Phương trượng Thiếu Lâm Tự bị điều tra vì nghi biển thủ, có con ngoài giá thú
Phương trượng Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín đang bị điều tra vì bị nghi biển thủ và chiếm đoạt tài sản của chùa cũng như có con ngoài giá thú.
Tối 27/7, Ban quản lý Thiếu Lâm Tự ra thông báo: Phương trượng Thích Vĩnh Tín bị nghi ngờ phạm tội hình sự, biển thủ và chiếm đoạt tài sản dự án cùng tài sản chùa; vi phạm nghiêm trọng giới luật Phật giáo, duy trì quan hệ bất chính lâu dài với nhiều phụ nữ và có con ngoài giá thú.
Hiện ông đang bị nhiều cơ quan phối hợp điều tra. Tờ Sina trích dẫn từ báo Economic Observer rằng Thích Vĩnh Tín bị cảnh sát Tân Hương, Hà Nam đưa đi vào khoảng ngày 25/7/2025. Trước đó, Thích Vĩnh Tín đã đảm nhiệm toàn bộ công việc quản lý Thiếu Lâm Tự trong 38 năm.

Phương trượng Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín đang bị điều tra
Thích Vĩnh Tín có tài khoản mạng xã hội được chứng thực trên Weibo, thường xuyên cập nhật một bài đăng mỗi sáng. Tuy nhiên, kể từ bài đăng vào lúc 6h58 sáng ngày 24/7, tài khoản này không còn cập nhật thêm.
Tài khoản Weibo của ông mở từ tháng 3/2018, tính đến ngày 24/7, đã hoạt động 2.683 ngày, có 878.000 người theo dõi, đăng tổng cộng 4.005 bài, trung bình khoảng 1,5 bài/ngày.
Thích Vĩnh Tín, tên tục Lưu Ứng Thành, sinh năm 1965, quê Phù Dương, An Huy (Trung Quốc). Theo trang web chính thức của Thiếu Lâm Tự, ông đến chùa năm 1981, bái Thích Hành Chính, phương trượng đời thứ 29, làm sư phụ.
Năm 1987, sau khi Hành Chính viên tịch, ông kế thừa y bát, đảm nhận vị trí Giám đốc Ban quản lý Thiếu Lâm Tự, quản lý toàn bộ công việc chùa. Năm 1999, ông được phong làm phương trượng Thiếu Lâm Tự. Từ tháng 7/1998 đến nay, ông là Chủ tịch Hội Phật giáo tỉnh Hà Nam. Từ tháng 9/2002 đến nay, ông là Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Trung Quốc.
Thích Vĩnh Tín, trụ trì đời thứ 30 của Thiếu Lâm Tự, được mệnh danh là “hòa thượng tinh anh” hay “CEO Thiếu Lâm Tự” vì đã đưa ngôi chùa nổi tiếng này bước vào thời kỳ thương mại hóa toàn diện. Theo HK01 , từ khi tiếp quản, ông hệ thống hóa nguồn tài nguyên văn hóa, chỉnh lý bí kíp võ thuật, thành lập Hội Nghiên cứu Quyền pháp Thiếu Lâm, phát triển sản phẩm văn hóa như thư pháp, thơ thiền, biến Thiếu Lâm Tự thành thương hiệu văn hóa lớn.
Ông thành lập Công ty TNHH Phát triển Thực nghiệp Thiếu Lâm Tự Hà Nam (1998), kinh doanh trà thiền, bánh chay, sau đó mở rộng sang xuất bản sách, thành lập các công ty như Thiếu Lâm Hoan Hỷ Địa, khai trương cửa hàng Taobao bán đồ Phật giáo, dụng cụ võ thuật, hợp tác phát triển game, âm nhạc và thậm chí “khai quang” số điện thoại để đấu giá.
Đến năm 2022, Thiếu Lâm Tự đăng ký 706 thương hiệu, đầu tư 16 công ty với tổng vốn gần 80 triệu NDT, trong đó 7 công ty vẫn hoạt động.
Năm 2022, một công ty có liên quan đến Thích Vĩnh Tín mua lô đất 38.200 m² trị giá 452 triệu NDT, làm dấy lên tranh cãi về thương mại hóa. Dưới quyền kiểm soát của ông, Thiếu Lâm Tự trở thành một đế chế thương mại với ít nhất 18 công ty. Năm 2017, lượng khách tham quan vượt 3,5 triệu lượt, doanh thu vé hơn 350 triệu NDT, chưa kể tiền công đức.
Thích Vĩnh Tín bị chỉ trích mặc cà sa trị giá 160.000 NDT, đi Audi Q7, đeo tràng hạt đắt tiền. Ông giải thích lương chỉ 700 NDT/tháng, xe và tiền đều phục vụ chùa và từ thiện. Năm 2015, ông từng dính bê bối ngoại tình, gây chấn động dư luận.