Những vần thơ lạ kì, sống động của người phụ nữ hơn 50 năm sống chung với khiếm thị
Khi đôi mắt cô không còn trông thấy gì nữa, vẫn có nhiều người khen đôi mắt ấy rất có hồn, luôn lấp lánh niềm vui khó diễn tả thành lời.
Ngày 8-3, ngày mà người ta tôn vinh phụ nữ, chúng tôi chợt nhớ đến những người phụ nữ đang mạnh mẽ đối diện với những khắc nghiệt mà tạo hoá đã mang lại cho họ.
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nên với nhiều chị em phụ nữ, có một đôi mắt đẹp đã là tài sản quí. Người phụ nữ chúng tôi gặp mặt ngày hôm đó có 1 đôi mắt đẹp, 1 đôi mắt biết nói biết cười, chỉ là chẳng thể quan sát được cuộc sống diễn ra xung quanh mình mà thôi.
Người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng đã hơn 50 năm sống chung với khiếm thị
Cô Song Mai có một đôi mắt đẹp, sáng và nước da trắng ngần. Tuy rằng đôi mắt thăm thẳm đó chẳng còn giúp cô quan sát cuộc sống quanh mình thì nhiều người vẫn khen cô có 1 đôi mắt đẹp, lấp lánh niềm vui khó diễn tả thành lời.
Thời còn trẻ cô rất đẹp, đã vậy còn từng học ngành Quản lý kinh tế và có kinh nghiệm hơn 20 năm làm công việc kế toán tài chính. Sau này, đôi mắt chẳng thể giúp cô gắn bó với nghề nghiệp, cô đã phải xin nghỉ hưu sớm.
"Cô sống chung với khiếm thị đã 50 năm. Theo thời gian, mắt cô nhìn mờ dần. Khoảng gần chục năm nay, cô gần như không còn thấy gì. Những vùng sáng trong mắt cô chỉ còn là màu trắng loang lổ."
Màu trắng loang lổ ấy dần khiến cô chẳng thể quan sát vạn vật thực tế nhất, thế nhưng, cô Song Mai lại có 1 tâm hồn thi vị, qua những lời miêu tả của những người xung quanh, cô cứ như vậy mường tượng ra từng chi tiết của cuộc sống xung quanh mình.
Đã từng theo ngành tài chính kinh tế, vậy nhưng những con số khô cứng trên giấy tờ không mảy may ảnh hưởng đến tâm hồn yêu nghệ thuật. Cô Song Mai yêu thích việc đọc thơ, thuộc nhiều bài thơ nổi tiếng, thậm chí còn tự mình sáng tác thơ về những sự kiện đáng nhớ trong đời và người thân.
Khi đôi mắt mịt mờ chẳng thể khép lại những vần thơ sáng
"Lời thơ mộc mạc trong ngần
Là bông sen nhỏ dưới vầng trăng khuya
...
Lời thơ trầm bổng bao nhiêu
Xốn xang làn gió cánh diều trời xanh".
Đó là đôi dòng thơ trong bài "Hồn thơ" mà cô Song Mai đã sáng tác trong tập thơ "Hoa bằng lăng tím" của mình. Người đọc thơ cô thường thấy cô miêu tả cuộc sống sao mà tinh tế, chẳng mấy ai nhận ra "bông sen nhỏ" đó, "cánh diều" đó lại được quan sát bằng trí tưởng tượng của 1 người phụ nữ khiếm thị.
"Mỗi lần ra ngoài đi chơi hay gặp bạn bè, cô được mọi người miêu tả cặn kẽ về cuộc sống xung quanh. Cô tưởng tượng theo đó rồi đưa vào bài thơ của mình. Mỗi lần sáng tác, cô tự lẩm nhẩm cho thuộc, đến khi gặp người khác sẽ nhờ họ đánh máy hộ. Từ lúc mắt yếu dần, tai cũng nghe kém hơn. Thơ giúp cô đỡ buồn tủi qua những ngày tháng một mình" – cô Song Mai bộc bạch.
Cô mượn người đời đôi mắt sáng để rồi vẽ nó lên trên từng câu thơ, từng con chữ. Có lẽ những người phụ nữ kém may mắn, họ thường có tâm hồn nhạy cảm hơn, thi vị hơn khi nhìn về nhân sinh cuộc đời.
Những vần thơ đó còn mang trong mình khao khát của chính cô, người phụ nữ luôn sống với đam mê nghệ thuật ngay cả khi đôi mắt chẳng còn giúp cô thực hiện được điều đó.
Cuộc sống thanh thản với vườn hoa, vườn rau trên sân nhà
"Cô có một vườn rau trên sân thượng. Để cô dẫn cháu lên xem. Vườn của cô có hoa tóc tiên, lan hồ điệp với đủ loại rau thơm. Sáng nay cô còn bắt được một con sâu đang ngấu nghiến lá cần tây nữa đấy!".
Vừa nói, cô vừa bám cánh tay vào lan can, lần lên tầng 3 để "khoe" với chúng tôi sân vườn tự tay mình chăm bẵm. Nhìn cái cách cô sờ vào từng cánh hoa, cảm nhận nó bằng xúc giác thay cho đôi mắt mờ mịt của mình, trên môi vẫn là nụ cười hiền hoà, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Sống với nghịch cảnh nhưng người phụ nữ này thôi yêu bản thân, yêu cái đẹp.
Ngày 8/3 – ngày của một nửa thế giới đã đến, cô vẫn sẽ vui vẻ với lẽ yêu đời, tiếp tục vượt qua tháng ngày tháng khó khăn, buồn tủi mà mình đã dũng cảm đối mặt.