Mua được 2 căn nhà mặt phố, có 3 tỷ phòng thân: Đột nhiên không muốn tiết kiệm nữa!

Ngọc Linh,
Chia sẻ

“Tiết kiệm thêm để làm gì?” hiện là băn khoăn rất lớn của gia đình này.

Với những gia đình chưa có tài sản lớn, thu nhập cũng chưa cao hoặc chưa ổn định, tiết kiệm là điều đương nhiên phải làm. Trước mắt là để có quỹ dự phòng cho an tâm, lâu dài là để sắm tài sản lớn cho con sau này.

Suy nghĩ vậy rõ ràng là không có gì phải bàn cãi. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Nếu đã dư dả tiền để yên tâm sống, tài sản cho con cũng không thiếu, có nhất thiết phải tiết kiệm nữa không? Hay nói cách khác là chưa có gì trong tay thì mới có động lực tiết kiệm, chứ đủ đầy rồi, bỗng thấy chán chuyện tích góp.

Đó chính là “thế khó” ở thời điểm hiện tại của cặp vợ chồng trong câu chuyện dưới đây. Sau một biến cố của người quen, người chồng chợt thay đổi hoàn toàn.

Không còn động lực tiết kiệm

Tình hình tài chính của gia đình này có thể tóm tắt như sau: Tiền tiết kiệm 3 tỷ, có 2 căn nhà mặt phố, một căn để ở, một căn cho thuê được 20 triệu/tháng. Tất cả đều là do 2 vợ chồng cố gắng làm việc, tiết kiệm mới có được, chứ không có sự hỗ trợ nào từ bố mẹ.

Ảnh minh họa

“Vợ chồng mình đều xuất thân từ nghèo khó nên lúc nào cũng cố gắng làm lụng, kiếm tiền. Lấy nhau lúc tay trắng, sau 12 năm thì đến giờ mới dám tự tin là mình cũng có chút tài sản và ít tiền, gọi là cũng tạm yên tâm. Nhưng gần đây bạn thân của chồng mình đột ngột qua đời.

Sau đó chồng mình đột nhiên thay đổi quan điểm sống. Anh không muốn lao vào công việc, cũng không muốn tiết kiệm tiền để mua đất nữa. Anh còn động viên mình tiêu tiền đi, bảo rằng có nhà cho 2 con mỗi đứa 1 cái, 3 tỷ dự phòng với vẫn đi làm có thu nhập hàng tháng là đủ rồi.

Nói chung chồng mình giờ muốn sống hưởng thụ thôi. Năm nay anh 38 tuổi, còn mình 34 tuổi. Mình thì thấy vẫn còn quá sớm để sống hưởng thụ. Mình đã cố thuyết phục nhưng anh không nghe, còn bảo nếu mất đi thì cũng có mang nhà, mang đất, mang tiền đi được đâu… Mong mọi người cho mình góc nhìn, chứ mình thấy chồng mình đang suy nghĩ tiêu cực quá” - Cô vợ trải lòng.

Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều ủng hộ quan điểm của người chồng. Suy cho cùng thì cuộc sống không chỉ gói gọn trong chuyện kiếm tiền, tiết kiệm hay mua nhà mua đất. Không ai lường trước được bất trắc sẽ đến với mình, nên tận hưởng cuộc sống là mong muốn chính đáng, nhất là khi tài chính đã ổn định.

Ảnh minh họa

“Mình thấy chồng bạn nói đúng mà. Từ 2 bàn tay trắng mà mua 2 căn nhà mặt phố xong còn tiết kiệm được 3 tỷ, chứng tỏ bao nhiêu năm qua 2 vợ chồng cũng nỗ lực hết công suất rồi. Muốn nghỉ ngơi là đúng, vẫn đi làm kiếm tiền chứ cũng không phải bảo bán tài sản đi để lấy tiền hưởng thụ, thế thì có gì sai đâu nhỉ?” - Một người chia sẻ.

“Vợ chồng em thì lại nghĩ giống chồng chị, mà bọn em mới mua được 1 cái nhà thôi, tiết kiệm cũng hòm hòm vài trăm triệu chứ không được tới 1 tỷ nữa. Bọn em nghĩ đơn giản là có làm có chơi, cái này chắc tùy quan điểm mỗi người thôi khó phân định đúng sai lắm” - Một người khác bày tỏ.

“Em thì thấy sống theo cách của chồng chị khá hợp lý. Tiền bạc, nhà cửa biết bao nhiêu cho đủ. Kiếm tiền là để phục vụ bản thân và gia đình có cuộc sống tốt hơn, đừng để đồng tiền quá chi phối mình. Kể cả không đến mức tiêu cực như chồng chị nói, thì sau này có tuổi có khi cũng chẳng còn sức mà đi chơi, đi du lịch, ăn uống ngon nữa ấy” - Một người chung quan điểm

Làm sao để cân bằng giữa việc sống hưởng thụ và tiết kiệm, tích lũy cho tương lai?

Có làm thì cũng nên có chơi, hay nói cách khác chính là hưởng thụ. Chúng ta đều là con người, không phải một cỗ máy vô tri vô giác, có thể làm quần quật quanh năm suốt tháng mà không biết mệt. Tuy nhiên, để việc hưởng thụ không đi quá xa, đến mức kiếm bao nhiêu tiêu hết chừng ấy, thậm chí là nợ nần, bạn nên tham khảo 2 gợi ý dưới đây.

1 - Lập quỹ chi tiêu hưởng thụ

Nếu bạn chưa biết: Theo quy tắc 6 chiếc lọ - Một quy tắc "kinh điển" trong quản lý tài chính cá nhân, quỹ hưởng thụ chính là 1 trong 6 chiếc lọ mà mỗi người cần chuẩn bị. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu hưởng thụ là hoàn toàn chính đáng, không có gì đáng bài trừ nếu đảm bảo được sự cân bằng với 5 chiếc lọ còn lại.

Ảnh minh họa

Theo T. Harv Eker, bạn có thể trích 10% thu nhập mỗi tháng để xây dựng quỹ hưởng thụ, dành cho những khoản chi tiêu giải trí mua sắm, đi du lịch.

5 "chiếc hũ" còn lại lần lượt là: Hũ nhu cầu thiết yếu (55% tổng thu nhập), hũ tiết kiệm dài hạn (10% tổng thu nhập), hũ tự do tài chính (10% tổng thu nhập), hũ giáo dục (10% tổng thu nhập), hũ từ thiện (5% tổng thu nhập).

2 - Đặt giới hạn, tiêu chí cho việc hưởng thụ

Nếu không quản lý tài chính theo quy tắc 6 chiếc lọ phía trên, bạn vẫn có thể vừa tiết kiệm, vừa duy trì ngân sách cho việc hưởng thụ bằng cách đặt ra những tiêu chí cho việc này, thay vì cứ hứng lên là móc hầu bao.

Ví dụ đơn cử như đam mê đi du lịch, bạn có thể coi nó là phần thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành 1 mục tiêu lớn trong cuộc sống như thành công tăng thu nhập, được thăng chức,... Làm như vậy, vừa có động lực phấn đấu làm việc, kiếm tiền; vừa không lo chi tiêu quá tay, thành ra rỗng túi.

Ngọc Linh

Chia sẻ