Một thùng nước ngọt khiến con trai là tiến sĩ từ mặt mẹ: Bi kịch từ kiểu nuôi con "lệch chuẩn" là đây!

Bảo Tín,
Chia sẻ

Một đứa trẻ thật sự trưởng thành không phải là đứa trẻ đạt học vị cao nhất.

Có những bậc cha mẹ than phiền rằng: Con mình đã là sinh viên xuất sắc của trường đại học danh giá rồi, tại sao tâm lý vẫn còn non nớt, suốt ngày cãi nhau với cha mẹ, dường như vẫn không hiểu được tấm lòng cha mẹ?

Thật ra lúc này, ai cũng sẽ nhận ra rằng trí tuệ, học vấn và năng lực trưởng thành ở các mặt khác của một người trẻ không hề phát triển đồng đều. Thậm chí, có những nghiên cứu sinh xuất sắc, ra ngoài cư xử rất đúng mực, năng lực học thuật cũng đứng hàng đầu, nhưng về nhà lại có thể vì một chuyện nhỏ mà cãi nhau to với cha mẹ. 

Con cái mà học lên đến bậc tiến sĩ, chắc hẳn cha mẹ nào cũng mừng rỡ khôn nguôi. Nhất là với những bậc phụ huynh từng vì điều kiện hoặc năng lực mà không thể học lên cao, thì việc có một người con như vậy giống như là niềm tự hào, là thành quả cả đời.

Như trường hợp của một người mẹ ở Trung Quốc được chia sẻ trên MXH mới đâ, trong một lần trò chuyện cùng con trai đang học tiến sĩ, không ngờ chỉ vì chuyện đơn giản là một thùng coca mà bị con trai... chặn liên lạc.

Con trai bà quả thật rất ưu tú, sinh năm 2001, nay đã là nghiên cứu sinh tiến sĩ. Từ nhỏ đã do một tay mẹ nuôi dạy, vì sự trưởng thành và học hành của con, bà đã vất vả trăm bề.

Mỗi ngày đều đưa đón con đi học, kiểm tra bài vở, gần như toàn bộ thời gian đều dành cho con. Vì vậy, khi thấy đứa con mà mình dồn hết tâm huyết nuôi dạy thành tài nay lại trở nên phản nghịch như vậy, cha mẹ thật khó lòng chấp nhận.

Đứa con cũng rất có chí, rất hiểu chuyện. Từ việc thi đỗ trường cấp 3 hàng đầu, đến đại học trọng điểm, sau đó là học thẳng lên thạc sĩ – tiến sĩ, thành tích học tập không ngừng thăng tiến.

Thế nhưng, từ khi vào đại học rời xa vòng kiểm soát của cha mẹ, con bắt đầu hình thành những thói quen xấu: Thức khuya triền miên, nửa đêm mới ngủ, và đặc biệt là nghiện uống coca – điều này khiến cha mẹ rất lo lắng.

Một thùng nước ngọt khiến con trai là tiến sĩ từ mặt mẹ: Bi kịch từ kiểu nuôi con "lệch chuẩn" là đây! - Ảnh 1.


Có thể vì áp lực học hành quá lớn, cần bổ sung đường để duy trì sự tập trung, nên cậu con trai này coi coca như nước lọc, kể cả khi về nhà nghỉ hè hay nghỉ đông, cũng hiếm thấy con uống nước lọc, mỗi ngày uống đến 2-3 chai nước ngọt.

Trong một lần trò chuyện qua video, khi camera xoay một vòng, bà mẹ phát hiện con trước khi đi du học theo chương trình trao đổi vẫn còn để một thùng coca trong ký túc xá, và đã uống mấy chai rồi. Hai mẹ con vì chuyện đó mà cãi nhau dữ dội.

Kết quả là, người mẹ bị chính cậu con trai đang học tiến sĩ của mình… chặn luôn liên lạc. 

Hành trình nuôi con chưa bao giờ dừng lại ở điểm số

Người mẹ trong câu chuyện đã nuôi dạy con một cách tận tụy suốt nhiều năm. Bà dành trọn tuổi thanh xuân đưa đón, kiểm tra bài vở, hy sinh mọi điều để con được học hành đến nơi đến chốn. Và quả thật, con bà rất giỏi, giành suất học thẳng lên tiến sĩ, từng bước đi trên con đường học thuật mà bao người mơ ước.

Thế nhưng, khi chứng kiến con uống Coca như nước, bất chấp lời nhắc nhở về sức khỏe, rồi bị con lớn tiếng, thậm chí chặn luôn liên lạc sau một cuộc cãi vã, bà chợt nhận ra: Con học giỏi, nhưng không biết cách lắng nghe. Con có học vị, nhưng thiếu sự thấu hiểu.

Người ngoài cuộc dễ trách cậu con: "Vô ơn", "Hỗn hào". Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, đây là bài học chung của nhiều gia đình: Giáo dục chỉ tập trung vào học lực, mà quên đi việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc.

Khi còn nhỏ, trẻ được dạy cách làm toán, viết văn, ghi nhớ công thức… nhưng hiếm khi được hỏi: "Con có giận mẹ không?", "Khi buồn con thường làm gì?", hay "Nếu không đồng ý, con sẽ nói với mẹ thế nào để cả hai cùng hiểu nhau?"

Cha mẹ có thể dạy con giải một phương trình bậc hai, nhưng lại lúng túng khi phải dạy con cách quản lý cảm xúc tiêu cực. Chúng ta tự hào vì con thi vào đại học top đầu, nhưng lại không để ý rằng con dễ nổi nóng, có xu hướng tránh né va chạm hoặc... chọn cách cắt đứt liên lạc khi không vừa lòng.

Nuôi dạy con không chỉ là giúp con giỏi kiến thức, mà còn là giúp con học làm người. Học cách yêu thương người khác mà không làm tổn thương chính mình. Học cách nói "không" một cách tôn trọng. Học cách lắng nghe cả khi không đồng quan điểm.

Vì vậy, nếu chỉ chăm chăm đầu tư cho thành tích học tập mà bỏ quên việc dạy con biết thấu cảm, biết đối thoại, biết chịu trách nhiệm – thì đến một ngày, cha mẹ có thể rơi vào hoàn cảnh cay đắng như người mẹ kia: bị chính đứa con mình hết lòng vì nó quay lưng, chỉ vì một việc tưởng chừng nhỏ nhặt.

Một đứa trẻ thật sự trưởng thành không phải là đứa trẻ đạt học vị cao nhất, mà là đứa biết quay đầu lại khi nghe tiếng mẹ ho khẽ, biết cúi đầu khi làm sai, biết xin lỗi khi vô tâm.

Và để có được điều đó, hành trình nuôi con chưa bao giờ dừng lại ở điểm số.

Chia sẻ