Nunchi: Bí quyết 'đọc vị cảm xúc' của người Hàn
Nunchi không phải là một bí quyết quá cao siêu, mà nó có thể học hỏi và rèn luyện được.
Hãy thử tưởng tượng, bạn đang tham dự một cuộc họp và đồng nghiệp của bạn đã hoàn thành xong bài thuyết trình của cô ấy. Sau một hồi thảo luận, cô ấy nói: "Nếu không còn câu hỏi nào nữa, tôi đoán chúng ta có thể nghỉ trưa". Vào lúc đó, bạn nói "Tôi có một câu hỏi".
Hoặc khi bạn đang tranh cãi với nửa kia của mình, bạn nói: "Làm sao em biết được? Em không phải là người đọc được suy nghĩ của người khác".
Nếu những tình huống này nghe có vẻ quen thuộc, và bạn thường xuyên hành xử theo lối như vậy, có lẽ bạn đang thiếu nunchi.
Nunchi là gì?
Nunchi là một từ tiếng Hàn, dịch ra có nghĩa là "thước đo mắt". Đây là một nghệ thuật đo lường suy nghĩ và cảm nhận của người khác để tạo ra sự kết nối, tin tưởng và hài hòa, đồng thời cũng là triết lý sống của người Hàn Quốc.
Khái niệm này thực chất đã xuất hiện ở Hàn Quốc khoảng 2.500 năm trước khi các học thuyết Nho giáo của Trung Quốc được truyền bá rộng rãi. Những lời dạy của Khổng Tử về nghi lễ, phép tắc và cách ứng xử nhanh chóng trở thành nền tảng văn hóa của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, nunchi được gọi tên lần đầu bởi Euny Hong, tác giả cuốn sách "Sức mạnh của nunchi: Bí mật hạnh phúc và thành công của người Hàn Quốc". Trong cuốn sách, cô nói rằng trí tuệ cảm xúc hay EQ chủ yếu tập trung vào việc khai thác và nắm bắt cảm xúc của người khác, còn nunchi có thể được sử dụng để đo nhiệt độ của căn phòng họ bước vào và điều chỉnh hành động của họ sao cho phù hợp. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, nunchi là là dùng mọi giác quan để quan sát, lắng nghe, cảm nhận và đọc suy nghĩ, cảm xúc của người đối diện.
Ở Hàn Quốc, các mối quan hệ cá nhân là vô cùng quan trọng. Do đó, nunchi rất quan trọng để tăng cường mối quan hệ giữa các cá nhân và thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau. Những người thiếu nunchi thường không biết gì, không thể hiểu tình hình một cách nhanh chóng và dường như không có ý thức chung.
Hiểu được triết lý này sẽ giúp một người cảm nhận và liên hệ với trạng thái tâm trí của người khác, hiểu cơ bản về người họ gặp, xây dựng được mối quan hệ tôn trọng và duy trì sự hòa hợp. Theo Euny Hong, nunchi rất phù hợp với cuộc sống hiện đại vì nó đòi hỏi tốc độ và khả năng thích ứng để bắt kịp với thế giới kỹ thuật số phát triển nhanh chóng.
Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới mà mạng xã hội đang chi phối cuộc sống của chúng ta đến mức chúng ta tập trung vào cuộc sống của người khác hơn là lối sống, nhu cầu, mục tiêu của mình. Căng thẳng và lo lắng đã trở thành bạn đồng hành của chúng ta và ngăn cản chúng ta phát huy hết tiềm năng của bản thân. Để tồn tại, chúng ta có xu hướng trở nên ích kỷ hơn. Theo thời gian, chúng ta trở nên sống theo chủ nghĩa cá nhân và ít đồng cảm hơn với bản thân cũng như những người xung quanh. Chúng ta thường xuyên phải tranh cãi với người khác, hiểu nhầm, xung đột và căng thẳng.
Nunchi chính là một kỹ thuật mạnh mẽ để kết nối với bản thân, kiểm soát tâm trí, xây dựng các mối quan hệ hài hòa, tránh hỗn loạn, giữ vững lập trường trong tình huống căng thẳng và củng cố cuộc sống cá nhân, xã hội và nghề nghiệp. Nunchi nhấn mạnh sự thống nhất, chủ nghĩa tập thể và xây dựng mối quan hệ.
Nunchi dường như đã đóng một vai trò to lớn trong sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc và sự chuyển mình từ một quốc gia nghèo thành một quốc gia lớn mạnh chỉ trong vài thế hệ. Không chỉ ổn định về kinh tế mà Hàn Quốc còn nổi lên như một quốc gia hùng mạnh về văn hóa.
Ở Hàn Quốc, Nunchi đã đi vào cuộc sống hàng ngày, ngay cả trẻ em trong những năm đầu đời cũng nhận thức rõ về khái niệm này. Văn hóa Hàn Quốc phần lớn giao tiếp không chỉ dựa trên lời nói, mà còn dựa trên bối cảnh tổng thể như ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, truyền thống và thậm chí là cả sự im lặng. Ở Hàn Quốc, những gì không được nói ra cũng quan trọng như những lời được nói ra, và một người chỉ chú ý đến lời nói mới chỉ hiểu được một nửa câu chuyện.
Thực hành nunchi: Quan sát, lắng nghe và tập trung cao độ
Thực chất, nunchi là một dạng kĩ năng mềm và là con đường dẫn chúng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nunchi không phải là một bí quyết quá cao siêu, mà nó có thể học hỏi và rèn luyện được.
Đơn giản thì đó là một môn học về trực giác, có thể cùng tồn tại với cách tiếp cận phân tích. Khi chúng ta cho phép đặt bản thân vào tâm trí người khác, chúng ta được trang bị tốt hơn để nắm bắt đúng đắn các rủi ro của một tình huống nhất định, để ngăn chặn những bước đi sai lầm và định hình hành vi của chúng ta. Thực hành nunchi có nghĩa là điều chỉnh hành vi của một người với môi trường xung quanh, chú ý đến cử chỉ, hành vi phi ngôn ngữ, ngữ điệu. Về cơ bản, nunchi chỉ đơn giản là tập trung cao độ.
Để thực hành được nunchi, điều bạn cần là quan sát, lắng nghe và chú tâm hơn vào cuộc trò chuyện. Hãy quan sát kỹ các biểu hiện phi ngôn ngữ, chẳng hạn như khoảng dừng ngắn trước khi trả lời một câu hỏi, cử chỉ nhỏ thiếu kiên nhẫn, tiếng thở dài, ánh mắt giao nhau.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải có khả năng kiểm soát bản thân và làm dịu tâm trí khi những cảm xúc mãnh liệt ập đến. Điều đó khiến bạn có thể quan sát, lưu tâm và tập trung vào bản thân hơn là những người khác.
8 quy tắc của Nunchi
1. Giữ tâm trí tĩnh lặng
Hãy dọn sạch tâm trí của mình trước khi bắt đầu giao tiếp với người khác. Và nhớ rằng định kiến ngăn cản bạn học hỏi bất cứ điều gì về con người. Nếu bạn cho rằng bạn biết mọi thứ về một cuộc họp, hay một quốc gia mới hoặc một cuộc hẹn trước khi bạn bắt đầu, thì bạn đang đóng lại các giác quan của mình và có rất ít không gian để thu thập thêm dữ liệu.
2. Luôn luôn quan sát
Khi bạn bước vào một căn phòng, bạn sẽ thay đổi căn phòng đó. Hãy nhận thức được tầm ảnh hưởng của bạn. Sự hiện diện của bạn có thể làm thay đổi môi trường mà bạn không cần nói một lời nào hay làm một hành động nào.
Bất cứ khi nào gặp ai đó, bạn cần dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe người khác và quan sát các chi tiết như họ thích gì, điều gì khiến họ khó chịu, điều gì khiến họ vui vẻ, ranh giới của họ là gì. Quan sát và thu thập dữ liệu như vậy sẽ giúp bạn có thể nhanh chóng xây dựng lòng tin và mối quan hệ với mọi người mà bạn gặp.
3. Nhìn quanh căn phòng
Nếu bạn là người vừa bước vào căn phòng, thì những người khác đã ở đó lâu hơn bạn. Hãy quan sát căn phòng để có được thông tin. Nếu mọi người trông có vẻ buồn, đừng cố làm mọi người vui lên cho đến khi bạn có thêm dữ liệu.
Hãy nhìn quanh căn phòng và xác định rõ có những ai, bối cảnh thế nào, câu chuyện đang nói là gì, nét mặt trên từng người ra sao… Từ đó, bạn sẽ có những đánh giá tương đối chính xác về căn phòng và đưa ra được quyết định hành xử phù hợp.
4. Giữ im lặng khi cần
Nếu bạn đợi đủ lâu, hầu hết các câu hỏi của bạn sẽ được trả lời mà bạn không cần phải nói ra một lời nào.
Bạn cũng có thể truyền đạt cảm xúc thông qua các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ như nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt… bởi vì những gì không được nói ra cũng quan trọng như những gì được nói ra. Bằng cách ít nói hơn, hoặc giữ im lặng khi cần thiết, bạn có thể tự động giải quyết các thắc mắc hoặc nghi ngờ của mình. Đồng thời, bạn sẽ có được sức mạnh để theo kịp với môi trường, bối cảnh xung quanh.
5. Cư xử khéo léo
Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi làm bất cứ điều gì hay nói bất cứ điều gì. Bởi vì một hành động vô ý hay lời nói vô tâm của bạn cũng có thể khiến người khác suy nghĩ và tổn thương. Đôi khi, một vài cử chỉ hay hành động nhỏ bé nhưng khéo léo cũng sẽ khiến bạn ghi điểm trong mắt người khác.
6. Đọc suy nghĩ và cảm xúc của người khác
Mọi người không phải lúc nào cũng sẽ nói ra những gì mà họ đang nghĩ. Và nếu việc nói thẳng ra khiến ai đó lo lắng, đừng đặt họ vào tình thế đó.
Hãy chú ý đến ngữ cảnh và những gì họ không nói, ngay từ giây phút đầu tiên bạn nhìn thấy ai đó, thậm chí trước cả khi bạn nói lời chào. Đừng cho rằng mọi người đều làm những gì mà bạn và những người xung quanh bạn làm. Khi gặp bất kỳ ai lần đầu tiên, hãy quan sát họ để xem họ mong đợi được chào đón như thế nào.
Hãy đặt bản thân vào vị trí của người khác, xem xét bối cảnh và quan sát cử chỉ, lời nói của người khác để đưa ra những phán đoán khách quan.
7. Không tạo ra những tình huống khó xử
Bạn cần học cách thoát ra khỏi suy nghĩ của mình để khiến mọi người cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh bạn. Đồng thời, hãy quan sát những thông điệp ngầm hay những cử chỉ, hành động của đối phương để đưa ra quyết định. Đừng tạo ra những tình huống khiến cả đôi bên khó xử. Chẳng hạn như khi đến thăm một người họ hàng, nếu cảm thấy không được chào đón thì hãy tìm lý do chính đáng rồi nhanh chóng rời đi.
8. Suy nghĩ nhanh
Hãy thu thập dữ liệu một cách nhanh chóng, xử lý nhanh chóng và thích ứng nhanh chóng. Căn phòng bạn vừa bước vào 10 phút trước không giống với căn phòng bạn đang ở bây giờ. Mọi thứ đều thay đổi liên tục. Tốc độ là yếu tố quan trọng nếu bạn muốn thành thạo nunchi.