Mùa đông nên đánh răng bằng nước nóng hay nước lạnh?
Khi thời tiết trở nên lạnh hơn, bạn có thể nhận thấy sự khác biệt trong miệng của mình. Ở một số người, răng sẽ có cảm giác ê nhẹ do răng nhạy cảm gây ra.
Chăm sóc răng miệng vào mùa đông cũng quan trọng như việc chăm sóc da và các bộ phận khác của cơ thể.
1. Mùa đông nên đánh răng bằng nước nóng hay nước lạnh?
Nhiều người cho rằng việc đánh răng bằng nước lạnh vào mùa đông sẽ giúp răng chắc khỏe hơn, tránh nứt men răng. Nhưng cũng có người lại cho rằng đánh răng bằng nước nóng sẽ giúp miệng sạch hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia răng miệng thì vào mùa đông, đánh răng bằng nước nóng hay nước lạnh đều không tốt cho răng.
Cụ thể:
- Nếu đánh răng bằng nước lạnh
Do nhiệt độ nước lạnh thấp, răng sẽ có cảm giác bị "tê cóng", kích ứng răng ảnh hưởng tới sức khỏe răng; đặc biệt với những người có răng nhạy cảm, hay viêm nướu, viêm nha chu hay các vấn đề răng miệng khác sẽ dễ giảm tuổi thọ của răng, đau nhức răng,... nếu đánh răng bằng nước lạnh trong thời gian dài.
Ngoài ra, sử dụng nước lạnh sẽ ảnh hưởng tới sự bay hơi của kem đánh răng, giảm tác dụng mà kem đánh răng mang lại.
- Nếu đánh răng bằng nước nóng
Đánh răng bằng nước nóng trên 50 độ C sẽ kích ứng niêm mạc miệng, tăng nguy cơ chảy máu nướu.
Do vậy mà các chuyên gia khuyên rằng, nên sử dụng nước ấm để đánh răng vào mùa đông. Vì răng người có thể trải qua quá trình trao đổi chất bình thường ở nhiệt độ 35 - 36,5 độ C. Chính vì thế mà nước ấm ở nhiệt độ khoảng 35 độ C không chỉ bảo vệ niêm mạc miệng và nướu khỏi kích ứng mà còn có hiệu quả trong việc làm sạch cặn thứ ăn và vi khuẩn trong kẽ răng từ đó chống nguy cơ sâu răng cũng như các vấn đề răng miệng khác.
Bên cạnh đó việc sử dụng nước ấm khoảng 35 độ C để đánh răng còn có lợi trong việc kích hoạt florua trong kem đánh răng nhờ việc tăng ma sát, từ đó cải thiện hiệu quả của kem đánh răng tốt hơn.
2. Các vấn đề răng miệng dễ gặp phải trong mùa đông là gì?
Như đã nói ở trên, mùa đông với nhiệt độ thấp răng trở nên nhạy cảm hơn và một số tình trạng răng miệng khác có nguy cơ xuất hiện, bao gồm:
- Loét miệng
Các mô mềm trong miệng dễ bị tổn thương hơn khi không khí khô lạnh và vệ sinh không sạch sẽ. Kết hợp với hệ miễn dịch dễ tổn thương hơn trong mùa lạnh khiến bạn dễ bị loét miệng hơn.
- Nứt nẻ môi
Thật khó để miệng của bạn có thể tránh khỏi việc tiếp xúc với không khí khô, gió và lạnh khi ở ngoài trời. Chúng khiến nước mất đi nhanh hơn và đôi môi khô nứt, bong tróc da thậm chí là chảy máu.
- Khô miệng
Độ ẩm trong không khí ít hơn khiến miệng của bạn tiết nước bọt ít hơn và có cảm giác khô. Tình trạng này có thể tồi tệ hơn nếu như thời tiết lạnh và bạn uống ít nước hơn.
- Răng ê buốt
Nhiều người gặp tình trạng đau răng khi tiếp xúc với đồ ăn, đồ uống hoặc thời tiết lạnh. Nguyên nhân là do men răng không bảo vệ được hoặc lợi bị tụt khiến chân răng lộ ra và bị ê buốt.
- Nha chu
Cảm lạnh và cúm mùa đông có thể khiến hệ miễn dịch phải tập trung để chống lại virus gây bệnh. Điều đó tạo cơ hội cho vi khuẩn trong nướu phát triển, đôi khi dẫn tới nhiễm trùng nướu và viêm nhiễm.
3. Lời khuyên cho việc chăm sóc răng mùa lạnh
- Uống nhiều nước
Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ răng miệng nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung trong thời tiết lạnh chính là uống đủ nước và các chất lỏng khác. Miệng của bạn cần phải đủ ẩm, ngăn chặn tình trạng khô miệng từ đó giảm nguy cơ nứt nẻ và kích ứng.
- Đánh răng nhẹ nhàng
Chải răng kiểm soát lực nhẹ nhàng, thực hiện 2 lần mỗi ngày và nên ưu tiên sử dụng bàn chải điện sẽ giúp đảm bảo loại bỏ mọi sự tích tụ của vi khuẩn, mảng bám cũng như không gây hại cho nướu và men răng. Ngoài chải răng bạn cũng cần sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh kẽ răng sạch sẽ.
- Tránh đồ uống có đường
Nhìn chung thì không chỉ vào mùa lạnh mà các đồ uống và thực phẩm nhiều đường bổ sung luôn không tốt cho men răng, tăng hình thành mảng bám và khiến sức khỏe răng suy yếu, dễ bị sâu răng hơn.
- Sử dụng các dụng cụ bảo vệ hàm
Nếu bạn yêu thích các môn thể thao vận động mạnh vào mùa đông, nên xem xét tới việc sử dụng dụng cụ bảo hộ hàm để bảo vệ răng khỏi nguy cơ bị thương.
- Dùng nước súc miệng sau khi đánh răng
Sử dụng nước súc miệng không chứa cồn và có chứa florua hiệu quả hơn nhiều so với việc súc miệng bằng nước lọc.
- Thăm khám nha khoa định kì
Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kì giúp bạn làm sạch cao răng đúng cách và phát hiện các vấn đề sức khỏe răng miệng tiềm ẩn khác để có biện pháp đối phó kịp thời.