Kết cục bi thảm của Kế Hoàng hậu ở đời thực: Từng được sủng ái hết mực nhưng đột ngột bị vua ghẻ lạnh, biệt giam đến chết
Ngồi vào vị trí mẫu nghi thiên hạ, nắm trong tay quyền cai quản tam cung lục viện, trở thành người phụ nữ được Hoàng đế sủng hạnh nhất, cuộc đời với toàn mỹ từ của Kế Hoàng hậu cuối cùng lại kết thúc bằng chuỗi bi kịch thê lương mà khó ai có thể ngờ tới.
Trên danh nghĩa "chính thất" của Càn Long Đế, Kế Hoàng hậu đã trải qua đủ dư vị thăng trầm của cuộc sống chốn thâm cung, vinh hoa có, tủi nhục cũng chẳng kém phần. Đường đường là bậc mẫu nghi thiên hạ, sinh thời được vua hết mực sủng ái, vậy mà đến khi qua đời, tang lễ của Kế Hoàng hậu lại sơ sài chẳng khác gì bậc nô tì thấp kém. Sự thật của sự keo kiệt đến khó tin của vị Hoàng đế nổi danh xa xỉ, hào phóng nhất Thanh triều là thế nào; uẩn khúc ẩn chứa phía sau cuộc chuyển đổi tình thế chóng mặt từ đắc sủng đến thất sủng của Kế Hoàng hậu rốt cuộc ra sao, cho đến giờ vẫn là những thắc mắc lớn chưa thể lý giải.
Vẻ đẹp sắc nước hương trời, xuất thân danh giá, chiếm trọn sủng hạnh của Hoàng đế
Chân dung Kế Hoàng Hậu - Ô Lạp Na Lạp thị.
Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp là vị Hoàng hậu thứ hai của vua Càn Long, kế nhiệm sau Phú Sát Hoàng hậu. Xuất thân từ một gia tộc cao quý, lại sở hữu dung nhan hơn người, bà được chỉ định làm Trắc phúc tấn cho Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (tức Càn Long lúc chưa lên ngôi).
Năm Càn Long thứ 2, bà được phong làm Nhàn phi, tiếp đó là Nhàn Quý phi. Sau khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, Càn Long Đế để trống ngôi vị Hoàng hậu vì chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất mát. Một năm sau, được Hoàng Thái hậu nâng đỡ và sự sủng ái hết mực của đấng quân vương, Nhàn Quý phi tiến đến vị trí cao nhất chốn hậu cung với tước vị Kế Hoàng hậu. Đây là điều vô cùng hiếm hoi khi bà ngồi được vào vị trí mẫu nghi thiên hạ khi chưa sinh được hoàng tử, thái tử nào.
Kế Hoàng hậu từng nhận được sự ân sủng của Càn Long.
Tương truyền, Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị nhận được không ít vinh sủng dưới sự yêu chiều của Hoàng đế. Bà thường cùng vua Càn Long bái yết Tông miếu, cùng ông ngao du Giang Nam, tuần du Tây Nam, lên Ngũ Đài sơn thắp hương. Kế Hoàng hậu cũng là một trong số ít những người được vua tin tưởng giao cho việc chỉnh sửa y phục của mình.
Kế Hoàng hậu sinh được 2 Hoàng tử và 1 Công chúa, tuy nhiên hai trong số đó lại không may chết yểu. Dẫu vậy, điều đó cũng không hề ảnh hưởng đến sự sủng ái mà Hoàng đế dành cho bà.
Bất ngờ bị thất sủng và những uẩn khúc chưa có lời đáp
Tháng giêng năm Càn Long thứ 30, Hoàng đế tiến hành tuần du phía nam lần thứ 4 cùng Kế Hoàng hậu và 5 vị phi tần khác. Trong chuyến tuần du lần này, vua Càn Long thể hiện rõ sự ưu ái của mình dành cho Kế Hoàng hậu: ra chỉ dụ thưởng toàn cao lương mỹ vị, sai người nấu tổ yến, gà ngũ vị hương cho một mình Hoàng hậu, tổ chức yến tiệc sinh nhật linh đình nhân dịp Hoàng hậu 48 tuổi.
Nhưng không ai có thể ngờ tới, chính sau chuyến đi định mệnh này, Kế Hoàng hậu từ ngôi vị cao nhất hậu cung bỗng bị tước bỏ toàn bộ tước hiệu, biệt giam trong cung cấm, chịu hoàn toàn sự thờ ơ, ghẻ lạnh của Hoàng đế.
Kế Hoàng Hậu do Xa Thi Mạn thủ vai trong "Diên Hi Công Lược".
Cho đến nay, việc Kế Hoàng hậu bị thất sủng vẫn là một dấu hỏi lớn chưa được giải đáp. Sự việc của bà cũng được đồn đại trong dân gian, nổi tiếng nhất là những truyền thuyết ở Giang Nam. Nhiều người cho rằng Càn Long Đế rất tích cực đi du tuần Giang Nam vì nơi đây vốn nổi tiếng là đất có nhiều mỹ nữ nhan sắc như hoa như ngọc. Biết Hoàng đế có ý muốn nạp ca kỹ làm cung phi, Hoàng hậu vì một mực can ngăn mà bị khiển trách.
Một truyền thuyết khác nói rằng, trong chuyến Nam tuần đến Kim Lăng, Hoàng đế đến sông Tần Hoài tìm ca kỹ mua vui. Quan viên địa phương muốn lấy lòng Hoàng đế nên đã cho sắp xếp một chiếc thuyền tráng lệ với những kỹ nữ xinh đẹp, lẳng lơ nhảy múa thâu đêm. Hoàng hậu biết chuyện, nhất thời tức giận tự cắt tóc mình. Điều này đã làm vua Càn Long nổi trận lôi đình, cho rằng hành động của Hoàng hậu là xúc phạm bề trên, phạm phải điều tối kỵ không thể dung thứ. Theo phong tục Mãn Châu, việc cắt tóc chỉ được diễn ra khi Hoàng đế hoặc Hoàng Thái hậu qua đời, vì vậy Kế Hoàng hậu bị khép vào tội đại bất kính, đại bất hiếu.
Vua Càn Long cho thu hồi toàn bộ đặc ân Hoàng hậu được ban thưởng trong lễ sắc phong năm xưa, biệt giam bà trong lãnh cung, cắt giảm nô tì hầu hạ. Đúng 1 năm sau, bà lặng lẽ qua đời trong cô độc và sự ghẻ lạnh ra mặt của Hoàng đế, bên cạnh không một người thân thích.
Đám tang vô danh, tang lễ như bậc nô tì hèn kém
Khi Kế Hoàng hậu qua đời, Càn Long nghe hung tin chẳng mảy may để tâm, tiếp tục cuộc đi săn đang dang dở và chỉ cho Hoàng tử Vĩnh Cơ về chịu tang mẹ.
Kế Hoàng hậu đường đường từ bậc mẫu nghi thiên hạ, rốt cục phải ra đi lặng lẽ bằng một đám tang vô danh thấp kém.
Nếu như Càn Long là người từng ra lệnh cả giang sơn phải chịu tang Phú Sát Hoàng hậu thì nay chẳng ai dám tin vị vua này lại có thể lạnh lùng an táng người phụ nữ mà ông từng hết lòng yêu thương, chiều chuộng bằng những nghi lễ sơ sài có lệ, thậm chí không muốn nói là thấp kém không khác gì thân phận nô tì trong cung.
Đám tang của Kế Hoàng hậu diễn ra trong sự hiu quạnh, bị cắt bỏ gần hết các nghi lễ hoàng cung. Trên mộ Ô Lạt Na Lạp thị không có bài vị, không được cúng tế, không có cả thụy hiệu, chỉ được an táng như một cung nữ kế bên mộ của Thuần Huệ Hoàng quý phi. Toàn bộ tang sự chỉ dùng bạc 207 hai 9 phân 4 li, còn không bằng một quan viên cấp thấp trong triều đình. Nói cách khác, đây hoàn toàn là một đám tang vô danh và keo kiệt đến khó tin của vị Hoàng đế nổi danh xa xỉ của triều đại nhà Thanh.
Cái chết của bà cũng không được cáo phát trước triều đình, nên hầu như rất ít người biết. Về sau người ta biết đến và bắt đầu hồ nghi về nguyên nhân bà chết thì Càn Long Đế mới ra chỉ dụ giải thích qua loa, nội dung chủ yếu khiển trách Hoàng hậu thiếu thất đức, có hành động sai trái, cử chỉ điên loạn, không thể giữ Hiếu đạo với Thái hậu nên mới bị biệt giam hối lỗi.
Kế Hoàng hậu đường đường từ bậc mẫu nghi thiên hạ, đứng đầu chốn hậu cung ba nghìn giai lệ, để rồi phải lặng lẽ ra đi bằng một đám tang vô danh thấp kém. Nhưng nếu nghĩ kĩ hơn, phải chăng sự quay lưng đầy ghẻ lạnh của vị Hoàng đế từng yêu chiều mình hết mực và những năm tháng cuối đời cô đơn gặm nhấm nỗi ấm ức, buồn tủi mới là điều khiến người ta xót xa hơn cả cho vị Hoàng hậu đáng thương nhất lịch sử Thanh triều.