Lũ dung nham càn quét Indonesia, gần 70 người thiệt mạng
Mưa lớn hàng giờ đồng hồ cuối tuần qua đã khiến dòng dung nham lạnh của núi lửa với đất đá, tro bùn cùng nước lũ đổ xuống sườn núi Marapi - một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia.
Lũ quét và dung nham lạnh đã ảnh hưởng đến ít nhất 6 huyện và thành phố của Indonesia, trong đó có các huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Agam và Tanah Datar. Tính đến thời điểm hiện nay có 67 người thiệt mạng và hàng chục người khác vẫn đang mất tích sau lũ quét.
Chính quyền tỉnh Tây Sumatra của Indonesia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 14 ngày ở Tây Java để có thời gian phân bổ nguồn lực, nhằm đẩy nhanh quá trình giảm thiệt hại do thiên tai, bao gồm sơ tán cư dân và giải ngân viện trợ.
Ngoài việc phá hủy hơn 200 ngôi nhà và hàng chục cánh đồng lúa, lũ lụt còn cắt đứt con đường tiếp cận chính giữa thủ phủ tỉnh Padang và Bukittinggi. Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Tây Sumatra (BPBD), cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài đến ngày 26 tháng 5 tới.
Con số chính thức ghi nhận hiện nay là ít nhất 67 người thiệt mạng và 44 người bị thương, với ít nhất 989 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Một đội tìm kiếm và cứu hộ chung đang tìm kiếm khoảng 20 người vẫn mất tích. Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) Indonesia cho rằng lượng mưa lớn gần đây ở tỉnh này là do nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn do biến đổi khí hậu. Sự tích tụ tro bùn, đất đá núi lửa từ vụ phun trào của Mt. Marapi năm ngoái cũng tạo ra dòng dung nham lạnh nghiêm trọng hơn.
Chính phủ sẽ giải ngân hỗ trợ tiền mặt từ 15 triệu Rp (940 USD) đến 60 triệu Rp để sửa chữa nhà cửa, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại. Chính quyền Tây Sumatra và Agam cũng đã chuẩn bị sẵn sàng một khu vực để di dời vĩnh viễn cho người dân, trong khi yêu cầu người dân trên khắp Tây Sumatra, đặc biệt là những người sống gần các con sông bắt nguồn từ Mt. Marapi, phải cảnh giác trước nguy cơ xảy ra thêm thảm họa.
Tình hình địa chất tại Indonesia cũng đang diễn biến phức tạp khi chính quyền tiếp tục nâng mức cảnh báo của một ngọn núi lửa ở phía đông nước này lên mức cao nhất. Núi Ibu, nằm trên hòn đảo Halmahera xa xôi, phun cột tháp tro núi lửa cao 5.000m. Cơ quan địa chất sau đó đã nâng trạng thái lên mức cảnh báo cao nhất của hệ thống bốn cấp, nghĩa là một vụ phun trào đang diễn ra. Người dân sống gần Ibu và khách du lịch được khuyến cáo tránh xa khu vực cấm cách đỉnh núi lửa từ 4 đến 7km và đeo khẩu trang đề phòng tro bụi rơi xuống.