Phòng bệnh tuyến giáp, chuyên gia khuyên hạn chế 2 thực phẩm, thường xuyên ăn 8 món
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tuyến giáp cũng như ung thư tuyến giáp. Trong đó, ăn uống không lành mạnh chiếm phần lớn, là nguyên nhân gây nên bệnh tuyến giáp.
BS Nguyễn Văn Thái (chuyên khoa Ung bướu và Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội) cho biết, nhiều năm trở lại đây, số lượng người mắc bệnh tuyến giáp có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là ung thư tuyến giáp.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tuyến giáp cũng như ung thư tuyến giáp. Trong đó, ăn uống không lành mạnh chiếm phần lớn.
Phòng bệnh tuyến giáp, chuyên gia khuyến cáo hạn chế ăn 2 nhóm thực phẩm
1. Thực phẩm chứa gluten
Những người mắc bệnh celiac hoặc không dung nạp gluten không nên ăn thực phẩm chứa gluten. Theo đánh giá năm 2021 được công bố trên tạp chí Nutrients, bệnh celiac và các bệnh tuyến giáp tự miễn dịch như viêm tuyến giáp Hashimoto… luôn xuất hiện cùng nhau.
Đánh giá ghi nhận, các vi sinh vật đường ruột không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và sự hấp thụ các vi chất dinh dưỡng, mà còn cả chức năng tuyến giáp. Đó là lý do nếu bạn bị bệnh celiac, hãy duy trì chế độ ăn không có gluten nghiêm ngặt.
2. Thực phẩm chế biến, đồ ăn nhanh
Nếu bạn đang nghĩ đến việc tăng lượng thức ăn mặn nhằm bổ sung thêm i-ốt vào chế độ ăn uống để tốt hơn cho sức khỏe tuyến giáp thì hãy nghĩ lại. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, các nhà sản xuất thường không sử dụng muối i-ốt trong các sản phẩm của mình.
Thực tế, nếu bạn ăn thường xuyên nhóm thực phẩm này sẽ khiến cơ thể hấp thụ nhiều natri. Đây là nguyên nhân gây huyết áp cao, bệnh tim mạch…
Tương tự như thực phẩm chế biến sẵn, các chuỗi thức ăn nhanh cũng không bắt buộc phải sử dụng muối i-ốt mới ra sản phẩm. Theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA), bạn nên tránh đồ ăn ở nhà hàng vì không có cách nào xác định thực phẩm bạn dùng có sử dụng muối i-ốt hay không. Chưa kể, thực phẩm chế biến sẵn vốn cũng không tốt cho sức khỏe nếu ăn thường xuyên.
Danh sách 8 thực phẩm nuôi dưỡng tuyến giáp, bạn nên ăn nhiều
1. Sữa chua
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (Nih), sữa chua nguyên chất, ít chất béo hoặc sữa chua Hy Lạp là một nguồn muối i-ốt chất lượng. Mỗi cốc sữa chua cung cấp 50% lượng i-ốt được khuyến cáo hàng ngày.
2. Quả hạch Brazil
Theo Nih, các loại hạt Brazil có chứa selen, giúp điều chỉnh hormone tuyến giáp. Theo một đánh giá năm 2013 trên tạp chí Clinical Endocrinology, selen có thể giúp ngăn ngừa tổn thương lâu dài ở những người mắc các vấn đề liên quan đến tuyến giáp như bệnh tuyến giáp Hashimoto và Graves.
3. Sữa
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy, uống 1 ly sữa ít béo sẽ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu i-ốt hàng ngày của bạn.
Chuyên gia khuyên nên chọn sữa vì thực phẩm này còn bổ sung vitamin D. Nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Khoa học Y tế Quốc tế cho thấy, người có tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) dễ bị thiếu vitamin D hơn những người khác.
4. Thịt gà và thịt bò
Kẽm rất quan trọng để sản xuất hormone tuyến giáp. Theo nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí khoa học The International Journal of Trichology, hấp thụ quá ít kẽm có thể dẫn đến suy giáp.
Thịt là một nguồn tốt cung cấp kẽm. Trong đó, chuyên gia khuyên nên ăn thịt bò và thịt gà thường xuyên.
5. Cá
Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ cho biết, i-ốt được tìm thấy nhiều trong đất, nước biển và cá. Một khẩu phần cá tuyết nướng nặng 85g cung cấp đủ lượng i-ốt trong ngày.
6. Động vật có vỏ
Theo Nih, động vật có vỏ như tôm là nguồn cung cấp i-ốt tốt. Khoảng 4-5 miếng thịt tôm chứa 10% lượng i-ốt được khuyến nghị trong ngày của bạn.
7. Trứng
Một quả trứng lớn chứa 16% lượng i-ốt, 20% lượng selen cơ thể cần mỗi ngày, biến nó trở thành siêu thực phẩm cho tuyến giáp.
8. Quả mọng
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả mọng rất tốt cho tuyến giáp. Nghiên cứu năm 2022 trên Biomedicine & Pharmacotherapy, cho biết chất chống oxy hóa có thể giúp kiểm soát rối loạn chức năng tuyến giáp.