Những loại cây nên trồng ở ban công để giúp nhà mát mẻ

Lam Anh,
Chia sẻ

Muốn trồng cây ở ban công thì đây chính là những điều bạn cần biết.

Ở những đô thị đông đúc, chật hẹp, giải pháp duy nhất để con người trở về với thiên nhiên, tiếp xúc với cây cối hàng ngày, hàng giờ có lẽ chính là việc trồng cây tại nhà. Theo đó, ban công chính là khu vực được mọi người chọn để thêm vào đó những mảnh ghép xanh, giúp bức tường thô cứng, ngột ngạt trở nên mềm mại và gần gũi hơn. 

Tuy nhiên, ban công lại thường là nơi đón nắng, nền nhiệt có thể lên đến 40°C. Do đó, khi lựa chọn cây trồng, chắc chắn sẽ có rất nhiều điều mà bạn cảm thấy băn khoăn và cần lời giải đáp.

Nếu vậy thì bài viết được tư vấn bởi kỹ sư nông nghiệp Trịnh Xuân Đoàn này chính là thứ mà bạn cần tham khảo ngay bây giờ!

Kỹ sư thiết kế sân vườn chia sẻ những loại cây trồng lý tưởng cho ban công nhà bạn - Ảnh 1.

Hiện tại, anh Trịnh Xuân Đoàn đang làm công việc thiết kế cây trang trí ban công và sân vườn. (Ảnh: NVCC)

Những loại cây phù hợp nhất để trồng ở ban công

Để trồng được cây trên ban công, đối với những người có quỹ thời gian eo hẹp và không phải dân làm vườn chuyên nghiệp thì đó là cả 1 vấn đề. Nhưng điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu chúng ta biết lựa chọn đúng các loại cây phù hợp để trồng ở khu vực này.

"Việc lựa chọn loại cây gì đương nhiên còn tuỳ thuộc vào kích thước ban công và sở thích của chủ nhân nhưng để trang trí cây tươi tốt quanh năm, hoa lá đầy đủ cần đáp ứng được 3 yếu tố: số lượng phù hợp, chọn đúng chậu trồng cây và giống cây phù hợp", anh Trịnh Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Cụ thể, mọi người cần nắm rõ về các yếu tố trên như sau:

- Thứ nhất, lựa chọn ít cây cối không tham trồng nhiều (3-5 chậu cây là đủ).

- Thứ hai, chậu trồng cây phải đủ diện tích cho cây phát triển.

- Thứ 3, mọi người nên chọn trồng các cây xanh quanh năm, phù hợp với đặc điểm khí hậu của Việt Nam như: Cây dẻ, cây hoa ngọc lan, cây hoàng yến. 

Còn lại, nếu muốn sử dụng cây cối để trang trí nhà cửa thì có thể chọn các loại cây sống khoẻ như: Cây lưỡi hổ, cây trầu bà, cây lan chi… Ngoài ra cũng có thể trồng một vài loại cây hoa theo mùa như: Hoa mười giờ, hoa nhài, hoa hồng, cây dành dành...

Cây lưỡi hổ, cây lan chi là một trong những loài cây sống khoẻ, thích hợp dùng để trồng ban công mà không cần quá lo lắng về tình hình thời tiết, nhiệt độ, sức gió,...

Cụ thể, trong bài chúng ta sẽ tạm nêu ra 5 loài cây phù hợp trồng ở ban công để các bạn nắm sơ lược về lý do cũng như đặc điểm chính của chúng:

1. Ngọc lan

Kỹ sư thiết kế sân vườn chia sẻ những loại cây nên trồng ở ban công cho người nghiệp dư, không "mát tay" cây vẫn xanh tốt - Ảnh 3.

Hoa ngọc lan rất thơm.

Hoa rất thơm, có hình chuông, đường kính khoảng 15cm, đài hoa 9 cánh, hoa có khoảng 12 cánh, dài 3cm, độ toả tốt. Hoa thường nở vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 8. Vào tháng 6 - 7, quả ngọc lan sẽ chín, quả có màu nâu, dạng hình ống và chứa từ 1 - 8 hạt màu xám.

Hoa ngọc lan chơi bền nhưng thời gian phân hoá mầm hoa hơi lâu. Sau khi tàn những bông hoa cuối cùng, các bạn cần vặt bỏ quả (đối với ngọc lan vàng) để trên cây gây mất dinh dưỡng và khó phân hoá mầm hoa mới. Tưới nước đều và nếu có phân thì bón cho cây. Lá cây ngọc lan sẽ khô dần từng phần và tự rụng. Đó là già tự nhiên sinh lý, khi lá khô đầu là sắp ra nụ. 

Tuy nhiên, loại cây này có thể bị nhiễm rệp sáp bông tuy nhiên phun thuốc 1 lần là hết hoặc có thể xịt rửa là được. Đây là loại cây rất phù hợp với những bạn yêu thiên nhiên nhưng bận việc và ít thời gian.

2. Cây hoàng yến

Kỹ sư thiết kế sân vườn tư vấn những loại cây nên trồng ở ban công để giúp nhà mát mẻ - Ảnh 4.

Cây muồng hoàng yến (bọ cạp vàng) được trồng nhiều như một loại cây cảnh để trang trí sân vườn, đường phố, công viên. Hoa có màu vàng tươi rất đẹp, lá cây xanh quanh năm và ít bị rụng nên rất được ưa chuộng. Dưới đây là hướng dẫn kĩ thuật trồng và chăm sóc cây muồng hoàng yến.

Cây mang ý nghĩa phong thủy tốt đẹp về sự may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc cho gia chủ và những thành viên trong gia đình.

Do cây muồng hoàng yến không chịu được ngập úng nên phải làm tốt công tác thoát nước vào mùa mưa.

Thường xuyên làm cỏ dại cho cây. Nếu trồng làm cảnh thì cần chú ý tỉa cành, chăm sóc tán để tạo cho cây có dáng đẹp hơn.

3. Cây trúc quân tử

Kỹ sư thiết kế sân vườn tư vấn những loại cây nên trồng ở ban công để giúp nhà mát mẻ - Ảnh 5.

Ban công ngập nắng được trang trí vài chậu trúc cảnh nhỏ là một gợi ý rất tuyệt vời. Cây vừa giúp thanh lọc không khí vừa mang đến sự trong lành, mát mẻ cho không gian nhà. Bên cạnh đó, trúc còn là một loại cây trồng sân vườn phong thủy có ý nghĩa mang đến nhiều tài lộc và sức khỏe cho gia chủ.

Trúc quân tử là loài cây có thân cành mềm, dẻo và bộ rễ rất chắc chắn đâm sâu bám vào đất nên có thể chịu được nhiều tác động của thời tiết nắng nóng, bão mà không hề bị gãy dập. Loài cây này sinh trưởng với tốc độ rất nhanh và ít sâu bệnh gây hại.

Trồng một hàng trúc quân tử trước ban công nhà, bạn sẽ cảm thấy vườn thiên nhiên thật nhẹ nhàng, thú vị và hơi hướng cổ điển. Nếu trời có mưa nhiều và gió lớn, bạn hãy đóng chặt cửa bởi lá trúc có thể rơi rụng khắp nơi.


4. Cây đa búp đỏ

Kỹ sư thiết kế sân vườn tư vấn những loại cây nên trồng ở ban công để giúp nhà mát mẻ - Ảnh 6.

Cây đa búp đỏ là một loài cây cảnh chịu nắng nóng và thích nghi tốt với điều kiện thời tiết khu vực Châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Vào những ngày nắng nóng của mùa hè, loài cây này vẫn sinh trưởng, phát triển tốt và tươi xanh. Cây đa búp đỏ có tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh gây hại, dễ trồng, dễ sống và không yêu cầu cao về công chăm sóc.

Loài cây cảnh này cho nét đẹp tự nhiên, độc đáo từ những chiếc lá to bản óng mượt và những chiếc búp non có màu đỏ rất thu hút ánh nhìn. Bạn có thể trồng cây đa búp đỏ ở khuôn viên sân vườn hoặc trồng trong chậu đặt ở xung quanh ban công nhà.

5. Hoa nhài

Kỹ sư thiết kế sân vườn tư vấn những loại cây nên trồng ở ban công để giúp nhà mát mẻ - Ảnh 7.

Cây hoa nhài là một loài cây dễ dàng thích nghi với mọi điều kiện tự nhiên, bạn có thể trồng trực tiếp xuống đất hoặc trồng trong chậu đều phát triển tốt. 

Khi trồng trong chậu cần chọn chậu có lỗ thoát nước, tránh làm cây bị ngập úng khi gặp mưa hay tưới nhiều nước.

Đất trồng hoa nhài không quá cầu kỳ, nhưng nếu như có thể thì bạn hãy chọn loại đất nhiều mùn, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng. 

Dễ dàng nhất là mua đất bán sẵn tại các cửa hàng cây giống. Còn không bạn có thể tự làm bằng cách trộn đất thịt cùng với vỏ trấu, xơ dừa, phân ủ hoai mục… Đất tự làm cần phơi khoảng 7 – 10 ngày để hạn chế mầm bệnh.

Lưu ý khi trồng cây ở ban công

Hầu hết mọi người đều cho rằng, mức nhiệt và nắng chiếu thẳng vào khu vực ban công có thể sẽ trở thành lý do khiến cây trồng dễ hư hỏng. Tuy nhiên, kỹ sư Trịnh Xuân Đoàn khẳng định, tuy các loại cây trồng đều cần có nắng, không có loại cây nào sống được trong bóng tối nhưng nắng không phải vấn đề quyết định tới sự sống còn của cây trồng. Bởi thế, ngay cả khi nhà bạn nằm ở hướng Tây thì đây cũng không phải vấn đề khiến bạn lo lắng nếu muốn trồng cây ở ban công.

"Về số lượng, mọi người nên lưu ý chọn từ 3 đến 5 cây là đủ. Trong đó, chậu trồng cần đủ rộng chứa được 0,5m3 - 1m3 đất và đặc biệt là cần giữ ẩm cho cây. Tuyệt đối không được để cây thiếu nước quá 15 ngày. Như vậy, mọi người cần hiểu rằng, việc cung cấp đủ nước cho cây trồng mới chính là yếu tố quan trọng hơn cả.

Trong trường hợp cây trồng được đặt ở khu vực đón nắng, bị chiếu nắng trực tiếp thì mọi người có thể giải quyết bằng cách chọn chất liệu chậu là xi măng hoặc sứ dày tránh làm nóng rễ, khiến cây cảnh bị vàng lá, khô héo..." - Anh Trịnh Xuân Đoàn nói thêm.

Ngoài vai trò quan trọng của việc giữ ẩm đủ cho đất trồng cây thì việc lựa chọn đúng chậu trồng cây cũng chính là điều mọi người nhất định không được bỏ qua hay xem nhẹ.

"Với chậu có kích thước chứa được 1 mét khối giá thể trồng cây thì bạn có thể trồng hầu hết các loại cây to kích thước cao 2-4 mét. Với các chậu kích thước to hơn thì có thể trồng các cây cổ thụ hoàn toàn khoẻ khoắn khi đủ ánh sáng và nước tưới. Việc chọn chậu to chủ yếu để cây không bị thiếu nước và giảm công chăm sóc. Chúng ta có thể tưới cây 1-2 lần cho 1 tuần. Kĩ thuật tưới là tưới đều mặt chậu và tưới chậm cho cây ngấm đủ", kỹ sư Trịnh Xuân Đoàn giải thích.

Kỹ sư thiết kế sân vườn chia sẻ những loại cây trồng lý tưởng cho ban công nhà bạn - Ảnh 3.

Việc chọn kích cỡ cho chậu được xem như là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất, bởi nó đòi hỏi bạn phải hiểu được mục đích và loại cây muốn trồng. (Ảnh minh hoạ)

"Các vấn đề của cây như phân bón hoặc sâu bệnh đều đến sau vấn đề nước. Bởi lẽ đó, nếu muốn trồng cây ở ban công thì bạn phải chọn phương án cho cây xanh tốt chứ không chọn chậu đẹp mắt", anh Đoàn nhấn mạnh.

Và để mọi người có thể chọn được đúng loại chậu cây phù hợp với cây trồng trong nhà, kỹ sư Trịnh Xuân Đoàn cũng đưa ra 1 số gợi ý như sau:

- Để cây xanh tốt cần chọn chậu to, được làm bằng chất liệu xi măng, tránh nóng rễ

- Nên chọn hình dáng chậu vuông hoặc chữ nhật thì khi kê vào ban công sẽ rất gọn gàng

Hơn nữa, anh Đoàn cũng đưa ra lời khuyên: "Bạn cần học cách chấp nhận nước tưới tràn ra sàn chứ đừng bao giờ tưới thiếu nước cho cây trồng, nhất là với những loại cây trồng ở ban công."

Hy vọng, với những thông tin trên đây, bạn có thể chọn được loại cây phù hợp và hiểu rõ hơn về các vấn đề quan trọng trong việc vun trồng và chăm sóc cây trồng ở ban công.

Những loại cây nên trồng ở ban công để giúp nhà mát mẻ - Ảnh 9.

Mát toàn diện - Tiết kiệm điện "Mát toàn diện - Tiết kiệm điện" là tuyến bài đồng hành cùng toàn xã hội với mục đích chia sẻ bí quyết tiết kiệm điện, giới thiệu những sản phẩm chất lượng, góp phần tạo nên một kho kiến thức bổ ích với các giải pháp tích cực. Từ đó có thể bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu đồng thời giảm các khoản chi phí không cần thiết. "Mát toàn diện - Tiết kiệm điện" còn là nơi những người có kinh nghiệm về thiết kế nhà ở, chuyên gia năng lượng chia sẻ về cách lựa chọn và sử dụng đồ điện thông minh, đúc rút được từ kiến thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn. KHÁM PHÁ
Chia sẻ