Mắc bệnh lạ bị mất khả năng nghe nhìn, cuộc đời của bé gái 2 tuổi tưởng tan tành lại rẽ hướng thành người phụ nữ vĩ đại nhất hành tinh

Imacho,
Chia sẻ

Tưởng chừng như quãng đời còn lại chỉ còn là một màu đen mờ mịt nhưng Helen chọn đi vào con đường khác và nó đã dẫn bà đến 1 cuộc đời thành công, vĩ đại hơn bất cứ ai khác.

Helen Keller sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng căn bệnh hiếm gặp đã đến và cướp đi thị lực và thính lực của bà. Bất chấp khiếm khuyết của bản thân, bà vươn lên mạnh mẽ như con phượng hoàng từ đống tro tàn và trở thành 1 trong những người phụ nữ vĩ đại nhất lịch sử thế giới với quan niệm sống đáng học hỏi: "Chúng ta sẽ chẳng thực sự hạnh phúc cho đến khi làm cuộc đời của người khác trở nên tươi sáng hơn". Không chỉ trở thành nhà văn, thành viên của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, Helen còn là nguồn cảm hứng tuyệt vời với thông điệp, rằng sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ sẽ giúp con người vượt qua mọi giới hạn của bản thân.

f

Chào đời vào ngày 27/6/1880 ở thành phố Tuscumbia, Alabama (Mỹ), Helen là con gái cả trong gia đình có 2 chị em gái. Bố mẹ của bà đều là những người có học vấn cao, chính vậy nên họ cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào các con. Vậy nhưng, chỉ còn vài tháng đến sinh nhật tuổi lên 2, tai họa đã giáng xuống đầu Helen khi bà lên cơn sốt dữ dội và bị chẩn đoán mắc chứng bệnh lạ. Dù không nguy hại đến tính mạng nhưng căn bệnh này lại tước đi mất khả năng nghe nhìn của đứa trẻ chỉ mới tí tuổi.

Bỗng dưng trở thành người khuyết tật, Helen không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ và tức giận vì không thể làm mọi việc như bạn bè đồng trang lứa. Trong suốt 7 năm đầu đời, Helen không thể đến trường bất chấp bố mẹ tìm đủ mọi cách để cải thiện tình hình của con gái.

Trong suốt thời gian đó, bố mẹ Helen nhận ra đầu óc thông minh và nhanh nhạy của con gái. Họ quyết tâm không bỏ cuộc và cầu cứu khắp mọi nơi, kể cả việc tìm đến nhà khoa học nổi tiếng Alexander Graham Bell. Đến một ngày nọ, khi tương lai của Helen vẫn còn rất tăm tối thì 1 phép màu xảy đến với cuộc đời bà, đó là sự xuất hiện của cô nữ sinh Anne Sullivan vừa tốt nghiệp trường Perkins dành cho người khiếm thị. Người này đã đồng ý trở thành cô giáo và người hướng dẫn, giúp đỡ Helen bước qua quãng thời gian tăm tối nhất cuộc đời.

Mắc bệnh lạ bị mất khả năng nghe nhìn, cuộc đời của bé gái 2 tuổi tưởng tan tành lại rẽ hướng thành người phụ nữ vĩ đại nhất hành tinh - Ảnh 3.

Ban đầu, Helen từ chối tất cả nỗ lực của Anne nhưng cô gái trẻ vẫn cắn răng kiên trì, hạ quyết tâm phải tìm lại ánh sáng cho học trò của mình. Anne dạy Helen chữ cái bằng cách sử dụng ngón tay đánh vần lên cánh tay của cô bé. Để giúp Helen hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa từ vựng và thực tế, Anne đã dẫn học trò đi thị thực, nhờ đó mà khơi dậy niềm yêu thích của đứa trẻ. Chỉ sau vài tuần, tình hình của Helen có sự thay đổi rõ rệt. Mỗi buổi học đều mang đến cho Helen sự hứng thú như thể mở được cánh cửa bước ra thế giới mới bất kể em có nghe hay nhìn thấy cảnh vật hay không.

1 năm sau, Helen được gửi đến học tập tại trường khiếm thị Perkins ở Boston, Massachusetts. Tại đây, bà làm quen với hệ thống chữ nổi và bắt đầu tập tành viết lách bằng phương pháp dành riêng cho người khiếm thị. Năm 14 tuổi, Helen tiếp tục bay đến New York du học, trau dồi khả năng giao tiếp. Nhờ có sự giúp đỡ và đồng hành của Anne, Helen được nhận vào trường Radcliffe College trước khi trở thành người khiếm thị và khiếm thính đầu tiên trên thế giới tốt nghiệp đại học vào năm 1904. Có thể thấy Anne nắm giữ chìa khóa mở ra khả năng vô hạn của Helen nhưng chính bà mới là người nỗ lực nhất, không phải để lấp đầy những thiếu sót mà tìm ra chính mình trong các điểm khiếm khuyết ấy.

Trong quãng thời gian còn là sinh viên, Helen đã cho xuất bản 2 cuốn sách The Story of My Life (1902), tự truyện nổi tiếng của bà được dịch ra hơn 50 thứ tiếng và là cuốn sách gối đầu của rất nhiều thế hệ, và Optimism (1903), như bước khởi đầu bước vào con đường viết lách và làm người diễn thuyết. Sau này, bà vẫn theo đuổi đam mê chắp bút viết nên rất nhiều tựa sách cũng như hàng trăm bài báo lớn đăng trên tạp chí, với chủ đề xoay quanh tinh thần lạc quan, nỗ lực qua khó khăn, cổ vũ những người có cùng hoàn cảnh…

"Tất cả những điều tốt đẹp và tuyệt vời nhất trên đời không thể nhìn thấy bằng mắt hay chạm vào bằng tay mà phải được cảm nhận bằng trái tim" - Helen từng nói.

temlate4

Năm 1905, Helen kết hôn với giảng viên đại học Harvard, John Macy. Sau khi lấy chồng, bà vẫn tiếp tục thực hiện những lý tưởng cao đẹp bằng cách dấn thân vào chính trường với mong muốn được giúp đỡ cộng đồng, nhất là hội người mù. Thông qua những bài diễn văn, Helen muốn trở thành tiếng nói của tầng lớp người dân lao động nghèo khó cũng như đòi quyền bình đẳng dành cho phụ nữ. Dần dần, Helen dần trở thành 1 trong những người phụ nữ đáng ngưỡng mộ nhất thế kỷ 20.

Năm 1920, Helen cùng một vài nhà hoạt động xã hội khác chung tay thành lập Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ. 4 năm tiếp theo, bà tự tay mở ra quỹ phi lợi nhuận dành cho người đánh mất thị lực mang tên American Foundation for the Blind mà chính bà làm đại sứ và chịu trách nhiệm phát ngôn chính. Helen gần như dành trọn nửa phần đời còn lại cho tổ chức này cho đến khi bà trút hơi thở cuối cùng vào năm 1968. Trước đó, vào năm 1964, Helen vinh dự được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Lyndon Johnson trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống.

ggg

Cuộc đời đã mang đến thử thách lớn nhất cho Helen vào năm 2 tuổi khi tước đi quyền được nghe, được nhìn của bà. Tưởng chừng như quãng đời còn lại chỉ còn là một màu đen mờ mịt nhưng Helen chọn đi vào con đường khác và nó đã dẫn bà đến 1 cuộc đời thành công và vĩ đại hơn bất cứ ai khác. Cũng giống như câu nói nổi tiếng của người phụ nữ này: "Con người thường mất nhiều thời gian để nhìn vào cánh cửa đã đóng im lìm nhưng lại quên mất cánh cửa khác đang mở rộng chào đón chúng ta".

(Nguồn: Tổng hợp)

Chia sẻ