Phải lòng ôsin vì vợ không biết nấu ăn

,
Chia sẻ

Lấy vợ đã 5 năm, song cô vợ tiểu thư không biết nấu ăn nên việc nội trợ phải thuê ôsin làm thay.

Dưới bàn tay chăm sóc chu đáo của người giúp việc từ miếng ăn đến giấc ngủ, anh Trương đã phải lòng rồi chung sống lén lút cô.

Là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, song kể từ khi lập gia đình, anh Trương, quận 11, TP HCM chưa từng được thưởng thức bữa ăn nào do chính tay vợ nấu, đã vậy mỗi bữa ăn gia đình chỉ có anh và người giúp việc.

“Mình về nhà chỉ muốn có bữa cơm canh đạm bạc do chính tay vợ nấu mời chồng vậy mà cũng là xa xỉ. Nhiều khi sợ ăn cơm một mình, tôi ghé ăn đại ở quán bên đường cho qua bữa. Mỗi lần nói chuyện này với vợ thì cô ấy lại không muốn nghe và cho rằng chuyện nữ công gia chánh là lạc hậu, là của người giúp việc. Trông mấy đứa bạn cùng quê mỗi tối quây quần bên vợ con ăn cơm trò chuyện ấm cúng mà buồn cho mình”, anh Trương tâm sự.

Mỗi khi về đến nhà trong tâm trạng trống trải, không có vợ mà chỉ có cô giúp việc chăm sóc, anh Trương đã nảy sinh tình cảm với cô gái trẻ thua anh 14 tuổi lúc nào không hay. Tội lỗi bắt đầu từ một đêm trời mưa tầm tã, đi nhậu về, không kiềm chế được tình cảm của mình, anh Trương đã ôm Liên vào lòng và làm chuyện vợ chồng, trong khi đó vợ anh đang bận chiêu đãi khách ở nhà hàng.

Còn gia đình chị Liên, một cán bộ ngân hàng tại quận Bình Thạnh, TP HCM hàng tháng thuê dịch vụ cơm nấu sẵn mang tới tận nhà. Chị quy ước mọi thành viên trong gia đình phải tự giác, hễ đói thì xuống bếp lấy cơm ăn.

Chị Liên nói:“Chồng mình đi làm cả ngày, con lại ở lớp học bán trú, mình bận rộn với hàng tá công việc, có khi một ngày chỉ ngủ được 5 tiếng đồng hồ lấy đâu ra thời gian nấu ăn cho gia đình. Thôi thì đành nhờ đến dịch vụ giao cơm tận nhà cho tiện, cơm vẫn nóng, hợp vệ sinh lại tiết kiệm thời gian vào bếp”.

Anh Trung, chồng chị Liên thì nghĩ khác: "Đã gần 12 năm sống tự lập tôi phải ăn cơm bụi một mình buồn tẻ, nhạt nhẽo. Chỉ đến lúc tôi lấy vợ mới thấy cảm giác ấm cúng trong bữa cơm gia đình. Nhưng gần đây vợ tôi bỗng dưng tuyên bố không nấu nướng gì nữa mà đặt cơm dịch vụ. Các con tôi mừng reo lên vì chúng vốn thích ăn cơm nhà hàng. Còn tôi thì buồn nên thường đến nhà thằng bạn thân ăn ké. Ăn món canh chua cá lóc của vợ nó nấu mà tự nhiên lại thấy ganh tị với bạn”.

Mỗi ngày, gia đình anh Trung chỉ gặp nhau vào buổi tối nhưng sau đó mỗi người một nơi, người xem tivi hoặc lên mạng và cầm theo cơm phần chia sẵn. Anh nói:“Lúc nhỡ đường thì ăn cơm ngoài để lót dạ chứ nó làm sao thay thế được bữa cơm chứa đựng công sức, tình cảm của người thân mình nấu. Có gia đình mà như thế này thì thà đừng có còn hơn”.

Với Nguyễn Thị Bích Ngọc, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM thì mỗi bữa cơm nhà lại là nỗi ám ảnh. “Có khi bố mẹ cả tuần không ăn chung với con cái bữa ăn nào, chỉ có mấy chị em mình. Cả nhà lâu lâu ăn chung một bữa là cả một cực hình, mẹ nấu không hợp khẩu vị bố rồi sinh ra cãi nhau, thậm chí bố hất tung cả mâm cơm làm mẹ khóc, nhà ảm đạm như có đám vậy".

"Mình chỉ mong cha mẹ hiểu và thông cảm cho nhau hơn để mỗi bữa cơm gia đình mang niềm vui thực sự", Ngọc tâm sự
 

Tuy vậy, đa số các cặp vợ chồng vẫn ý thức được tầm quan trọng của bữa ăn chung. Ngày nào cũng vậy, vừa xong việc trên công trường, anh Trưởng lại tranh thủ về nhà để cùng nấu cơm, ăn tối và trò chuyện với vợ. Đi đâu anh cũng khoe với mọi người về người vợ đảm đang hết mực chiều chồng.

Anh Nguyễn Thanh Trưởng, kỹ sư xây dựng nói: “Tôi hạnh phúc và hãnh diện vì vợ luôn dậy sớm nấu ăn đồ ăn sáng và pha sữa nóng cho tôi uống. Những thứ này có thể ăn ngoài tiệm nhưng khi được ăn đồ do chính tay vợ nấu thì còn gì bằng”.

Chị Nguyễn Ngọc Thanh Trà, một nữ doanh nhân ở quận 3 chia sẻ: “Hồi còn là sinh viên, tôi đã đi học lớp nữ công gia chánh nên giờ có thể nấu nhiều món ăn đổi bữa cho chồng không ngán. Những lúc tôi mệt thì anh ấy vào bếp cùng nấu hoặc kiêm luôn thiết kế bữa ăn giúp. Trong bữa ăn anh ấy hay khen thức ăn ngon làm tôi rất vui”.

Nhiều Việt kiều ở nước ngoài cũng chia sẻ, mặc dù công việc tất bận, vợ chồng đều làm việc ở ngoài, có khi hai công việc trái giờ nhau nhưng họ vẫn cố gắng giữ truyền thống bữa cơm gia đình Việt Nam.

Anh Jonh Thương, việt kiều Canada trong một lần về nước chia sẻ: “Xa quê hương đã 15 năm nhưng hình ảnh làm tôi nhớ nhất mỗi lần về quê là bữa cơm cua rau đay, cà pháo mà mẹ tôi hay nấu mỗi buổi chiều. Đến giờ lập gia đình ở nước ngoài nhưng tôi luôn nhắc nhở người vợ gốc Việt của mình cố gắng duy trì truyền thống tốt bữa cơm gia đình tốt đẹp thật đầm ấm và đầy ắp tình yêu thương”.

Anh Thương cho biết vợ anh luôn quan tâm đến sở thích của chồng con và nấu những món ăn mà mọi người thích. Vì thế dù bận rộn công việc hoặc chiêu đãi khách hàng, song anh luôn gác lại để về nhà ăn bữa cơm tối với vợ và con gái.

“Bữa cơm trong gia đình đối với tôi là quan trọng nhất, dù có đi ăn sơn hào hải vị ở nhà hàng nhưng không nhà hàng nào có thể cho mình cảm giác ấm cúng, thoải mái như ở nhà. Trong bữa cơm, gia đình tôi mời nhau ăn theo truyền thống miền bắc thật thú vị. Có đôi khi vợ chồng bất hòa nhưng hễ tới bữa ăn lại bỏ qua cho nhau nên ít khi nào để bụng lâu chuyện gì”, anh Thương nói.

Chuyên viên tư vấn tâm lý giáo dục Phạm Phúc Thịnh, Trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc nhận định, bữa cơm là dịp cả gia đình đoàn tụ sau một ngày sống xa nhau, người lớn làm việc, trẻ em đi học. Tuy nhiên, nhiều gia đình ở thành phố đã không còn giữ nề nếp tốt đẹp này bởi họ bận rộn xem tivi, lên mạng hoặc chiêu đãi khách hàng.

Ông Thịnh lưu ý, để có được bữa cơm gia đình đầm ấm thì vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Việc nấu những món ăn không cần cầu kỳ, nhưng cách lựa chọn thức ăn cần phù hợp với sở thích các thành viên sao cho vừa tiết kiệm, sạch sẽ và ngon miệng.

“Chỉ cần người vợ để ý một chút, biết thay đổi món ăn cho phù hợp với khẩu vị của chồng chính là nghệ thuật giữ chồng hiệu quả nhất chứ không phải chỉ là chuyện chăn gối”, ông Thịnh khẳng định.

Trong nghiên cứu tâm lý, ông Thịnh cho biết, người đàn ông rất dễ bị rung động trước sự quan tâm chăm sóc dù là rất nhỏ của phụ nữ. Vì thế, việc nấu cơm trong gia đình vừa là bổn phận vừa là quyền lợi của phụ nữ để thể hiện sự quan tâm với chồng. Nếu có thuê người giúp việc thì họ chỉ làm cho tròn bổn phận chứ không phải bằng tình thương nên cảm giác thân thiện trong gia đình không có. Chưa kể đến trong tình cảnh này, người đàn ông dễ nảy sinh tình cảm với người giúp việc.

“Người đàn ông bề ngoài mạnh mẽ nhưng chứa đựng một 'em bé' lúc nào cũng có nhu cầu được yêu thương vỗ về, chiều chuộng. Nếu người vợ biết quan tâm chăm sóc thì người đàn ông thường không bao giờ tơ tưởng đến người khác. Vì thế việc lựa chọn gia cảnh như thế nào là tùy vào sự khéo léo của người vợ trong gia đình”, ông Thịnh nói.

Ông cũng lưu ý, trong bữa cơm, cha mẹ còn giáo dục con cái biết nhường nhịn, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, không dành ăn hết. “Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực nhất. Đồng thời trong lúc ăn, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con kể về những gì đã diễn ra trong ngày để từ đó có những giải đáp và hướng dẫn hợp lý trước sự việc mà của trẻ quan tâm. Tuy nhiên cần tránh biến bữa ăn thành giờ kể tội, lên án nhau sẽ khiến không khí trở nên nặng nề".
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ