Ký ức của cặp song sinh là "chuột bạch" cho những thí nghiệm rùng rợn nhất thế giới: Bị tiêm virus chết người, tiêm hóa chất vào mắt vì mục đích nhẫn tâm
Nhờ may mắn sống sót thần kỳ sau chuỗi ngày kinh hoàng, cặp song sinh ấy mới có cơ hội kể lại để cả thế giới biết được mức độ tàn độc của những thí nghiệm vô nhân đạo nhất.
Eva Mozes Kor là người phụ nữ có số phận cực kỳ khó khăn khi phải trải qua tất cả những nỗi kinh hoàng ở trại tập trung Auschwitz. Nhưng sau tất cả, bà vẫn tìm thấy sức mạnh, động lực để sống. Giờ đây, khi ở độ tuổi 85, bên cạnh hoạt động trên Facebook và YouTube, bà đi chu du khắp thế giới, đóng phim tài liệu, viết sách và thành lập hẳn một bảo tàng trưng bày các thí nghiệm của Đức Quốc Xã. Nhờ những lời kể của bà, cả thế giới mới được biết phần nào về mức độ tàn độc của những thí nghiệm vô nhân đạo nhất mà Đức Quốc Xã đã bày ra...
Eva Mozes sinh ra ở Romania trong một gia đình Do Thái. Bà có 2 chị gái, Edit và Aliz, cùng một chị gái sinh đôi tên Miriam.
Cặp song sinh Eva và Miriam.
Tháng 5 năm 1944, cả gia đình Eva bị đưa tới trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan. 6 người trong gia đình Eva bị nhồi nhét trên một con tàu chật chội từng được sử dụng để vận chuyển gia súc trong suốt 4 ngày mới đến nơi. Khi họ vừa đến trại tập trung, một tên quản giáo hỏi mẹ của Eva rằng gia đình bà có một cặp song sinh phải không. Khi đó, người phụ nữ không hề lường trước được âm mưu của bọn chúng nên vô tư "khai thật". Vậy là, ngay lập tức, chúng tách Eva và Miriam khỏi vòng tay gia đình và đưa đến một nơi riêng biệt.
Kể từ đó, Eva và Miriam không bao giờ còn được gặp lại cha mẹ và các chị gái của họ nữa cũng không biết họ sống chết ra sao. Đó cũng là lần cuối cùng cả gia đình họ được ở bên nhau.
Những thí nghiệm tàn độc nhất thế giới của "Angel of Death" (Thiên thần tử thần)
Thời điểm đó, những hiện tượng kỳ lạ của các cặp sinh đôi luôn gây sự chú ý đặc biệt của các bác sĩ Đức Quốc Xã, trong đó phải kể đến tên bác sĩ độc ác nhất ở Auschwitz, Josef Mengele. Hắn thậm chí còn được mệnh danh là "Thiên thần tử thần".
Josef đã thực hiện những thí nghiệm man rợ lên khoảng 1.500 cặp song sinh nhưng chỉ có khoảng 300 người sống sót. Ngoài ra, hàng chục nghìn người trở thành nạn nhân của các thí nghiệm kinh hoàng của Josef Mengele.
Tên bác sĩ của Đức Quốc Xã - Josef Mengele.
Tên Josef có mối quan tâm đặc biệt về mặt khoa học đối với cặp song sinh vì hắn muốn tăng tỷ lệ sinh ở phụ nữ Aryan - tộc được mệnh danh là "Người da trắng thượng đẳng".
Bên cạnh đó, hắn cũng muốn tìm hiểu về các bệnh khác nhau ảnh hưởng đến cơ thể con người. Để thực hiện được mục đích của mình, Josef Mengele không ngại tiêm một loại virus chết người vào một trong những cặp song sinh và sau đó sẽ so sánh kết quả với anh chị em khỏe mạnh của họ. Những virus này gây nhiễm trùng nhiều bộ phận cơ thể, gây ra ung nhọt và dần hoại tử.
Ngoài ra, hắn còn thực hiện các thí nghiệm về việc thay đổi màu mắt của các cặp sinh đôi bằng cách tiêm nhiều loại hóa chất vào mắt dẫn đến nhiễm trùng mắt hoặc thậm chí mù lòa vĩnh viễn.
Những ký ức kinh hoàng ám ảnh một đời người
Cặp chị em Eva và Miriam cũng như nhiều cặp song sinh khác, họ trải qua các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm di truyền khác nhau.
Theo ký ức của Eva, sau khi bà bị tách khỏi chị gái thì được đưa đến phòng thí nghiệm nơi họ lấy rất nhiều máu từ tay trái của bà và tiêm nhiều mũi vào bên tay phải. Sau đó, bà bị sốt khủng khiếp, tay và chân bị sưng lên, cơ thể bị bao phủ bởi những đốm đỏ. Vào lúc đó, Josef tên bác sĩ Josef nói rằng Eva chỉ còn 2 tuần để sống nhưng bà đã sống sót 1 cách kỳ diệu và được đưa trở lại nơi trú ẩn của chị gái.
Eva (bên phải) và Miriam, năm 1949.
Sau khi chiến tranh kết thúc, những tưởng tên bác sĩ Josef sẽ phải chịu sự trừng phạt cho những tội ác mà hắn đã gây ra thì không ngờ hắn trốn thoát được. Theo tài liệu ghi chép, hắn từ Đức đến Mỹ Latinh và không phải chịu bất kỳ hình phạt nào trong suốt quãng đời còn lại.
Cuộc sống sau khi được tự do
Ngày 27/1/1945, một trong những con tin của trại tập trung chạy thẳng vào nơi trú ẩn và hét lên "Chúng ta đã tự do rồi". Eva và Miriam nghe thấy tiếng hô cũng chạy ra đường và mừng rỡ khi nhìn thấy những người lính đang ôm những người khác và phân phát sô cô la, bánh quy cho họ. Đó là những người lính của Hồng quân.
Những đứa trẻ trong ngày được giải cứu.
Khi được giải thoát, hai chị em Eva đã 11 tuổi và được các nữ tu chăm sóc. Eva kể rằng các nữ tu tặng rất nhiều đồ chơi cho chị em bà, nhưng họ đã quá lớn, tuổi thơ của họ đã bị chôn vùi mãi mãi ở Auschwitz.
Eva và Miriam sau khi được giải thoát.
Tự do rồi, hai chị em trở về quê nhà của họ ở Rumani nhưng ngôi nhà ghi dấu biết bao kỷ niệm của họ đã bị phá hoại. Eva nói rằng đó là ngày buồn nhất trong cuộc đời vì bà vẫn luôn mang trong mình hy vọng rằng ai đó trong gia đình vẫn còn sống và chờ họ trở về nhà.
Năm 1950, khi Eva và Miriam 16 tuổi, hai chị em được phép di cư sang Israel và định cư tại thành phố Haifa. Cả hai cô thiếu nữ xinh đẹp cùng phục vụ trong quân đội Israel.
Eva Mozes Kor cùng con trai Alex, năm 2019.
Năm 1960, Eva kết hôn với một người Mỹ tên Michael Kor. Ông cũng là nạn nhân sống sót từ cuộc diệt chủng Holocaust của Đức Quốc Xã. Cặp vợ chồng chuyển đến sinh sống tại Mỹ và sinh được 2 người con Alex và Rina. Ở đó, Eva bắt đầu làm nhân viên tư vấn bất động sản.
Chị gái của Eva, bà Miriam mắc một căn bệnh quái ác về thận do hậu quả từ những thí nghiệm trong thời thơ ấu. Mặc dù được bà Eva hiến một quả thận nhưng bà Miriam vẫn không qua khỏi và qua đời vào năm 1993, ở tuổi 59 tuổi.
2 năm sau cái chết của chị gái, bà Eva đã thành lập bảo tàng CANDLES trưng bày những thí nghiệm của Đức Quốc Xã về trẻ em. CANDLES là viết tắt của "Children of Auschwitz Nazi Deadly Lab Experiments Survivors" (Những đứa trẻ sống sót kỳ diệu trong phòng thí nghiệm chết chóc ở Auschwitz của Đức Quốc Xã).
Hiện tại, dù đã lớn tuổi, Eva vẫn tích cực tham gia các hoạt động giáo dục và hướng dẫn du lịch. Bà đã xuất bản 2 cuốn tự truyện và tham gia diễn xuất trong một số phim tài liệu.
Tha thứ để thanh thản
Sau khi chị gái qua đời, bà Eva đã tự tìm cách giải thoát, tha thứ và chữa lành những vết thương trong quá khứ. Vào tháng 4/2015, bà đến Đức để làm chứng tại phiên tòa xét xử cựu phát xít, Oskar Gröning.
Eva Mozes Kor và Oskar Gröning, năm 2015.
Trong phiên tòa, bà đã tới tiến về phía Gröning và ôm lấy ông. Bà Eva nói rằng mình có đủ sức mạnh để tha thứ và có thể sử dụng nó theo bất cứ cách nào bà muốn. Điều đó giúp bà mạnh mẽ hơn, vượt qua được những ký ức khủng khiếp và giải thoát bản thân khỏi quá khứ bi thảm.
Eva Kor tại buổi ra mắt phim tài liệu năm 2014.
Áp phích tài liệu Eva, năm 2018.
Tất nhiên, sau tất cả những tội ác khủng khiếp của Đức quốc xã, việc Eva tuyên bố tha thứ đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tuy vậy, bà đáp lại rằng sau khi đi gần hết cuộc đời đầy gian nan, bà tin không có gì tốt đẹp đến từ những điều tàn nhẫn. Đó là lý do mà những hành động xuất phát từ lòng tốt luôn chiến thắng cái ác và sự tức giận.
Năm 2016, bà Eva trở thành nữ chính của bộ phim tài liệu của Anh có nhan đề "The girl who forgave the Nazis" (tạm dịch: Cô gái tha thứ cho Đức quốc xã) . Năm 2018, hãng Ted Green Films cũng cho ra đời bộ phim tài liệu "Eva".
(Nguồn: BS)