Mới "bé xíu xiu" đã bị cận, không muốn bé tăng độ, bố mẹ trẻ phải làm những việc này ngay!
Khi con bị cận thị, hầu như cha mẹ nào cũng muốn con giữ nguyên độ cận đó, không tăng lên nữa. Để được như vậy, cha mẹ cần chú ý 3 điều.
Thấy con gái 3 tuổi có biểu hiện liên tục nheo mắt khi xem điện thoại, còn mỗi lần xem tivi thì luôn phải đứng thật gần màn hình, chị Hồng Anh (ở Đông Anh, Hà Nội) rất lo lắng. Sau vài hôm nhắc nhở, thậm chí bắt con ngồi ra xa màn hình tivi, không cho xem điện thoại, chị thấy con vẫn còn nheo mắt khi nhìn những vật ở xa. Vội vàng đưa con đi khám mắt, chị Hồng Anh giật mình khi bác sĩ nói con gái chị đã bị cận thị 2 độ.
Không giấu giếm, chị thừa nhận với bác sĩ rằng do bố mẹ thường xuyên bận rộn nên nhiều khi để con chơi ngoan, anh chị thường bật tivi hoặc là đưa điện thoại cho con xem. Tình trạng này kéo dài từ khi bé hơn 1 tuổi và chị không ngờ hậu quả là bé bị cận thị nhanh như vậy.
Ngày càng có nhiều trẻ nhỏ bị cận thị từ rất sớm
Nếu bác sĩ nói rằng con bạn bị cận thị thì có nghĩa là thị lực của trẻ đang bị giảm xuống. Nói cách khác, khả năng nhìn các vật ở xa của con bị hạn chế. Độ càng cao, sức nhìn càng giảm mạnh, nếu không được điều chỉnh kịp thời và đúng cách đôi khi sẽ dẫn tới tình trạng nhược thị vĩnh viễn.
Cận thị là một dạng tật khúc xạ thường gặp nhất ở mắt. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự đoán đến năm 2050, cận thị có thể chiếm tới 50% dân số toàn cầu. Đáng nói hơn, tỉ lệ bị cận thị ở trẻ em, kể cả trẻ nhỏ ngày càng gia tăng.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của sự tăng nhanh tỷ lệ người mắc tật cận thị trong những năm gần đây vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhiều bác sĩ Nhãn khoa cho rằng một là do di truyền, hai là do ngày nay trẻ được tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá sớm. Gần đây nhất, WHO cũng đưa ra khuyến cáo không cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Nguyên nhân thứ 3 là do trẻ phải học nhiều, không có thời gian chơi ngoài trời, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời…
Để con không bị tăng độ cận thị, cha mẹ cần làm 3 việc cho con
Tật cận thị đa số bắt đầu xuất hiện ở tuổi đến trường, nhưng nó cũng có thể xuất hiện từ rất sớm. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm: không nhìn rõ chữ trên bảng; hay nheo, dụi mắt, bị lé khi nhìn xa; hoặc trẻ hay dí sát mặt vào sách khi đọc. Theo TS. BS. Trần Đình Minh Huy - Đại sứ Viện thị giác Thế giới tại khu vực Châu Á, Thái Bình Dương - Trưởng nhóm Cận Thị Trẻ Em của Trung tâm Mắt Hải Yến, Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, nếu thấy con có những biểu hiện đó, cha mẹ cần đưa con đi khám và theo dõi độ cận ở những nơi uy tín vì việc đo độ đúng và có quy trình khảo sát các thông số mắt chi tiết sẽ là yếu tố quyết định chất lượng của việc theo dõi tiến triển cận thị và cân nhắc can thiệp điều trị kiểm soát cận thị với các phương pháp phù hợp khi cần.
Khi con bị cận thị, hầu như cha mẹ nào cũng muốn con có thể giữ nguyên độ cận đó, không tăng lên nữa. Chia sẻ về vấn đề này, TS. BS. Trần Đình Minh Huy cũng nhấn mạnh, kiểm soát tăng độ cận cho trẻ em là một việc vô cùng quan trọng, cần thiết phải làm.
Để làm được điều này, việc đầu tiên là cần có quy trình đo, khám đúng chuẩn và phải đảm bảo các thông số ở những lần đo khám cho trẻ được thực hiện bởi phương pháp thống nhất để xếp trẻ vào nhóm tăng nhanh hay chậm và có phương pháp điều trị hợp lý.
Thứ hai, cha mẹ có thể dùng thuốc nhỏ mắt cho con. Hiện nay, loại thuốc nhỏ mắt được đánh giá cao là thuốc nhỏ mắt Atropin. Dùng Atropin liều thấp nhỏ ngày 1 lần vào mắt của trẻ có thể giảm tốc độ tăng cận lên tới 60%.
BS Trần Đình Minh Huy cũng chia sẻ phương pháp phổ biến với trẻ em Việt Nam hiện nay là dùng kính gọng. Tuy nhiên, nếu cha mẹ muốn trẻ được thoải mái vận động mà không bị cản trở bởi cặp kính gọng vướng víu thì trẻ cũng có thể áp dụng phương pháp Ortho K – một phương thức dùng kính áp tròng đặt vào mắt ban đêm để chỉnh hình giác mạc. Qua một đêm ngủ, sáng thức dậy sau khi lấy kính áp tròng ra khỏi mắt, trẻ sẽ nhìn mọi thứ được rõ ràng mà không cần đeo kính gọng nữa, đồng thời về mặt đường dài độ cận của trẻ cũng được kiểm soát.
Ngày nay, các Hiệp hội Cận thị trên thế giới đều thống nhất với nhau rằng, lứa tuổi phù hợp nhất cũng như thụ hưởng được tối đa hiệu quả điều trị của các phương pháp kiểm soát tốc độ tăng cận là độ tuổi 6-13 tuổi. Tuy nhiên, tùy trong những trường hợp nhất định có thể mở rộng khung điều trị để hỗ trợ điều trị cho bé tốt hơn.
Thứ ba, chế độ ăn uống bổ sung dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày của trẻ cũng góp phần tăng cường sức khỏe mắt của trẻ. Bên cạnh việc chú trọng đến một chế độ ăn toàn diện đặc biệt là nhiều rau xanh đậm thì trẻ rất cần tiếp xúc với ánh mặt trời. Trẻ nên được cho sinh hoạt ở ngoài ánh mặt trời tối thiểu 1,5 giờ mỗi ngày nhằm giúp giảm nguy cơ mắc tật cận thị ở trẻ chưa bị, cũng như hỗ trợ trong việc điều trị kiểm soát tình trạng tăng độ ở các trẻ đã mắc cận thị.
Hai Yen Eye Care tự hào là trung tâm chăm sóc mắt theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại bậc nhất tại Việt Nam – nơi sở hữu hệ thống trang thiết bị công nghệ tiên tiến, đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, tay nghề cao và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tận tình.
Đến với Hai Yen Eye Care, quý bệnh nhân có cơ hội trải nghiệm quy trình làm việc chuyên nghiệp, nhanh chóng, hiệu quả. Tìm hiểu về dịch vụ khám chữa bệnh tại Hai Yen Eye Care (https://haiyeneyecare.com/page/vi-vn/can-vien-loan)