Long An: Khẩn trương phòng, chống dịch cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1

Đinh Hằng,
Chia sẻ

Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 trong và ngoài nước hiện nay, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai và tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1.

Theo đó, các ngành chức năng đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, cơ sở y tế, và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân biết về cách nhận biết, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A/H5N1, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

Tổ chức giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch. Kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Lấy mẫu xét nghiệm để xác nhận tác nhân gây bệnh. Tuyên truyền phòng, chống bệnh cúm A/H5N1 cho người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân... Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống bệnh kể cả trên gia cầm và trên người.

Long An: Khẩn trương phòng, chống dịch cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 - Ảnh 1.

Ngoài ra, các ngành liên quan tăng cường giám sát các ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm, thủy cầm để phát hiện sớm và tiến hành tiêu hủy nếu có dấu hiệu nghi ngờ cúm A; cung cấp thông tin cho ngành y tế nếu có trường hợp ổ dịch gia cầm trên diện rộng để ngành y tế chủ động giám sát các trường hợp có triệu chứng cảm cúm nghi ngờ có tiếp xúc với gia cầm bệnh; phối hợp với bộ phận kiểm dịch biên giới kiểm soát chặt chẽ các gia cầm, thủy cầm nhập khẩu qua biên giới; truyền thông cho các hộ chăn nuôi tình hình cúm gia cầm và trình báo ngay với cơ quan chức năng nếu đàn gia cầm có dấu hiệu bệnh.

Các đơn vị thường xuyên tuần tra giám sát đường biên giới với Campuchia kể cả các đường mòn lối mở, không để xảy ra tình trạng gia cầm bệnh nhập khẩu vào Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam từ Campuchia và có biện pháp dự phòng phù hợp đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ cúm để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Chia sẻ