Nhiều gia đình vạ vật canh mai Tết đêm cuối cùng: “Mặt bằng 70 triệu đồng nhưng không bán được cây nào”
Đêm 3/2 (Tức 29 Tết) là đêm cuối cùng nhà vườn thức trắng canh những chậu mai ven đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức, TP.HCM). Một số người đã có thể thở phào khi hàng tiêu thụ khá nhưng nhiều trường hợp đành ngậm ngùi vì ế khách, lỗ vốn.
21 giờ tối, đường Sài Gòn trở nên vắng vẻ lạ thường khi hàng loạt người dân đã kéo nhau về quê ăn Tết. Bỏ lại khung cảnh trống trải là sắc vàng của những chậu mai kiểng đã bung nở ven đường.
Bán mai trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức, TP.HCM).
Không khó để nhận ra những chiếc chiếu, trải bạc, võng hay thậm chí là giường ngủ nằm cạnh bên. Đó là vật để người canh mai tranh thủ chợp mắt trong hơn 1 tuần ăn ngủ lề đường.
Năm nào cũng vậy, cuối năm họ lại xuất hiện vài ngày để hòa vào cuộc chơi của những người kinh doanh cây kiểng chưng Tết.
Người bán canh mai ngay tại lề đường.
Nằm vắt vẻo trên chiếc võng bên cạnh những chậu mai "khủng" sải tay 2-3 người mới ôm hết, anh Hồng Văn Hậu (33 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết đây là năm đầu tiên mình đi canh mai cuối năm.
Anh Hậu nằm võng thức canh cây mai "khủng".
"Tiền công mỗi ngày canh mai chủ trả cho tôi là 200 ngàn đồng. Mai này được đưa đến từ vườn mai Phú Hữu (quận 9), giá từ 200 triệu trở lên. Canh mai mũi chích nhiều quá nhưng không bỏ vị trí được. Mất thì không sợ, chỉ lo có người đến bẻ cành" – anh Hậu nói.
Có người để ghế bố ngả lưng.
Người đem luôn giường, mền chiếu ra chợp mắt.
Theo người canh mai, giá thuê mặt bằng bán mai cho mùa Tết tại đây là 70 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn không bán được cây nào. Ngoài ra, chủ vườn còn đem những chậu mai lớn từ 200 triệu – 3 tỷ sang khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7) kinh doanh nhưng cũng chỉ bán được vài cây.
Trong đêm nay, nhà vườn sẽ thuê xe cẩu đến chuyển những cây mai lớn về lại vườn.
Chiếc giường "dã chiến" tại vườn mai Phúc Huy.
Nhiều người chọn cách đánh bài hay nhậu nhẹt để quên ngủ.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Hà Văn Dũng (50 tuổi) chủ vườn mai ở Bình Triệu (quận Thủ Đức) cho biết, đem mai ra từ 19 Tết nhưng đến ngày 25 vẫn bán không được cây nào. Từ ngày 26 đến nay khách cũng chỉ mua le hoe vài cây.
Gia đình ông Dũng cùng thức canh mai Tết.
"Mai nhà tôi nhỏ, giá trung bình từ 1-2.5 triệu đồng. Mai là cả gia đình vợ chồng tự canh còn chết lên chết xuống, chứ mà thuê thêm người phụ chắc chịu không nổi" – ông Dũng chia sẻ.
Nằm cách khu vực cầu Gò Dưa không xa chị Vy (40 tuổi) cho biết những chậu mai chị đem từ Long An lên SG bán chỉ lấy công làm lời. Nhưng năm nay mai thất, bung nở sớm quá nên khách chê, bán không được nhiều. Nhưng mặt bằng 4 triệu đồng vẫn phải đóng.
Đây là sạp của gia đình chị Vy.
Họ ăn uống, ngủ nghỉ ngay canh các chậu mai.
Quá mệt mỏi, chị Vy tranh thủ thiếp đi dưới nền gạch vỉa hè. Cạnh bên là hai đứa cháu nhỏ cũng đang ngồi ghế thay phiên nhau canh gác.
May mắn hơn những nhà vường kia, anh Nguyễn An Tấn (30 tuổi, quận Thủ Đức), vườn mai Ba Tuấn cho biết, gia đình anh kinh doanh loại mai lớn có giá 40-50 triệu/cây. Chỉ mới mở bán từ 26 Tết nhưng gia đình đã bán được hơn 50 cây, thu về số tiền lớn.
Anh Huy (bìa phải) chiếc cây mai giá 1.2 triệu sang chậu khác. Những cây mai như thế này không bán được.
Một đại gia đình khác xôm tụ canh mai.
Đến trưa 30 Tết, mai gần như không bán được nữa vì các gia đình đã mua sắm xong chuẩn bị cho đêm giao thừa nên tối 3/2 là thời điểm các nhà vườn tung khuyến mãi nhằm nhanh chóng tiêu thụ được cây kiểng thu hồi vốn.
Với người kinh doanh mai nhỏ thì càng phải cảnh giác vì có thể bị cuỗm mất bất cứ lúc nào.
Nhiều người dân vẫn cố trả giá giữa đêm khuya.
Từ chỗ bán 500-600 ngàn đồng/ chậu mai nhỏ, đã có nơi hạ xuống còn 150-200 ngàn đồng. Thậm chí, có chỗ đã rao 70 ngàn đồng cho 1 chậu mai mini.
Xe tải chờ sẵn để chở mai, hoa kiểng đi trước thời điểm giao thừa.
23 giờ, đường Sài Gòn ngày càng lạnh tanh. Những giấc ngủ vội bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Sạp bán mai nào người canh đông và còn trẻ thì gầy sòng đánh bài hoặc nhậu cho vui. Có người thì dọn bữa cơm muộn ra để cả gia đình quây quần.
Những chiếc xe chở bao hi vọng có cái Tết êm ấm của người nông dân về nhà.
Dù trong hoàn cảnh nào thì sau đêm nay, họ sẽ nhanh chóng trở về nhà, về quê ăn Tết sau một năm dài tất bật đến tận những ngày cuối.
Trắng đêm canh mai kiểng cuối năm từ lâu đã trở thành một nét văn hóa độc đáo nhưng đượm buồn, xót xa của cái Tết Sài Gòn.