Không cãi lời nhưng ỷ lại - một loại bất hiếu âm thầm đang bào mòn cha mẹ từng ngày: Quan điểm khiến nhiều người tranh luận!
Bạn nghĩ sao về quan điểm này?

Dạy con tưởng dễ mà hóa ra là hành trình gian nan nhất đời người. Không có trường lớp nào dạy cha mẹ cách nuôi dạy một đứa trẻ nên người. Không có công thức chung cho việc làm sao để con vừa hạnh phúc, vừa có trách nhiệm, vừa biết yêu thương mà vẫn tự lập. Nuôi một đứa trẻ lớn lên đã khó. Dạy một đứa trẻ biết sống tử tế, biết lao động, biết tự đứng trên đôi chân mình còn khó gấp bội.
Mới đây, một bài đăng về chủ đề dạy con nhận được sự quan tâm của dân tình. Ông bố 2 con đồng thời là chủ nhân của bài viết chia sẻ, trong một buổi sáng khi đang công tác tại Hải Phòng, ông bố ngồi một mình mà trong lòng nặng trĩu nỗi nhớ con. Nhưng điều khiến anh day dứt không chỉ là nỗi nhớ, mà là một sự lo lắng rất cụ thể về những biểu hiện của sự ỷ lại đang lớn dần trong chính hai đứa con của mình.
Ông bố nhận ra: “Không phải cứ cãi lời, to tiếng mới là bất hiếu. Ỷ lại, sống thụ động, để cha mẹ phải lo hết từ miếng ăn, giấc ngủ, tương lai… cũng là bất hiếu - một sự bất hiếu âm thầm, nhưng bào mòn sức lực, tinh thần cha mẹ từng ngày”.

Dạy con tưởng dễ mà hóa ra là hành trình gian nan nhất đời người. (Ảnh minh họa)
Theo chia sẻ, hai con của anh từng rất ngoan, biết quan tâm, siêng năng. Nhưng càng lớn, các con càng dành nhiều thời gian dán mắt vào điện thoại, lười làm việc nhà và bắt đầu quen với việc “được phục vụ”. Mỗi bữa cơm, mẹ phải lo mọi thứ từ đi chợ đến bày biện, chỉ để con… ngồi vào bàn.
Điều khiến ông bố này trăn trở hơn cả là khi nhìn lại, anh thấy lỗi không nằm hoàn toàn ở con trẻ. “Sợ con khổ nên làm thay mọi việc. Nghĩ ‘chỉ cần con học giỏi’ là đủ, quên dạy kỹ năng tự lập. Đáp ứng ngay mọi thứ con đòi, khiến con quen ngồi chờ” , anh nhìn nhận thẳng thắn.
Sau nhiều suy nghĩ, anh quyết định viết một tin nhắn dài gửi vào nhóm chat gia đình để nói rõ lòng mình như một cách giúp các con hiểu cha đang nghĩ gì, lo gì, và mong gì.
Toàn bộ đoạn tin nhắn của anh như sau:
Bố muốn nói rõ một chuyện:
Các con đã lớn, đến tuổi phải tự lập, không thể cứ chơi game hay nằm xem điện thoại cả ngày. Bố mẹ không thể chăm sóc các con mãi. Nếu cứ ỷ lại, sau này chính các con sẽ khổ.
Bố cần tập trung cho công việc để lo cho gia đình, nhưng hiện tại bố đang rất mệt mỏi vì lo lắng cho tương lai của các con.
Bố mong từ hôm nay, các con sắp xếp lại thời gian: hạn chế giải trí, dành thời gian học tập, rèn luyện kỹ năng, phụ giúp việc nhà.
Bố mẹ sẵn sàng hỗ trợ các con nếu các con nghiêm túc thay đổi. Đừng để sự lười biếng hôm nay trở thành gánh nặng cho các con và cho cả gia đình sau này.
Bố nói ra không phải vì trách móc, mà vì thương các con.
Song song với đó, anh cũng khẳng định, bài viết không nhằm chỉ trích con trẻ, càng không phải để lên lớp ai khác, mà là để tự nhắc mình và chia sẻ với những người đang cùng một nỗi lo rằng tình thương sai cách có thể trở thành sợi dây trói con suốt đời.
Anh đưa ra bốn nguyên tắc đơn giản nhưng rất thực tế:
- Thương con cần tỉnh táo: hãy để con chịu trách nhiệm với chính mình.
- Hướng dẫn con tự làm, giao việc phù hợp, khen khi con chủ động.
- Đừng đáp ứng vô điều kiện mọi đòi hỏi, để con hiểu rằng muốn có, phải nỗ lực.
- Dành thời gian trò chuyện, định hướng kỹ năng sống, đừng chỉ chăm chăm điểm số.
“ Yêu thương đúng cách mới giúp con trưởng thành, tự lập, và sau này mới thực sự biết báo hiếu. Đừng để tình thương mù quáng trở thành sợi dây trói con, rồi chính cha mẹ lại mệt mỏi đến cuối đời” , người bố kết lại.
Được biết, bài đăng viral này là của anh Bách Nguyễn - một ca sĩ chuyên nghiệp, tốt nghiệp Thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Hiện anh công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội), đồng thời mở lớp dạy hát tại nhà.

Chân dung ca sĩ Bách Nguyễn - chủ nhân của bài đăng trên
Sau khi được đăng tải, bài viết nhanh chóng nhận được sự quan tâm rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt bình luận. Phần lớn phụ huynh bày tỏ sự đồng tình, cho rằng chính tình thương không có giới hạn, sự “bao bọc vô thời hạn” đã góp phần khiến nhiều đứa trẻ lớn lên thiếu kỹ năng sống, thiếu khả năng tự lập và đặc biệt là thiếu tinh thần trách nhiệm với chính cuộc đời mình.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng mỗi đứa trẻ một khác, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự bao bọc của cha mẹ, bởi nhiều bạn trẻ dù được nuông chiều vẫn tự giác trưởng thành.
Yêu thương đúng cách mới giúp con trưởng thành chứ không phải sự mù quáng
Không ít phụ huynh đồng tình rằng, chính tình thương không kèm giới hạn, chính sự “bao bọc vô thời hạn” đã góp phần khiến nhiều đứa trẻ lớn lên mà thiếu kỹ năng sống, thiếu khả năng tự lập, và quan trọng hơn, thiếu tinh thần trách nhiệm với chính cuộc đời mình.
- Tôi cũng quen một người con trai như vậy. Việc nhà thì không muốn làm, việc nặng thì sợ mệt, việc khó thì ngại suy nghĩ, còn việc nguy hiểm thì sợ rủi ro. Điều duy nhất cậu ấy làm là chờ cha mẹ sắp xếp mọi thứ để sau này… có thể tự lo cho bản thân. Cha mẹ thì lúc nào cũng nói rằng “không trông mong gì được con”, nên từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong cuộc sống, họ đều âm thầm gánh vác. Còn cậu con trai ấy, dù chỉ cần lo cho bản thân thôi, thì cũng không ổn. Từ đó, tôi mới thực sự hiểu rằng: việc dạy con trai sống có trách nhiệm là điều vô cùng quan trọng.
- Giống như một dạng ký sinh, nếu đời mình chỉ biết sống bám vào cha mẹ, thì rất có thể đời con mình cũng sẽ tiếp tục sống bám vào ông bà. Đó là một kiểu bất hiếu rất tinh vi khi sự lười biếng được nguỵ trang bằng lý do "muốn ở nhà chăm sóc cha mẹ". Không làm gì cả, nhưng luôn miệng nói rằng “biết đủ”, “không tham vọng”. Mà thực tế thì: đã làm đâu mà có? Đã có gì đâu mà bảo là đủ?
- Bài viết của tác giả rất hay và đúng với thực tế hiện nay. Quả thật, có một kiểu “bất hiếu âm thầm” đang dần bào mòn sức lực và tinh thần của những bậc cha mẹ. Nhiều bạn trẻ ngày nay chỉ cắm mặt vào điện thoại, nhưng khi hỏi đến những vấn đề xã hội cơ bản thì ngơ ngác như “con nai trong rừng ra phố”. Thậm chí, có em đi mua một ổ bánh mì cũng không biết phải đi đâu. Nghĩ đến điều đó mà thấy buồn, buồn cho thế hệ trẻ, và buồn cho cả những người làm cha mẹ đang dốc lòng vì con, nhưng lại không biết bắt đầu dạy từ đâu.
- Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng nếu cứ làm thay con mọi việc thì vô tình lại là đang hại con. Con cái cần được dạy cách tự lo cho bản thân từ sớm từ những việc nhỏ như phụ giúp việc nhà, đến những việc lớn hơn trong cuộc sống. Có làm, con mới hiểu được cái vất vả của cha mẹ, nhất là của người mẹ mỗi ngày lo chuyện cơm nước, chợ búa, giấc ngủ, bữa ăn. Chỉ khi con được rèn luyện qua những việc tưởng chừng đơn giản ấy, sau này con mới biết tự chăm sóc cho chính mình và biết yêu thương, chăm lo cho những người thân trong gia đình.

Yêu thương đúng cách mới giúp con trưởng thành chứ không phải sự mù quáng (Ảnh minh họa)
Trong vô số bình luận, đoạn chia sẻ của người dùng N.B.H nhận được sự quan tâm của dân tình: “ Gia đình tôi, cả bố và mẹ đều làm việc qua điện thoại, công việc chủ yếu là đi gặp khách hàng, tiếp khách, xử lý công việc ở bên ngoài, có những hôm về đến nhà mắt đã đỏ hoe, đầu đau như búa bổ. Nhưng con cái thì không nhìn thấy những vất vả đó. Chúng chỉ thấy bố mẹ ‘nhấc điện thoại lên là có tiền’. Không cảm nhận được áp lực, không biết trân trọng những gì bố mẹ đã đánh đổi để có được. Những món đồ được mua, những chuyến đi chơi, những thứ được chuẩn bị đầy đủ... dường như chỉ là điều hiển nhiên trong mắt con.
Dù tôi đã cố gắng phân tích, giảng giải, dùng cả lời nhẹ lẫn lời nghiêm nhưng có vẻ khi đứa trẻ không trực tiếp chạm tay vào sự vất vả, chúng khó mà hiểu ra.
Có những lúc tôi nhìn sang gia đình hàng xóm làm nghề bán phở, cơm rang. Cậu con trai tầm tuổi con tôi, vậy mà biết giúp bố mẹ đủ việc: dọn dẹp, bê đồ, thối tiền, giao tiếp với khách vô cùng khéo léo. Nhìn vào mà vừa phục, vừa… băn khoăn. Phải chăng con cái phải trực tiếp nhìn thấy mồ hôi rơi, phải được đặt trong một ‘môi trường thật’ hoặc chí ít là được diễn trong môi trường có sức nặng lao động, thì chúng mới cảm nhận được giá trị của đồng tiền, mới biết ơn cuộc sống này?
Gia đình tôi không thuộc dạng giàu có, nhưng cũng không phải quá chật vật. Mức sống tạm ổn, đủ lo cho con ăn học, nhưng vì thế mà càng khó xử. Không thể để con thiếu thốn, nhưng nếu cái gì cũng đủ đầy, thì con lại không học được sự quý trọng. Chúng tôi vẫn đang loay hoay ở giữa cái ngưỡng “dở ông dở thằng” ấy chưa giàu, nhưng không còn nghèo như thế hệ cha mẹ ngày xưa nữa. Và chính vì thế, việc nuôi dạy con sao cho đúng lại càng khó gấp bội.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu những gia đình trung lưu, khá giả. Họ có lối đi nào riêng để uốn nắn con không? Hay tất cả chúng ta đều đang vừa đi, vừa dò đường như nhau?”.
Không thể đổ lỗi 100% cho con trẻ, bởi ai cũng lớn lên trong bối cảnh khác nhau
Ở một diễn biến khác, không ít người lại cho rằng việc quy kết sự “ỷ lại” của con trẻ là một kiểu “bất hiếu âm thầm” là quá nặng nề, thậm chí có phần cảm tính. Họ cho rằng mỗi thế hệ lớn lên trong một bối cảnh khác nhau và việc con chưa tự lập đôi khi phản ánh sự chuyển dịch vai trò trong gia đình hiện đại, chứ không hẳn là lỗi hay sự vô ơn.
Một số ý kiến còn nhấn mạnh nếu cha mẹ đã quen làm hết mọi việc cho con trong suốt thời thơ ấu, thì không thể trách con khi trưởng thành vẫn chưa biết tự lo. Trong trường hợp đó, vấn đề không nằm ở con, mà nằm ở cách nuôi dạy từ đầu .
- Không phải cứ chưa tự lập là bất hiếu. Thật ra, nhiều bạn trẻ vẫn yêu thương và kính trọng cha mẹ, chỉ là chúng chưa được trang bị kỹ năng sống đủ tốt. Gốc rễ không nằm ở lòng biết ơn, mà là ở sự chuẩn bị.
- Bảo con ỷ lại là bất hiếu thì hơi cực đoan. Trong xã hội hiện đại, vai trò giữa cha mẹ và con cái đã thay đổi rất nhiều. Có khi con cái sống cùng cha mẹ lâu hơn vì điều kiện kinh tế, chứ không phải vì lười hay thiếu trách nhiệm.
- Muốn con giỏi tự lập thì phải tập cho con từ sớm. Nếu bố mẹ lúc nào cũng làm hộ, rồi sau lại trách con không biết lo thân, thì đó là vòng lặp của mâu thuẫn chứ không phải lỗi của riêng ai.
- Người lớn thường đòi hỏi con cái trưởng thành phải giống mình ngày xưa, nhưng quên mất rằng ngày xưa ông bà cũng không nuôi con bằng chiếc smartphone, hay với kỳ vọng phải giỏi giang toàn diện từ bé như bây giờ.

Không ít người lại cho rằng việc quy kết sự “ỷ lại” của con trẻ là một kiểu “bất hiếu âm thầm” là quá nặng nề (Ảnh minh họa)
Nuôi con chưa bao giờ là chuyện dễ, nhất là khi tiện nghi tăng lên nhưng tinh thần trách nhiệm và lòng biết ơn ở con trẻ lại ngày càng mờ nhạt. Yêu thương đúng cách là để con được va vấp, học cách tự lo và biết sẻ chia. Một lần cầm chổi, một lần đi chợ, hay một lần bị từ chối cũng có thể là bước đầu để con biết tự lập và thực sự trưởng thành. Vì món quà báo hiếu lớn nhất, chính là một đứa trẻ biết sống có trách nhiệm và hành trình đó nên bắt đầu từ hôm nay.