Loại lá mọc dại ngoài ruộng được ví như 'nhà thuốc mini'

Như Loan/VTC News,
Chia sẻ

Lá mã đề – loại rau mọc dại ngoài ruộng đồng, được ví như “nhà thuốc mini” với khả năng thanh nhiệt, lợi tiểu, chống viêm, sáng mắt và bảo vệ thận.

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, đây là cây thuốc quý, có giá trị dinh dưỡng và dược tính cao.

Lá cây chứa lượng vitamin A tương đương củ cà rốt, giàu beta carotene, canxi, vitamin C, vitamin K cùng nhiều hợp chất thực vật quý như aucubin, baicalein, axit oleanolic, allantoin. Các chất này giúp cải thiện thị lực, chống ung thư, bảo vệ mạch máu, tăng cường xương khớp và hệ miễn dịch.

Ở Việt Nam, lá mã đề non được dùng như rau ăn sống, xào hoặc nấu canh với thịt, tôm. Món canh mã đề giải nhiệt, giúp tiểu tiện dễ dàng. Tuy nhiên, khi ăn cần tránh các chất kích thích như rượu, cà phê, gia vị cay nóng.

Loại lá mọc dại ngoài ruộng được ví như 'nhà thuốc mini' - Ảnh 1.

Cây mã đề mọc hoang ở nhiều vùng quê, thường bị nhầm là cỏ dại. (Ảnh minh hoạ)

Không chỉ có mặt trong bữa ăn, mã đề còn là vị thuốc lâu đời trong Đông y. Toàn cây (trừ rễ) phơi khô gọi là mã đề thảo, hạt gọi là xa tiền tử, lá là folium plantaginis. Cây có vị ngọt, tính lạnh, quy vào kinh can, thận và bàng quang, được dùng để chữa tiểu rắt, ho lâu ngày, đau mắt đỏ, tiêu chảy, phù thũng.

Tại Ấn Độ, vỏ hạt mã đề (loại Plantago ovata) được chế biến thành Isabgol - loại thuốc nhuận tràng, hỗ trợ điều trị táo bón và rối loạn đường ruột. Hạt này cũng được thêm vào ngũ cốc để giảm cholesterol và đường huyết.

Ở Bulgaria, người dân dùng lá mã đề (Plantago major) để chữa vết thương ngoài da nhờ đặc tính kháng khuẩn tự nhiên.

Dù nhiều lợi ích, cây mã đề không phù hợp với tất cả thể trạng. Người dùng cần thận trọng, đặc biệt khi có bệnh nền hoặc đang sử dụng thuốc. Cây mã đề tốt nhưng chúng ta không nên lạm dụng, và tránh dùng kèm các chất gây nóng như rượu bia, cà phê.

Chia sẻ