Người phụ nữ suýt chết vì hội chứng sốc nhiễm độc và lời cảnh tỉnh dành cho các chị em có thói quen làm móng
Người phụ nữ này đã phải cắt cụt ngón chân và suýt chết vì hội chứng sốc nhiễm độc sau khi làm móng.
Kandis Saville-Parsons, sống tại Alberta, Canada, bị thương ở ngón chân cái khi làm móng vào ngày 24/7/2018. Ngày hôm sau, tình trạng này trở nên trầm trọng hơn, ngón chân sưng to gần gấp đôi khiến cô phải đi cấp cứu.
Nhiều tuần sau, Kandis được chuyển đến bệnh viện vì suy thận. Sau ba tháng kể từ khi làm móng, cô được chẩn đoán mắc hội chứng sốc nhiễm độc (TSS), một bệnh nhiễm trùng rất nguy hiểm do vi khuẩn phát triển từ vết thương đó gây ra. Chúng thường liên quan đến việc sử dụng tampon trong chu kỳ kinh nguyệt nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai có vết thương trên da, kể cả nam giới.
Hơn hai năm sau, người phụ nữ này nằm trong danh sách ghép thận và phải chạy thận ba lần một tuần. Dưới đây là những chia sẻ của Kandis về hành trình sống sót sau cuộc làm móng kinh hoàng và lời cảnh tỉnh dành cho các chị em khác:
Sự chủ quan
Do đang sống chung với bệnh tiểu đường tuýp 1, tôi biết vết thương ở chân sẽ khó lành và điều này thực sự không tốt. Dù vậy, chẳng có gì phải lo lắng cả vì đây là hiện tượng bình thường với những người mắc tiểu đường như tôi. Tôi lau ngón chân, băng lại và để nhân viên tiếp tục sơn móng.
Khi về nhà, ngón chân của tôi bắt đầu đỏ, sưng lên. Sáng hôm sau, chúng sưng to gần gấp đôi so với kích thước ban đầu khiến tôi hoảng sợ. Là một cựu y tá, tôi biết mình có khả năng bị nhiễm trùng nặng nên đã nói chồng lái xe thẳng tới bệnh viện.
Tại phòng cấp cứu, nhân viên y tế đã tiến hành xét nghiệm máu và dùng tăm bông để lấy mẫu từ vết thương trên ngón chân. Tôi phải mất 1-2 ngày để nhận được kết quả xét nghiệm và biết chính xác nguyên nhân gây nhiễm trùng. Số lượng tế bào bạch cầu tăng nhanh chóng đồng nghĩa với việc cơ thể tôi đang phải chiến đấu với “kẻ xâm lược” bên ngoài. Bác sĩ kê một loại thuốc kháng sinh mạnh và nói tôi cần trở lại nếu mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Ngay đêm hôm đó, ngón chân của tôi chuyển sang màu đen. Nhiệt độ cơ thể cũng tăng vọt lên gần 41 độ C. Tôi sốt đến mức run rẩy, răng cầm cập va vào nhau, người trở nên mơ hồ. Tôi hoàn toàn hoảng loạn. Chồng tôi vội vàng lái xe đến bệnh viện ngay trong đêm.
Nhiễm trùng đã đi vào xương và phẫu thuật là việc cần làm
Hai ngày sau khi làm móng chân, tôi phải cắt cụt ngón chân. Tại bệnh viện, một bác sĩ chuyên khoa cho biết nhiễm trùng đã đi vào xương và cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Phẫu thuật được tiến hành ngay trong đêm hôm đó. Tôi được tiêm thêm thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch và xuất viện vào ngày hôm sau.
Khi chân lành lại, tôi tiếp tục cuộc sống của mình và tiêm kháng sinh để chống nhiễm trùng. Thật không may, một vài tuần sau ca phẫu thuật, sức khỏe của tôi trở nên tồi tệ hơn. Cả cơ thể bắt đầu sưng tấy, lưng đau và rất khó đi vệ sinh. Tôi nhận ra nước tiểu của mình đã chuyển sang màu nâu.
Tôi trở lại bệnh viện vào giữa tháng 9. Xét nghiệm nồng độ creatinin cho thấy mức creatinine rất cao. Creatinin thường được thận lọc ra khỏi máu nên "sở hữu" nhiều chất này đồng nghĩa với việc thận hoạt động không hiệu quả. Sau nhiều tuần theo dõi, tình trạng này không có dấu hiệu cải thiện và rõ ràng tôi đã bị suy thận. Đội ngũ bác sĩ không biết tại sao vì kết quả sinh thiết cho thấy thận không bị tổn thương. Tuy nhiên, họ phát hiện ra các tế bào giống như ống giúp lọc máu đi qua thận bị hoại tử. Tình trạng này còn được gọi là hoại tử ống thận cấp (ATN), một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận.
Trong hầu hết các trường hợp mắc ATN, thận có thể được phục hồi nhờ sự trợ giúp của máy lọc máu để loại bỏ chất thải dư thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, chức năng thận của tôi ngày một xấu đi. Tôi trở nên đầy hơi và sau đó hoàn toàn ngừng đi tiểu. Ngay cả khi có sự trợ giúp của ống thông, tôi vẫn không thể đi tiểu được. Vì những triệu chứng nghiêm trọng và bí ẩn như vậy, bác sĩ đã tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể của tôi nhằm loại trừ tất cả các khả năng và đưa ra chẩn đoán chính xác.
Sau đó, tôi nhận ra mình bị phát ban khắp cơ thể, da cũng bong tróc ở tai và rốn. Cuối cùng tất cả các mảnh ghép đã vào đúng vị trí. Bác sĩ cho biết đây là dấu hiệu của hội chứng sốc nhiễm độc, một biến chứng có thể xuất hiện sau khi bạn mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, chủ yếu là chủng Staphylococcus aureus hoặc liên cầu khuẩn nhóm A. Những vi khuẩn đó xuất phát từ vết thương ở chân khi làm móng.
Nhiễm trùng lan đến các cơ quan khác và bắt đầu gây tổn thương nghiêm trọng, trong đó có thận. Bác sĩ không thể phát hiện kịp thời vì TSS cực kỳ hiếm, cứ 100 nghìn người thì chỉ có 1-3 người mắc.
Khi nghiên cứu thêm, tôi biết được hội chứng sốc nhiễm độc thường liên quan tới việc để tampon quá lâu trong vùng kín. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể gặp phải tình trạng này khi mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, qua vết thương trên da, sau phẫu thuật. Nhiều người hiểu nhầm tampon và cho rằng sử dụng chúng sẽ gây bệnh. Trên thực tế, loại băng vệ sinh này hoàn toàn an toàn nếu biết dùng đúng cách.
Bài học đắt giá
Trải nghiệm này đã giúp tôi rút ra được bài học là đừng bao giờ bỏ cuộc. Sau khi bác sĩ đưa ra chẩn đoán, ngay lập tức tôi được đưa đi lọc máu ba lần/tuần. Thận sẽ không thể hồi phục vì tôi đã nằm trong danh sách ghép thận. Tôi chạy thận nhân tạo được hai năm nay và mỗi lần kéo dài khoảng bốn giờ.
Tôi cũng bị đau nửa đầu, phải đối mặt với chứng buồn nôn, nôn, khó ngủ và nhạy cảm. Tuy nhiên, ngày nào tôi cũng tự nhắc mình rằng phải tiếp tục đấu tranh vì con, vì chồng.
Là một người đang sống chung với bệnh tiểu đường, tôi biết rằng việc làm móng chân cũng mang lại rủi ro nhất định. Tôi đã quá chủ quan. Tôi không bao giờ ngờ rằng mình sẽ mất một ngón chân và bị suy thận chỉ vì làm đẹp.
Tôi biết trường hợp của mình rất hiếm. Không phải lúc nào vô tình bị thương cũng sẽ dẫn đến một số tình trạng sức khỏe đáng sợ nào đó. Điều tôi học được là hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình và nếu bạn biết có điều gì không ổn, hãy kiên trì tìm ra câu trả lời.
(Nguồn: Women'shealth)