Làm sao giành được quyền nuôi con khi chưa tiến hành ly hôn?

,
Chia sẻ

Tôi và vợ chưa ly hôn, nhưng gia đình nhà ngoại ngăn cản không cho tôi đón và đưa con về sống cùng. Tôi phải làm sao?

Hỏi:

 

2 năm trước vợ tôi có xin được suất học bổng đi du học ở nước ngoài, trước khi đi vợ tôi có hứa là khi sang được bên đó sẽ đón 2 bố con sang. Do điều kiện công tác, tôi đã gửi cháu sang nhà ngoại và hàng tháng vẫn thăm nom, chu cấp đầy đủ ăn học cho cháu. Tuy  nhiên, gần đây cô ấy có gọi điện về cho tôi và ngỏ ý muốn ly dị với nhiều lý do. Tôi rất buồn và muốn đón con lên Hà Nội học nhưng bà ngoại cháu nhất mực phản đối. Mặc dù đã xin được cháu nhập học tại trường ở Hà Nội và được sự chấp thuận nghỉ học tại trường Xuân Mai, Hà Tây (nơi cháu ở cùng với bà ngoại) nhưng bà ngoại vẫn gây khó khăn, không cho tôi đón cháu. Bà gọi chính quyền địa phương can thiệp và báo có người đến bắt cóc con tôi khi tôi đến đón con ở trường. Cũng không hiểu lý do tại sao trường Xuân Mai, Hà Tây đến thời điểm này lại không cho con tôi nghỉ học theo đơn đề nghị cắt học bạ, cũng như đồng ý cho cháu chuyển trường khi trước.
Thưa luật sư trong trường hợp của tôi thì tôi có quyền được đón con về ở và học tập với tôi ở Hà Nội không? và tôi có nên nhờ cơ quan nào can thiệp trong trường hợp này ?
Tôi rất muốn nhận được sự phản hồi sớm của luật sư vì trường ở Hà nội sẽ không tiếp nhận cháu vào học nữa nếu cháu cứ vắng mặt khi đã được tiếp nhận vào học từ ngày 17/10/08
Xin cảm ơn luật sư !


Trả lời:

Liên quan đến trường hợp của anh, anh hoàn toàn có quyền được đón con về ở và học tập tại Hà Nội. Để biết rõ hơn các quyền của mình, anh có thể tham khảo các quy định dưới đây:

1.             Khoản 1 Điều 53 Bộ luật dân sự năm 2005 về nơi cư trú của Người chưa thành niên quy định: Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

2.             Điều 13 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2005 về Quyền sống chung với cha mẹ: Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em.

3.             Khoản 1 Điều 24 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2005 về Trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng: Cha mẹ, người giám hộc là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em; khi gặp khó khăn tự mình không giải quyết được, có thể yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

4.             Khoản 1 Điều 34 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ quy định: Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

5.             Điều 37 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 về nghĩa vụ và quyền giáo dục con quy định:

-                Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.

-                Khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được, cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con.

6.             Điều 39 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 về đại diện cho con quy định: Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.

Vì vậy, trong trường hợp của anh, trên cơ sở các thông tin mà anh cung cấp, rõ ràng quyền và lợi ích của anh cũng như cháu bé đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Anh có thể gửi đơn đề nghị khẩn cấp tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: UBND, HĐND cấp quận, huyện, Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em… nơi mẹ vợ anh đang sinh sống và giữ cháu bé. Anh cần gửi kèm hoặc xuất trình những giấy tờ chứng minh tư cách hợp pháp của mình đối với con như Chứng minh thư nhân dân, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh cho con, những giấy tờ thể hiện khả năng tài chính và chỗ ở, Giấy tiếp nhận của trường học tại Hà Nội…

Trong trường hợp anh không thể tự làm việc với UBND nơi mẹ vợ anh đang cư trú hoặc Trường học ở Xuân Mai, Hà Tây (cũ) hoặc các buổi làm việc không đem lại kết quả, anh có thể mời và ủy quyền cho Luật sư là những người am hiểu pháp luật thay mặt mình làm việc với các đơn vị đó. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, Luật sư sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh và cháu.

Luật sư Hoài Nam

VP  Luật sư Chu Đông và Cộng sự - Số 10 đường Yên Phụ - Ba Đình – Hà Nội

Chia sẻ