Nghiên cứu chỉ ra: Các bé trai ở độ tuổi mầm non có tính cách này thì lớn thường GIÀU!
Nghiên cứu được thực hiện bởi một loạt các trường đại học danh tiếng.
Một nghiên cứu dài hạn, quy mô lớn đăng trên tạp chí khoa học uy tín JAMA Psychiatry cho thấy hành vi của trẻ ở tuổi mẫu giáo, đặc biệt là khả năng tập trung và tính cách thân thiện, có thể dự báo mức thu nhập của các em khi trưởng thành.
Nghiên cứu do Giáo sư Sylvana Côté và cộng sự tại Đại học Montreal thực hiện, với sự hợp tác của nhiều học giả từ Harvard, McGill và các trường đại học Bắc Mỹ khác, kết luận: Hành vi xã hội của trẻ trong giai đoạn mẫu giáo có mối liên hệ rõ rệt với thành công tài chính ở tuổi trưởng thành.
Nghiên cứu được tiến hành trong gần ba thập kỷ, theo dõi hơn 2.850 trẻ em bắt đầu từ khi các em 5–6 tuổi tại bang Québec (Canada) cho tới khi trưởng thành, từ 33 đến 35 tuổi. Trong suốt quá trình này, nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu từ giáo viên, phụ huynh, hồ sơ học tập, và sau này là báo cáo thu nhập cá nhân. Tại thời điểm mẫu giáo, giáo viên được yêu cầu đánh giá hành vi của học sinh thông qua ba nhóm chính:
- Thiếu tập trung (inattention),
- Chống đối hoặc hung hăng (aggression-opposition),
- Thân thiện, hợp tác (prosociality).

Ảnh minh họa
Kết quả cho thấy những trẻ được đánh giá là thiếu tập trung ở tuổi mẫu giáo thường có thu nhập trung bình thấp hơn khi trưởng thành, ngay cả khi đã kiểm soát các yếu tố như chỉ số IQ, trình độ học vấn của cha mẹ và hoàn cảnh kinh tế gia đình. Trích lời từ nghiên cứu: “Thiếu tập trung ở tuổi lên 6 có liên quan đến mức thu nhập hàng năm thấp hơn khi ở độ tuổi 33 đến 35”,
Một phát hiện quan trọng khác là ở nhóm bé trai. Trong khi hành vi chống đối và hung hăng ở độ tuổi mẫu giáo dự đoán khả năng có thu nhập thấp hơn sau này, thì những bé trai thể hiện hành vi thân thiện – như giúp đỡ bạn bè, chia sẻ đồ chơi, biết nhường nhịn – lại có thu nhập cao hơn đáng kể khi bước vào độ tuổi trung niên.
Các tác giả nhấn mạnh rằng tác động của hành vi thời thơ ấu lên thu nhập về sau là độc lập với các yếu tố truyền thống như học lực, trí thông minh hay xuất thân xã hội. Đây là bằng chứng cho thấy vai trò của phát triển hành vi và kỹ năng xã hội ở trẻ nhỏ không chỉ giới hạn trong môi trường học đường, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội nghề nghiệp và tài chính lâu dài.
Theo Giáo sư Côté, phát hiện này gửi đi một thông điệp rõ ràng: đầu tư vào phát triển hành vi và kỹ năng cảm xúc xã hội từ sớm có thể là chiến lược hiệu quả để giảm bất bình đẳng kinh tế về sau.
Từ góc độ chính sách, nghiên cứu này góp phần củng cố luận điểm rằng giáo dục mầm non không nên chỉ tập trung vào kỹ năng học thuật, mà cần chú trọng hơn đến năng lực tự điều chỉnh hành vi và phát triển kỹ năng xã hội. Các chương trình giáo dục mẫu giáo được thiết kế một cách toàn diện – bao gồm dạy trẻ biết kiên nhẫn, lắng nghe, hợp tác và kiểm soát cảm xúc – có thể tạo tiền đề quan trọng giúp trẻ thành công không chỉ ở trường học mà còn trong cuộc sống sau này.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, việc phát hiện sớm những hành vi tiêu cực như thiếu tập trung hoặc xung đột, thông qua quan sát của giáo viên mầm non, có thể mở ra cơ hội can thiệp kịp thời, giúp các em xây dựng lộ trình phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật mà còn đặt ra yêu cầu thực tiễn đối với phụ huynh, nhà trường và nhà hoạch định chính sách: phát triển hành vi xã hội tích cực từ tuổi mẫu giáo có thể là một trong những khoản đầu tư hiệu quả nhất cho tương lai tài chính của một đứa trẻ.