Nhà khoa học Nhật phát hiện bằng chứng sự sống trên Trái Đất có thể bắt nguồn ngoài vũ trụ, tổ tiên loài người thực ra đến từ đâu?
Sự sống của con người và muôn loài trên Trái Đất có thể được "gửi tới" từ ngoài vũ trụ.
Theo các nhà khoa học công bố vào hôm thứ Sáu vừa qua, những "viên gạch" xây dựng nền móng cho sự sống trên Trái Đất có thể bát nguồn từ ngoài không gian. Thông tin được đưa ra sau khi phân tích các mẩu vụn tiểu hành tinh mang về bởi một tàu thăm dò Nhật.
Mẩu vật chất nguyên sơ được mang về Trái Đất từ tiểu hành tinh Ryugu vào năm 2020, sau sứ mệnh 6 năm tới thiên thể cách chúng ta tận 300 triệu km.
Nhưng các nhà khoa học mới bắt đầu khám phá bí mật của nó trong nghiên cứu đầu tiên gần đây về những mẩu vụn đá ngoài hành tinh nặng chỉ vài gam này.
Trong bài báo được xuất bản hôm thứ Sáu, một nhóm nhà nghiên cứu do Đại học Okayama ở miền Tây Nhật Bản dẫn đầu cho biết họ đã phát hiện ra "axit amin và các chất hữu cơ khác có thể cung cấp manh mối về nguồn gốc của sự sống trên Trái đất".
Theo nghiên cứu, "Việc phát hiện các axit amin là nền móng cho protein rất quan trọng, bởi tiểu hành tinh Ryugu chưa từng tiếp xúc với sinh quyển Trái Đất giống nhiều thiên thạch khác. Vì vậy khám phá của chúng (các axit amin) chứng minh rằng có ít nhất vài 'viên gạch sự sống' trên hành tinh có thể được hình thành ngoài không gian".
Nhóm nghiên cứu nói họ tìm thấy 23 loại axit amin khác nhau trên mẫu vật thu thập được từ tàu thăm dò Hayabusa-2 của Nhật vào năm 2019. Bằng cách "bắn phá" tiểu hành tinh, tàu vũ trụ với kích cỡ một chiếc tủ lạnh đã mang về những mảnh vụn đá và bụi quý giá này.
"Mẫu đá từ Ryugu có những đặc điểm nguyên thủy nhất so với bất cứ mẫu vật tự nhiên nào sẵn có của nhân loại, kể cả thiên thạch" - Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản JAXA đưa ra trong một tuyên bố.
Người ta tin rằng phần vật chất này có tuổi thọ rất lớn, chỉ thua Hệ Mặt Trời 5 triệu năm và chưa từng trải qua mức nhiệt nóng hơn 100 độ C, nên vẫn bảo toàn được các bằng chứng về dạng sống.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Science có trụ sở tại Mỹ cho biết vật liệu này mang "thành phần hóa học giống quang quyển của Mặt trời hơn so với các mẫu tự nhiên còn lại".
Kensei Kobayashi, một chuyên gia thiên văn học và là giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Yokohama, đã ca ngợi khám phá này.
Ông chia sẻ với AFP: "Các nhà khoa học đã đau đầu về việc những vật chất hữu cư - bao gồm axit amin - được tạo thành như thế nào hoặc đến từ đâu. Thông tin rằng chúng được khám phá trong một mẫu vật như vậy có thể chỉ ra là sự sống tới Trái Đất từ ngoài không gian".
Một giả thuyết chính khác về nguồn gốc các axit amin là chúng được tạo ra trong bầu khí quyển nguyên thủy của Trái Đất bởi những tia sét, khi hành tinh nguội đi sau quá trình hình thành.
Nguồn: Physorg