Khi về già, chớ dại mà nhắc lại 3 điều này với con cái: Càng nhắc lại, tình cảm gia đình càng dễ sứt mẻ!

Thanh Hương,
Chia sẻ

Quá khứ nên để ngủ yên...

Khi còn trẻ, cha mẹ thường dồn hết sức lực để nuôi con khôn lớn, mong con trưởng thành, thành công và hiếu thảo. Nhưng càng về già, điều người lớn cần không phải là sự báo đáp vật chất, mà là cảm giác được con cái quan tâm, hiện diện trong cuộc sống của nhau.

Một cuộc gọi hỏi han, một lần ghé qua thăm, hay đơn giản là ánh mắt, lời nói ấm áp từ con cũng đủ khiến cha mẹ cảm thấy ấm lòng trong những năm tháng xế chiều. Nhưng đáng tiếc, có những bậc cha mẹ lại vô tình đẩy con ra xa, không phải vì con bất hiếu, mà vì chính họ đã khiến khoảng cách ấy lớn dần lên từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt. Dưới đây là ba điều cha mẹ nên tuyệt đối tránh nhắc lại nếu muốn gìn giữ mối quan hệ gắn bó với con cái.

1. Đừng nhắc lại những lỗi lầm đã qua

Không ai sinh ra đã biết cách làm cha, làm mẹ. Trong hành trình nuôi con, rất nhiều người từng phạm sai lầm, có thể là những câu nói thiếu suy nghĩ, những hành động quá nóng giận, hay thậm chí là những quyết định để lại vết thương lòng cho con.

Thời gian trôi qua, có thể con cái đã quên, hoặc đã tha thứ. Nhưng nếu chính cha mẹ một ngày nào đó nhắc lại, kiểu như: "Hồi đó tao cũng biết tao sai, đánh mày hơi nặng, nói mày quá lời...", thì có thể vô tình khơi lại nỗi đau tưởng chừng đã lành. Vết thương lòng khi bị tổn thương bởi người mình tin tưởng nhất, chính là cha mẹ không dễ nguôi ngoai như người ta vẫn nghĩ.

Khi về già, chớ dại mà nhắc lại 3 điều này với con cái: Càng nhắc lại, tình cảm gia đình càng dễ sứt mẻ! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đừng để một lời nói vô tình phá vỡ những nỗ lực hàn gắn suốt bao nhiêu năm. Nếu muốn giữ tình cảm, cha mẹ hãy tập trung vào hiện tại, sống bao dung, bình tĩnh và chân thành. Quá khứ nên để ngủ yên, vì càng nhắc lại, càng dễ làm mối quan hệ rạn nứt.

2. Đừng nói về việc từng thiên vị con nào

Trong mỗi gia đình có nhiều con, việc đối xử công bằng là điều khó tuyệt đối. Có những đứa trẻ quá hiểu chuyện, tự lập từ nhỏ nên cha mẹ nghĩ không cần lo lắng nhiều, mà chuyển sự chú ý sang đứa con bướng bỉnh, cần quan tâm hơn. Nhưng sự "thiên vị vô thức" ấy lại có thể để lại vết hằn trong lòng đứa trẻ bị bỏ quên.

Nhiều người lớn tuổi sau này nhìn lại mới nhận ra, rồi cố gắng thay đổi, cư xử công bằng hơn. Nhưng rồi trong một lúc cao hứng hoặc vô tâm, lại buột miệng: "Hồi xưa mẹ thương thằng út hơn chút, nó yếu đuối mà...". Một câu nói như vậy thôi cũng có thể khiến đứa con từng chịu thiệt thòi cảm thấy tất cả sự cố gắng bù đắp của cha mẹ chỉ là hình thức.

Sự công bằng trong gia đình không chỉ đến từ hành động, mà còn từ sự tinh tế trong lời nói. Cha mẹ nên nhớ rằng, con cái càng lớn, lòng tự trọng càng cao. Và càng lớn, người ta càng khó tha thứ cho những gì bị xem là bất công từ thuở nhỏ. Đừng vô tình phủ nhận những gì mình đang nỗ lực xây dựng chỉ vì một lời lỡ miệng.

3. Đừng nhắc đến những lần từng nặng lời, mắng nhiếc con

Có những câu nói của cha mẹ từng như lưỡi dao cứa vào lòng con, nhất là khi nó đến vào thời điểm con yếu đuối nhất. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng "nói vậy để con nhớ đời", nhưng họ không biết mình đã để lại tổn thương kéo dài suốt cả tuổi thơ con trẻ.

Bộ phim Vinh quang trong thù hận của Hàn Quốc từng lay động người xem bởi nhân vật nữ chính mang trong mình một tuổi thơ đầy đau khổ. Nhưng điều khiến cô tổn thương sâu sắc nhất lại không phải từ những kẻ bắt nạt, mà chính là người mẹ ruột, người luôn đứng ngoài nỗi đau của con, thậm chí quay lại chỉ để châm chọc và xúc phạm.

Thực tế, không ít con cái trưởng thành trong tổn thương âm thầm từ lời mắng nhiếc của cha mẹ. Họ có thể im lặng, có thể tiếp tục chăm sóc cha mẹ, nhưng sâu trong lòng, cảm xúc đã không còn nguyên vẹn. Và một khi lòng yêu thương đã rạn vỡ, rất khó để hàn gắn lại.

Vì vậy, nếu từng nặng lời với con, hãy im lặng thay vì nhắc lại như một lời "giải thích" hay "thừa nhận". Lời xin lỗi chân thành có thể được đón nhận, nhưng nhắc lại sai lầm như một câu chuyện kể sẽ chỉ khiến mối quan hệ thêm căng thẳng.

Lời kết: Làm cha mẹ, ngoài việc yêu thương con, còn cần sự khéo léo trong cách cư xử và lời nói. Biết giữ gìn ba điều trên sẽ giúp cha mẹ tránh được những hiểu lầm đáng tiếc, giữ được sự gắn bó với con cái, và có một tuổi già bình yên bên người thân yêu nhất.p

Chia sẻ