"Hòn bi" đau có phải bị ung thư tinh hoàn?

Theo NLĐ,
Chia sẻ

Hai bìu chứa hai “quả trứng” có hiện tượng “thốn” hơi nhói nhưng không đau. Lúc bị lúc không.

Hiện nay ở vùng dưới của tôi thường thấy dấu hiệu “tưng tức” khó chịu. Hai bìu chứa hai “quả trứng” có hiện tượng “thốn” hơi nhói nhưng không đau. Lúc bị lúc không. Các dấu hiệu đó có phải là bị ung thư hay không?

Trả lời:
 
Để có thể phát hiện ung thư tinh hoàn, cách tốt nhất là biết tự phát hiện. Tinh hoàn bình thường của người trưởng thành chỉ to bằng ngón tay cái của người đó, không đau, mặt nhẵn. Sau khi tắm nước nóng, sờ nắn nhẹ nhàng, tinh hoàn nếu thấy đau, có u nhỏ hay không nhẵn thì nên đi khám để được thầy thuốc xác định.
 
Ung thư tinh hoàn phát triển từ những tế bào của tinh hoàn, là bệnh lý của nam giới trẻ, ở độ tuổi từ 15-30. Những điều kiện thuận lợi để ung thư tinh hoàn phát triển là: gia đình có tiền sử ung thư, tinh hoàn không xuống bìu trong tuổi thiếu niên, tinh hoàn đã bị chấn thương, viêm tinh hoàn do quai bị sau tuổi dậy thì, người mẹ đã được điều trị bằng hormon trước khi sinh.


Giai đoạn đầu của ung thư tinh hoàn thường không có dấu hiệu gì đặc biệt, chỉ thấy tinh hoàn to và rắn khi sờ nắn cũng có thể không đau hoặc hơi đau. Đôi khi có thêm cảm giác nằng nặng ở bìu, gai sốt và hơi đau ở vú. Nếu được phát hiện sớm thì đối với thể ung thư tinh hoàn thường gặp nhất là ung thư tuyến tinh (Seminoma) thì tỷ lệ chữa khỏi có thể gần 100%.
 
Cách đề phòng là cần tập thói quen tự kiểm tra tinh hoàn ít nhất mỗi tháng 1 lần, nếu thấy có cục cứng dù có vẻ nhỏ cũng cần được thầy thuốc chuyên khoa về các vấn đề tiết niệu và sinh dục khám.

Mào tinh sưng ít thường không nguy hiểm  nhưng có cục cứng ở tinh hoàn thì không bao giờ vô hại và hầu hết những trường hợp sưng đều cần được làm sinh thiết (lấy một ít mô tinh hoàn để xét nghiệm xem có bị ung thư không).
 
Cách điều trị duy nhất với ung thư tinh hoàn là mổ cắt bỏ tinh hoàn bị bệnh, để lại tinh hoàn lành do đó khả năng tình dục và sinh sản ít khi bị ảnh hưởng nhiều. Liệu pháp tia xạ, hoá liệu pháp và mổ cắt bỏ hạch có thể thực hiện để điều trị bổ sung.

Theo BS. Thu Xuân (Sức Khỏe & Đời Sống)
Chia sẻ