Người giàu Trung Quốc rơi vào khủng hoảng vì mục tiêu 'thịnh vượng chung'
Chính sách 'thịnh vượng chung' của Bắc Kinh kêu gọi công dân chia sẻ sự giàu có, nhưng thái độ đối với những thay đổi mạnh mẽ gần đây rất khác nhau giữa các tầng lớp và lứa tuổi xã hội.
Mục tiêu ngày càng xa tầm với
Các gia đình giàu có và trung lưu Trung Quốc từ lâu đã có chung nhận thức về một cuộc sống thành công. Đứng đầu trong các tiêu chí đó là quyền sở hữu nhà đất, tài sản này sẽ tiếp tục được đánh giá cao. Một căn nhà có thể trở thành phương tiện cung cấp cho con cái của họ một nền giáo dục tốt hơn, với mục tiêu là thi được vào một trường đại học danh tiếng.
Nhưng gần đây, những niềm tin và mục tiêu đó đã xuất hiện vết rạn nứt. Quý thứ ba năm nay chứng kiến sự sụt giảm giá nhà trên diện rộng, lan rộng từ các thành phố cấp ba và cấp bốn đến các vùng ngoại ô của các thành phố cấp một. Thêm vào đó là các cải cách đối với giáo dục ngoài trường học khiến những mục tiêu của các bậc cha mẹ càng khó đạt được.
Đối với những người giàu, "thịnh vượng chung" kêu gọi công dân chia sẻ cơ hội trở nên giàu có, đã thúc đẩy họ tìm cách giấu tài sản của mình khỏi tầm ngắm của chính phủ. Theo các quy định thuế mới sẽ có hiệu lực vào năm tới, tầng lớp trung lưu có thu nhập cao sẽ phải trả khoản thuế thu nhập cá nhân lên tới 45% cho khoản tiền thưởng cuối năm của họ.
Cùng lúc đó, số trẻ sơ sinh của quốc gia này đã giảm tới 40% trong 5 năm qua (từ 18 triệu trẻ vào năm 2016 xuống còn 12 triệu trẻ vào năm 2020). Các nhà chức trách đang tìm mọi biện pháp để thuyết phục mọi người sinh con.
Các tầng lớp xã hội và lứa tuổi thể hiện thái độ khác nhau
Các cuộc khảo sát nội bộ cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn. Liu Zhen, một người môi giới ở Quảng Đông cho biết: "Trong vài năm qua, nhiều doanh nhân và những người sở hữu nhiều tài sản đã tạm dừng các khoản đầu tư ra nước ngoài và kế hoạch nhập cư vì cho rằng nền kinh tế và tiêu dùng Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ. Cùng với đó, thị trường bất động sản ở các đô thị như Thâm Quyến sẽ tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba giá trị… Nhưng bây giờ mọi thứ không giống như tưởng tượng".
Mặc dù không có quy tắc chi tiết nào cho mục tiêu thịnh vượng chung, nhưng những tin tức đã làm dấy lên cảm giác khủng hoảng trong nhiều người giàu có, khiến họ phải hành động. Họ sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuế trong nước và nước ngoài, cũng như các cố vấn mà họ tin tưởng, sắp xếp lại tài sản đứng tên của họ, Liu nói thêm.
Ông nói: "Nhiều người cảm thấy họ vẫn cần tiếp tục chuyển tài sản của mình đi nơi khác và lấy thẻ xanh ở nước ngoài, nhưng hiện tại, những việc như vậy rất khó để thực hiện và chi phí cũng cao hơn nhiều. Nhiều thanh niên có thu nhập cao lựa chọn đầu tư vào tiền điện tử và fintech vì muốn có quốc tịch nước ngoài thông qua các chương trình như Malta và Turkey. Nếu thành công, họ có thể mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài để di chuyển tài sản của mình sang đó".
Các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu cũng lo lắng vì số lượng các trường tư thục có khả năng cung cấp các giáo trình và khóa học quốc tế ngày càng giảm. Điều này đã làm tăng đáng kể chi phí chuẩn bị cho con em họ đi du học trong tương lai. Alice Tan, người điều hành một hội thảo về tư vấn du học cho biết: "Ngày càng nhiều trường trung học ở các thành phố hạng nhất và hạng hai loại bỏ các khoa quốc tế, và giáo viên nước ngoài ngày càng khó xin thị thực làm việc".
"Những thay đổi gần đây về giá bất động sản và lạm phát xảy đến quá đột ngột khiến chúng tôi cảm thấy lạc lối về đầu tư và chi tiêu. Việc sử dụng lợi nhuận để mở rộng năng lực sản xuất là rất rủi ro, tỷ suất lợi nhuận tiếp tục giảm và bất động sản không còn là thị trường an toàn và đảm bảo nữa.
Xu hướng này đang lan rộng, giá nhà ở sẽ giảm ở hầu hết khắp nơi trên đất nước, chỉ những nơi có đông người di cư mới ổn định hơn", Xie Ping, một chủ doanh nghiệp tư nhân ở Chiết Giang chia sẻ. "Nhiều người đã thế chấp tài sản của mình cho ngân hàng, bằng cách này, ngay cả khi giá nhà giảm, ngân hàng sẽ cùng chia sẻ rủi ro với chúng tôi".
Ngay cả ở các thành phố hạng nhất, giá bất động sản đã bắt đầu giảm do mọi người dự đoán lĩnh vực này sẽ bị đánh thuế và dân số giảm. "Những người sở hữu nhiều tài sản hiện đang cố gắng bán một phần và chỉ giữ lại những bất động sản có giá trị. Nhưng khối lượng giao dịch nhà ở cũ tiếp tục giảm, khi tính thanh khoản ngày càng giảm", Zhu Feng, một đại lý bất động sản tại Thâm Quyến cho biết.
Cơ quan lập pháp của Trung Quốc sẽ sớm áp dụng thuế bất động sản ở một số khu vực được chỉ định trên cả nước. Kế hoạch thí điểm là một phần của chương trình "thịnh vượng chung" nhằm nâng cao khả năng chi trả của nhà ở và khống chế giá cả thị trường.
Doanh thu thị trường bất động sản nói chung tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 9 ở hầu hết khu vực thành thị. Toàn bộ giao dịch ở các thành phố hạng nhất giảm 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thành phố hạng hai giảm 31% và các thành phố cấp ba giảm 54,5%, theo công ty nghiên cứu Hệ thống Chỉ số Bất động sản Trung Quốc.
Theo báo cáo, ý định mua nhà cũng đang giảm xuống. Tỷ lệ các hộ gia đình có kế hoạch mua nhà đã giảm đáng kể từ 11,6% trong quý 4 năm 2020 xuống 7,7% vào quý 3 năm 2021. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu bị ảnh hưởng, với tốc độ tăng trưởng chậm lại còn 4,9% trong quý 3, cho thấy nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế gia tăng.
Trong khi đó, những người trẻ tuổi thường có tư tưởng đồng tình với chính sách thịnh vượng chung và thuế tài sản, nhưng họ cũng tin rằng hôn nhân và việc nuôi dạy con cái sẽ buộc họ giảm mức tiêu dùng và chất lượng cuộc sống. Báo cáo từ Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam cho thấy 79,4% người được phỏng vấn chia sẻ họ chưa bao giờ có kế hoạch sinh con.
Liu Zi, 25 tuổi, cho biết: "Tôi thực sự nghĩ rằng mức chi tiêu phụ thuộc vào việc kết hôn và có con hay không. Đối với tôi và những người bạn còn độc thân, chúng tôi rất lạc quan về thu nhập và sự nghiệp thăng tiến. Nhưng một khi kết hôn, nhiều người mà tôi quen đã phải trả hết các khoản thế chấp và giảm mức tiêu dùng của họ xuống rất nhiều".