ảnh: Đức Thành)
Cô chủ tiệm bánh online chia sẻ kỹ thuật khó nhất để làm bánh trung thu mini là cân đối phần nhân và vỏ bánh, vì bánh nhỏ nên nếu chỉ cần một trong hai phần nguyên liệu này dư ra một chút cũng có thể dẫn đến một sản phẩm không đạt yêu cầu. Cô bạn cũng nhanh nhạy nắm bắt xu thế của nhiều khách hàng hiện nay sợ ngọt nên đã nhanh chóng bổ sung thêm loại bánh đặc biệt được làm từ đường phèn hoặc đường ăn kiêng với vị ngọt thanh nhẹ. “Mình cũng không làm bánh trung thu nhân thập cẩm mà thay vào đó làm các loại nhân dễ ăn và hợp với kích thước nhỏ của bánh như nhân sữa dừa, sầu riêng, đậu xanh. Lòng đỏ trứng cút cũng sẽ được dùng để tăng vị bùi nhưng ít béo cho bánh thay vì dùng lòng đỏ hột vịt muối như thông thường". (Ảnh: Đức Thành)
Những chiếc bánh trung thu mini đẹp mắt, ngon miệng được Thảo bán với giá 15.000 đồng/bánh.“Mình thích làm bánh và đây là năm đầu tiên kinh doanh nên muốn biết xem mọi người sẽ đón nhận như thế nào. Mức giá này sẽ phù hợp cho tất cả mọi người, nên ai cũng có thể thưởng thức bánh trung thu ở tiệm bánh online của mình”, Thảo vui vẻ bày tỏ. (Ảnh: Đức Thành)
Còn với chị Vũ Thị Quyên (27 tuổi, nhà ở Q.8), việc kinh doanh bánh trung thu hand-made đến trong một dịp rất tình cờ. “Một lần, hai vợ chồng sang nhà bạn chơi, thấy cái lò nướng bạn không dùng liền nảy sinh ý định làm bánh trung thu. Do mùa trung thu trước mình có đi phụ làm bánh trung thu rồi nên cũng biết qua những bước căn bản. Ban đầu hai vợ chồng chỉ tính làm bánh biếu người thân thôi, nhưng sau khi up ảnh lên Facebook thì được bạn bè, cơ quan ủng hộ nên ai đặt thì làm”, Quyên chia sẻ. (Ảnh: Lê Minh)
Theo lời Quyên, ban đầu cô chỉ dự tính làm bánh trung thu, bánh dẻo truyền thống hình vuông, hình tròn, nhưng mỗi lần đi chợ mua nguyên vật liệu thấy khuôn mới là lại mua về để làm sản phẩm mới. Kết quả là hàng loạt bánh trung thu đủ hình dạng, kích cỡ đã ra đời. Trong ảnh là set bánh trung thu Baby (dành cho trẻ em) với kiểu dáng ngộ nghĩnh: cá, gấu, ngôi sao, thỏ, angry bird... (Ảnh: Lê Minh)
Còn đây là set bánh Sum vầy, kết hợp bánh trung thu truyền thống và bánh hình thú dành cho trẻ em. “Bánh trung thu mình làm có kích thước nhỏ hơn bánh trung thu truyền thống và có 12 loại nhân. Ngoài những loại nhân quen thuộc như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, khoai môn, mình còn chế biến thêm nhiều loại nhân lạ khác như trà xanh, dâu tây, cà phê và sắp đến bọn mình sẽ làm bánh trung thu tỏi đen dành cho người ăn kiêng và tiểu đường”, Quyên cho biết. (Ảnh: Lê Minh)
Bánh trung thu của Quyên có đặc điểm là màu sắc đa dạng và bắt mắt nhưng lại hoàn toàn sử dụng màu từ tự nhiên.“Vợ chồng mình sử dụng bột củ dền được làm bằng bã củ dền ép hết nước sấy khô, xay thành bột để tạo màu đỏ cho bánh, riêng công đoạn làm bột này phải mất vài ngày hong khô bột củ dền ngoài nắng, riêng bột matcha để tạo màu xanh, bột cacao đã thông dụng nên mình vẫn làm theo yêu cầu khách hàng”. (Ảnh: Lê Minh)
Các loại bánh dẻo có nhiều màu sắc như màu vàng, cam của cà rốt; màu đỏ tía, hồng củ dền, màu xanh lá dứa,.. tất cả đều là những rau củ tươi được xử lý để tạo màu cho bánh. Trong ảnh, anh xã của Quyên đang xay cà rốt để làm nguyên liệu nhuộm màu vàng, cam cho bánh dẻo. (Ảnh: Lê Minh)
Set sản phẩm bánh trung thu trà dền nướng với vỏ bánh làm từ bột mì, bột trà xanh và bột củ dền và 12 loại nhân. Sản phẩm của Quyên được bán với giá trung bình từ 200.000 – 350.000 đồng/hộp tùy số lượng bánh và loại bánh trong một hộp bánh. (Ảnh: Lê Minh)
Một set bánh dẻo đầy màu sắc và hình dạng các con thú. Một đặc điểm của bánh trung thu hand-made là bánh có thời gian sử dụng là 7 ngày (ở nhiệt độ thường, hoặc lâu hơn vài ngày nếu để trong tủ lạnh), nên thường khách hàng mua về sẽ dùng ngay chứ không để quá lâu. (Ảnh: Lê Minh)
“Bánh trung thu hand-made có thể không có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng bánh trung thu home-made lại luôn trung thực về nguồn gốc nguyên liệu và bạn bè, người thân quen nên người mua có thể đến trực tiếp nơi sản xuất tham quan quy trình làm bánh.”, Quang Minh, anh xã của Quyên chia sẻ. (Ảnh: Lê Minh)
Lần đầu tiên kinh doanh, dù chưa đến cao điểm mùa trung thu, vợ chồng Quyên đã bán được 100 hộp bánh chỉ trong vòng 3 tuần. “Vì là bánh nhà làm, không thuê nhân công, hai vợ chồng vận động người thân, bạn bè làm cùng và cũng chỉ tranh thủ làm bánh buổi tối và cuối tuần nên việc lời lỗ chỉ là lấy công làm lời thôi. Được cái không khí cả nhà cùng quây quần làm bánh, rất vui”, Quyên bày tỏ. (Ảnh: Lê Minh)