Người Việt ở Ấn Độ kể chuyện những ngày sống trong nắng nóng kỷ lục: Nếu quen thì thấy bình thường lắm!
Một người Việt ở Ấn Độ đã có vài thông tin chia sẻ thiết thực về tình hình cuộc sống ở nơi được ví như "chảo lửa".
Những ngày tháng 4 và cả đầu tháng 5 kéo dài cho đến tận hiện tại, người dân ở một số khu vực của Ấn Độ đã và đang phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong hàng thế kỷ qua. Có nơi, mức nhiệt lên tới 45 độ C vào giữa trưa khi cái nắng gay gắt đổ xuống, kết hợp hơi nóng ngùn ngụt bốc lên từ mặt đường, khiến người ta cảm thấy ngộp thở. Nước chảy ra từ vòi nóng đến mức không thể chạm vào.
Ở thủ đô New Delhi, có thời điểm nhiệt độ lên tới 44 độ C, ban đêm không dưới 30 độ. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nước này đã ghi nhận tháng 4 nóng nhất trong 122 năm qua. Nhiệt độ trung bình toàn quốc ở mức 33,1 độ C, cao hơn gần 1,86 độ C so với thông thường.
Nhu cầu sử dụng điện tăng vọt giữa nắng nóng, dẫn đến tình trạng mất điện kéo dài tới 8 giờ ở một số vùng tại Ấn Độ.
Chị Phạm Yến (hiện đang sống và làm việc ở bang Tamil Nadu, phía Nam Ấn Độ) đã có vài thông tin chia sẻ thiết thực về tình hình cuộc sống ở nơi được ví như "chảo lửa".
Chị Yến cho biết: "Theo cảm quan của mình thì đúng là năm nay có vẻ nóng hơn mọi năm. Mình ở bang Tamil Nadu, nắng nóng bắt đầu từ tháng 4, kéo dài tới tháng 5. Hiện giờ thì nhiệt đã giảm hơn rồi. Đỉnh điểm của đợt nắng nóng này là cuối tháng 4, đầu tháng 5. Có lúc nhiệt độ lên đến 38-39 độ C, giờ thì khoảng 33 độ C. Người dân ở khu mình chuộng điều hòa, quạt nước và đa số các hộ gia đình đều có các thiết bị làm mát ấy".
Khi được hỏi về tình trạng thiếu điện và nước, thậm chí thiếu cả điều hòa không khí, chị Yến cho biết thực tế có tình trạng cắt điện luân phiên để đảm bảo đủ điện sinh hoạt cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, mọi người dân đều tự chuẩn bị máy phát điện nên gần như cuộc sống sinh hoạt vẫn duy trì bình thường, có chăng cần tiết kiệm hơn so với mọi khi.
"Hầu như nhà nào cũng có máy phát điện. Nhà mình có máy phát điện nhỏ phát được 8 tiếng (dùng 1 quạt 1 đèn). Khu mình ít dân (ít hơn các thành phố lớn như Chennai, Madurai) nên cũng không mất điện nhiều. Mỗi 1 tuần mất điện khoảng 1 - 2 lần, 1 lần khoảng 3 - 4 tiếng.
Bên cạnh đó có cả tình trạng cắt nước. Nước phải có bồn chứa dự trữ, cắt 1 - 2 ngày nước/tuần. Thông thường, mọi người dân ở đây phải canh lúc có nước, chứa đầy bồn thì mới an tâm", chị Yến nói.
"Bên cạnh đó, mình cũng thấy một hoạt động khá thiết thực là ở chỗ mình, các nhà chức trách có chuẩn bị nước để trước nhà cho mấy con vật lang thang uống".
Trong khi đó, công việc của người dân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi nắng nóng. Các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân vẫn duy trì giờ giấc làm việc bình thường, nhưng người lao động tự do thì giờ làm việc cũng dời lại. 10h sáng người dân mới ra đường, sau đó họ làm việc tới tối.
Bản thân chị Yến cho biết: "Mình thì ở nhà, có máy lạnh. Ra đường thì đi ô tô. Ô tô bên này khá phổ biến, xe second rẻ và nhiều. Tuy nhiên, gia đình mình chỉ ra đường buổi chiều mát với tối thôi".
Chị Yến làm phiên dịch tự do ở Ấn Độ nên có cơ hội được đi nhiều nơi. Chị nói: "Mình vừa đi New Delhi phiên dịch cho Công ty Việt Nam qua hợp tác với Ấn Độ. Khu mình ở Tamil Nadu thì gần biển, nóng nhưng vẫn có hơi nước, ẩm ẩm. Ở New Delhi thì hanh hơn, nhiệt độ cao hơn, mùa nóng ra đường bụi cũng nhiều hơn".
Người dân ở New Delhi cũng đã quen với nắng nóng nên mọi người vẫn ra đường bình thường. Chị Yến dẫn khách đi nhưng chỉ có thể đứng một lúc ở ngoài trời rồi lại phải vào ô tô ngồi. Nếu không quen thì không thể ở ngoài đường, dưới nắng lâu được. "Ở Ấn Độ, người dân không quen đội nón, hay mặc áo chống nắng như Việt Nam. Có lẽ họ cũng quen rồi", chị nói.
Chị Yến cũng lấy ví dụ thực tế cho thấy, dù là giữa trưa 12h30', chị đặt đồ ăn và mua thực phẩm online nhưng vẫn có shipper làm việc. Đồ ăn được giao đến nhanh chóng mà không bị chậm trễ.
Cảm ơn những chia sẻ của chị Yến!