Nhà thờ Đức Bà Paris từng suýt bị san phẳng trong Chiến tranh thế giới II và đây là chân dung người giải cứu "trái tim của thủ đô Paris"?
Một câu chuyện ít người biết về lịch sử của thành phố Paris nói chung và Nhà thờ Đức Bà Paris nói riêng trong Chiến tranh thế giới II.
Ngày 15/4 trở thành một ngày buồn nhất trong lịch sử nước Pháp khi Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng bỗng chìm trong biển lửa. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, đỉnh tháp 850 năm tuổi sụp đổ trước sự chứng kiến của người dân Paris. Đây được xem là một tổn thất lớn vô cùng to lớn đối với nước Pháp và cả thế giới, bởi với tuổi đời hơn 800 năm, Nhà thờ Đức Bà Paris ví như "trái tim của thủ đô Paris", chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá.
Trải qua hơn 8 thế kỷ, công trình kiến trúc biểu tượng của đất nước Pháp ấy vẫn cứ hiên ngang bất chấp bom đạn của 2 cuộc chiến tranh thế giới, bất chấp sự băng hoại của thời gian, thiên tai và trở thành một "chứng nhân lịch sử" của nước Pháp.
Ít ai biết rằng, Nhà thờ Đức Bà Paris từng suýt bị san phẳng dưới tay trùm phát xít Hitler. Và người từng giải cứu Nhà thờ Đức Bà Paris và cả thành phố Paris xinh đẹp chính là một tướng phát xít, Dietrich von Choltitz, thống đốc Paris.
Nhà thờ Đức Bà Paris khi chưa bị ngọn lửa hung dữ tàn phá.
Khi cuộc chiến tranh thế giới II sắp đi đến hồi kết, thủ đô của những nước châu Âu như London (Anh), Berlin (Đức) dường như hoang tàn, trở thành những đống gạch vụn, tuy nhiên, chỉ duy nhất thành phố Paris là giữ gìn được nhiều công trình kiến trúc lịch sử nhất. Đó là nhờ công của ông Dietrich von Choltitz.
Theo tờ Thelocal, ngày 8 tháng 8 năm 1944, Dietrich đến thành phố Paris để nhận chức thống đốc. Tại một cuộc họp ở Đức ngày hôm trước, Hitler đã ra lệnh cho ông hãy chuẩn bị để phá hủy tất cả các di tích lịch sử và tôn giáo của thành phố xinh đẹp đó trước khi Paris rơi vào tay quân đồng minh. Hitler nói với Dietrich rằng hãy biến thủ đô nước Pháp thành một "đống đổ nát".
Khi Thế chiến II sắp đi đến hồi kết, Hitler đã ra lệnh phá hủy Paris.
Hitler đã ra lệnh cài mìn ở khắp nơi, từ Khải Hoàn Môn, Nhà Thờ Đức Bà Paris, Tháp Eiffel, đến cung điện Luxembourg, trụ sở Quốc hội, Bộ Ngoại giao Pháp, nhà ga xe lửa và nhiều công trình quan trọng của Paris… Ý định của Hitler là khi quân phát xít thất thủ sẽ cho nổ mìn phá hủy thành phố xinh đẹp.
Các khu công nghiệp, đường sắt, cầu, hệ thống nước, nhà máy điện, trung tâm văn hóa... tất cả đều bị ném bom, cháy hoặc nổ tung. Tất nhiên, đa số các tên tướng chỉ huy làm việc cho Hitler đều tuân theo mệnh lệnh, giết hại hàng trăm ngàn người dân vô tội, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, gây ra những thiệt hại không thể khắc phục. Tuy nhiên, vẫn có một số tên tướng dám trái lệnh Hitler, trong đó có ông Dietrich von Choltitz.
Là một người thấu hiểu và yêu mến vẻ đẹp của thành phố lâu đời nhất châu Âu, Dietrich đã chống lại mệnh lệnh của Hitler và nói rằng: "Tôi không thể thực hiện mệnh lệnh điên rồ này".
Tướng phát xít, Dietrich von Choltitz.
Tờ Daily Express của Anh có bài viết tóm tắt nội dung cuốn sách "To order Disobeying Hitler: German Resistance In The Last Year Of WWII" của tác giả Randall Hansen, kể về những đóng góp của Dietrich cho nước Pháp rằng: "Thời điểm đó, Dietrich đến làm thống đốc Paris là để giám sát quá trình phá hủy thành phố này nhưng ông đã mạo hiểm tính mạng của chính mình và cả gia đình khi nói dối tướng cấp trên rằng việc phá hủy đang diễn ra. Nhưng thực chất, ông đang dàn xếp một cuộc đầu hàng ôn hòa và không đổ máu ở Paris. Một trong những hành động đầu tiên của Dietrich là lén lút thả 3.000 tù nhân chính trị Pháp đang bị quân Đức giam giữ trong thành phố. Hủy các chuyến tàu đưa công dân Pháp đến các trại tập trung. Trong vòng hai tuần kể từ khi tiếp quản, Dietrich đã đồng ý với các quan chức Pháp gỡ bỏ bom mìn do các binh lính của Đức đặt, nhiều công trình bao gồm cả Nhà thờ Đức Bà Paris đã được bảo toàn nguyên vẹn".
"Khi Tướng Otto Dessloch đe dọa đánh bom Paris, Dietrich hiểu rằng chỉ cần vài trăm máy bay đồng loạt tấn công cả thành phố sẽ bị phá hủy, vì vậy ông đã viện cớ rằng nên tấn công ban ngày để tránh gây nguy hiểm cho chính binh lính của mình. Ông biết rõ rằng tấn công ban ngày là điều không thể thực hiện vì máy bay của quân Đồng minh kiểm soát bầu trời".
"Điều cuối cùng Dietrich làm trước khi đầu hàng quân Đồng minh là đưa được 20 thư ký đến nơi an toàn. Vài giờ sau, vào ngày 25 tháng 8 năm 1944, Dietrich chính thức ký văn kiện đầu hàng. Trong những năm sau đó, Dietrich được các chính trị gia Pháp và công chúng coi là vị cứu tinh của Paris".
Tướng Dietrich von Choltitz ký văn kiện đầu hàng.
Trả lời phỏng vấn tờ Telegraph năm 2004, con trai của Dietrich nói: "Nếu ông ấy chỉ cứu được Nhà thờ Đức Bà Paris thì đó sẽ là lý do đủ để người Pháp phải mang ơn rồi. Nhưng ông ấy còn làm được nhiều hơn thế".
Mặc dù có hồi ký của ông Dietrich và cả những cuốn sách của các sử gia khác nhưng vào năm 2014, nhà sử học Cameron Lionel Dardenne, làm việc tại Bảo tàng Giải phóng (Pháp), nơi tôn vinh các chiến binh kháng chiến, nói với The Local rằng: "Ông ấy tự cho mình là một vị cứu tinh của Paris. Tuy nhiên, sự thật là ông ấy không thể phá hủy nó".
Dardenne đưa ra lập luận rằng thời điểm đó quân đồng minh đã tiến đến gần Paris, Dietrich không có cả vật chất và sức người để san bằng thành phố. Dietrich là một người lính chuyên nghiệp, có trình độ cao, đã tham gia san lấp các thành phố như Rotterdam và Sevastopol và không chút động lòng với sự hủy diệt.
(Nguồn: Express, Thelocal)