Người thầy áo trắng giành bệnh nhi từ tay tử thần

Theo VNE,
Chia sẻ

Âm thanh từ máy đo nhịp tim của cháu bé chậm dần, vị bác sĩ gầy nhom cùng các phụ tá vội soạn dụng cụ. Vừa dán mắt vào màn hình máy đo hô hấp, anh vừa yêu cầu cộng sự giúp mình chuẩn bị can thiệp xâm lấn. Đây cũng là cách cuối cùng để cứu bệnh nhi.

Anh là Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM.

Ca cấp cứu diễn ra lúc 23h đêm, bệnh nhân là một trong số 28 bé đang được cấp cứu tích cực bỗng tím tái và xuất huyết tiêu hóa ồ ạt. Cả nhóm bác sĩ trực ùa tới bệnh nhân và người dẫn đầu là bác sĩ Tiến.

Bệnh nhân là bé gái nhà ở quận Bình Chánh, nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết độ 4 - cấp độ quá nặng. Dù đã được can thiệp bằng đủ cách nhưng một tuần lễ vẫn không bình phục. Bé hết suy hô hấp rồi đến suy đa cơ quan và đêm đó, tình hình được đánh giá là xấu nhất.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến được xem là thiên thần cứu mạng của các bệnh nhi.

Liên tay, mắt gần như không chớp, bác sĩ Tiến thoăn thoắt chọc hút để giải phóng dịch tràn trong màng phổi. Thi thoảng lại nhìn vào màn hình, nơi mà biểu đồ nhịp tim của bé cứ nhấp nhô một cách yếu ớt.

“Phải cố hết sức, còn nước còn tát”, vị bác sĩ nói với các cộng sự như thể nói với bản thân mình. Công việc tiếp tục trong căng thẳng. Lấy xong hơn 1 lít dịch trong phổi, lại phải lo đến khả năng phục hồi chức năng hô hấp, rồi nhịp tim… Gần 2h sáng, phòng cấp cứu luôn có máy điều hòa nhưng chiếc blouse của vị bác sĩ vẫn đẫm mồ hôi.

Căng thẳng kéo dài gần 2 giờ đồng hồ nữa, bé mới chính thức qua cơn nguy kịch. Cả nhóm điều dưỡng và bác sĩ trẻ chúc mừng anh. Tưởng đã được nghỉ ngơi, thì khu vực bệnh nhân tay chân miệng, một bé khác lại lên cơn sốc...

Đây không phải là đêm vất vả đầu tiên của bác sĩ Tiến cùng đồng nghiệp tại khoa Hồi sức chống độc tích cực, Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, cảnh phải thức trắng đêm để chiến đấu với tử thần xảy ra từng ngày, từng giờ và tính đến ngày Thầy thuốc Việt Nam 2012, nhật ký của bác sĩ Nguyễn Minh Tiến đã ghi nhận hơn 10.000 trường hợp được anh cứu sống.

Tốt nghiệp ĐH Y dược TP HCM từ năm 1992, sau khi làm việc không công 3 năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, chàng bác sĩ trẻ quê ở Bình Thuận quyết định học tiếp chuyên khoa 1 ngành Nhi rồi về công tác chính thức tại khoa Hồi sức tích cực chống độc.

"Duyên đưa tôi đến với nghề này đơn giản chỉ là vì bố mẹ thích trong nhà có người làm bác sĩ. Hồi trước tôi sợ máu lắm, nhìn thấy là hoảng. Giờ mỗi ngày phải đối mặt với cửa chết, làm riết thành quen", bác sĩ Tiến tâm sự.

Một ngày làm việc của bác sĩ Tiến bắt đầu từ 7h sáng đến 4h chiều, trực đêm thì từ 4h chiều đến 7h sáng hôm sau. Nổi tiếng là con người của công việc, các điều dưỡng của khoa cho hay, trong thời gian trực dù là trực đêm, họ chưa bao giờ thấy vị bác sĩ này ngủ.

"Bác sĩ Tiến không cho mình rảnh rỗi. Lúc không có ca trở nặng, anh ghi ghi chép chép, đọc sách chuyên ngành, hoặc đến giường thăm từng bé hay động viên phụ huynh của các em. Thật hiếm thấy bác sĩ nào lại quan tâm và thân thiện với người bệnh như thế", điều dưỡng Nguyễn Thị Ánh Tuyết, người có 6 năm làm việc tại khoa, nói.

Giải thích chuyện lúc nào cũng liền tay, bác sĩ Tiến cho rằng, anh không thể cho mình rảnh rỗi bởi chiến đấu với tử thần là cuộc chiến đòi hỏi bác sĩ luôn phải ở thế cao tay hơn bệnh tật và phải có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống.

"Bác sĩ cần lắm việc cập nhật kiến thức và mày mò rút kinh nghiệm từ sách vở, từ những người đã đi trước. Có như thế, tỷ lệ tử vong mới giảm được. Tôi thật may mắn khi có được những người thầy giỏi. Họ chính là tấm gương để tôi noi theo", bác sĩ Tiến nói.

Theo thống kê, mỗi năm, khoa tiếp nhận khoảng 800 trường hợp, trung bình mỗi ngày có 28 bé nằm điều trị, hầu hết bệnh nhi đều cận kề cái chết. Nhờ vào sự tận tụy và tài năng của các bác sĩ trong có phó khoa Minh Tiến, hơn 80% trường hợp được cứu sống thành công.

Theo bác sĩ Tiến, tích lũy kinh nghiệm xử trí tình huống khó là điều cần thiết nhất của một bác sĩ cấp cứu. 

"Khó khăn nhất trong cấp cứu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm trùng não, viêm não màng não, sặc sữa, ngạt nước và gần đây là sốt xuất huyết, tay chân miệng. Chỉ cần rời theo dõi một giây thôi cũng không được. Chính vì thế mà những người cần cù chăm chỉ như bác sĩ Tiến là rất cần cho người bệnh", bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, nói.

Chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong nghề, bác sĩ Tiến cho biết, với anh, niềm hạnh phúc lớn nhất là cứu được mạng sống của các cháu, đặc biệt là những cháu nằm hôn mê sâu suốt nhiều tuần liền.

"Không ít lần nửa đêm nửa hôm phải tốc chăn chạy vào bệnh viện, hay đang chuẩn bị đưa vợ con đi chơi lại phải bỏ ngang vì có ca bệnh đang hấp hối. Nhưng với tôi, đó chính là nhiệm vụ thiêng liêng mà mình không được phép chối từ. Buồn nhất chỉ là những lúc cố gắng hết sức mà trẻ vẫn không qua khỏi", anh Tiến tâm sự.

Gửi thư đến khoa để cảm ơn việc bác sĩ Tiến đã cứu sống con gái mình, anh Trung An nhà ở Bình Chánh, viết: "Gia đình tôi cả đời biết ơn anh! Anh chính là thánh sống. Nếu không có anh, con gái tôi có lẽ đã về bên kia mất rồi".

Còn trong thư tay cảm ơn bác sĩ đã cứu sống mình, một bệnh nhân 14 tuổi viết: “Con ghi những dòng này mà tay còn run run vì xúc động. Con không nghĩ mình lại được cứu sống vì lúc đó con mệt lắm. Cám ơn bác sĩ đã cho con có được sự sống. Công đức của bố Tiến con không bao giờ quên”.
Chia sẻ