Mang cơm trưa đi làm, đừng bao giờ phạm phải 5 sai lầm dưới đây kẻo vô tình khiến chúng mất dinh dưỡng, thậm chí hủy hoại sức khỏe
Những sai lầm này có thể khiến bữa trưa của bạn giảm dinh dưỡng, thậm chí sinh ra nhiều độc tố gây hại sức khỏe.
Mang cơm trưa đi làm là sự lựa chọn của nhiều người vì đây là giải pháp vừa tiết kiệm lại vừa đảm bảo an toàn giữa mùa dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi mang cơm đi làm, nhiều chị em thường đựng trong những chiếc hộp nhựa kém chất lượng, mang thực phẩm nấu dư từ tối hôm trước… Những sai lầm tưởng đơn giản này có thể khiến bữa trưa của bạn bị giảm dinh dưỡng, thậm chí sinh ra nhiều độc tố có thể gây hại đến sức khỏe.
Đựng cơm bằng những hộp nhựa kém chất lượng
Hộp nhựa nhỏ gọn là lựa chọn của nhiều người khi mang cơm đi làm, tuy nhiên sự thật là không phải loại hộp nào cũng phù hợp để đựng thực phẩm. Những loại hộp nhựa kém chất lượng thường được làm từ nhựa tái chế, khả năng chịu nhiệt thấp nên khi cho thức ăn nóng vào chúng sẽ chảy và phát sinh các chất hóa học cực độc.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên khoa Hóa học, Đại học Khoa học tự nhiên: Những loại hộp kém chất lượng có thể chứa chất dioctin phthalat, ảnh hưởng trực tiếp tới giới tính con người. Không chỉ với đồ ăn nóng, khi gặp dầu mỡ, muối, axit… thì cũng có thể sản sinh độc tố, gây tổn hại đến gan, gây nhiều bệnh khác.
Thay vào đó, bạn nên dùng đồ dùng được làm từ sứ, thủy tinh...
Đựng đồ ăn cùng với cơm
Để tiết kiệm diện tích, nhiều người sẽ kết hợp đựng thức ăn chung với cơm trắng. Tuy nhiên, bản thân cơm là một loại thực phẩm rất dễ ôi thiu và nhạy cảm với môi trường bên ngoài. Cơm trắng nếu để ở nhiệt độ thường trong vòng 5 tiếng đã phát sinh tình trạng nhớt, có mùi chua thiu.
Nếu đựng kèm chung đồ ăn với cơm càng dễ khiến cho hộp cơm trưa bị hỏng, ôi thiu, giảm dinh dưỡng và vi khuẩn sản sinh mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Mang theo hải sản từ hôm trước
Cá, hải sản rất giàu protein… vì vậy chúng là nơi lý tưởng để các loại vi khuẩn như E.coli sinh trưởng nếu không được chú ý bảo quản đúng cách.
Những món ăn này nếu được nấu từ đêm hôm trước để phục vụ bữa trưa ngày hôm sau thì có thể làm mất hương vị thơm ngon của hải sản, thậm chí làm các chất protein bị biến đổi gây hại cho gan thận.
Cho đồ ăn nóng vào hộp
Nấu bữa trưa vào buổi sáng là thời điểm lý tưởng nhất, tuy nhiên nhiều người vội vã đi làm nên đã múc thực phẩm nóng vào hộp nhựa, sau đó đậy kín, nhưng sai lầm này rất nguy hiểm.
Nếu cho đồ ăn nóng vào hộp và đậy kín trong thời gian dài sẽ khiến chúng bị hấp hơi. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, đồ ăn còn dễ bị thiu, bốc mùi, không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, để đồ ăn nóng vào hộp nhựa có thể hàm lượng monostyren (một chất độc) trong nhựa PS giải phóng ra càng nhiều, gây tổn hại đến gan. Do đó, bạn nên chờ thức ăn nguội bớt rồi mới cất vào hộp. Ngoài ra, sau khi đến chỗ làm, nên bỏ hộp đồ ăn vào tủ lạnh, khi sử dụng thì đem ra hâm nóng.