Hi hữu: Một người đàn ông tự nuốt một phần hàm răng giả của mình suốt hai năm mà không biết

Tin, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Gần hai năm sau tai nạn giao thông, người đàn ông luôn trong trạng thái mệt mỏi, khàn tiếng và khó thở nhưng không hề hay biết mình đã nuốt một phần hàm răng giả của chính mình.

Đó là trường hợp của anh L.T.Đ. (39 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM). Theo lời kể của bệnh nhân, vào tháng 10-2015, anh bị một tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến xương hàm bị vỡ, vùng cổ bị chấn thương. Sau khi điều trị tại một BV công ở TP.HCM một thời gian, anh Đ. được cho xuất viện.

Tuy nhiên kể từ đó, người đàn ông bắt đầu bị khàn tiếng, mỗi khi gắng sức, anh thường xuyên bị mệt mỏi và khó thở.

Hi hữu: Một người đàn ông tự nuốt một phần hàm răng giả của mình suốt hai năm mà không biết - Ảnh 1.

Bệnh nhân Đ.

Đến khoảng 1 tháng nay, vần đề khó thở của bệnh nhân ngày một trầm trọng hơn, nhất là khi nằm, khi làm việc nặng. Thậm chí nhiều đêm, bệnh nhân phải ngồi dậy để có thể thở được. Trước tình trạng trên, người nhà đã đưa anh đến BV Tai Mũi Họng TP.HCM điều trị.

Tại đây sau khi thăm khám, chụp CT-scan, các BS phát hiện có một dị vật cản ở vùng hạ thanh môn – khí quản của bệnh nhân. Tiếp tục khai thác bệnh sử thì được anh Đ. cho biết, sau khi bị tai nạn gần 2 năm trước, răng giả của anh bị mất nhưng nghĩ do vỡ xương hàm nên văng ra ngoài. Dựa vào lời kể này, ekip điều trị nghi dị vật là phần răng giả do chính bệnh nhân nuốt vào.

Hi hữu: Một người đàn ông tự nuốt một phần hàm răng giả của mình suốt hai năm mà không biết - Ảnh 2.

Ảnh nội soi cho thấy phần răng giả nằm trong đường thở bệnh nhân.

  
Hi hữu: Một người đàn ông tự nuốt một phần hàm răng giả của mình suốt hai năm mà không biết - Ảnh 3.

Phần răng giả sau khi được gắp ra.

Để xử lý tình trạng của anh Đ., các BS đã tiến hành mổ nội soi thanh – khí quản để gắp dị vật ra khỏi đường thở của bệnh nhân. Kết quả sau 20 phút nội soi, dị vật lấy ra là một bản nhựa hình tam giác cong 2x4 cm, một phần của hàm răng giả mà bệnh nhân nuốt vào. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, không còn cảm giác khó thở như trước.

BS Nguyễn Quang Tú, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, phần hàm răng giả cắm ngay thanh môn (bộ phận hẹp nhất trong đường thở) của bệnh nhân. Sở dĩ dị vật tồn tại trong cơ thể lâu đến vậy nhưng bệnh nhân vẫn chịu được là bởi nó nằm cố định một chỗ và vẫn chừa một khe hở nhỏ ở thanh môn. Tuy nhiên theo thời gian, dị vật đã kích thích hình thành các mô hạt viêm làm đường thở ngày càng hẹp lại, đến một lúc nào đó gây ngạt thở.

Hi hữu: Một người đàn ông tự nuốt một phần hàm răng giả của mình suốt hai năm mà không biết - Ảnh 4.

Thanh môn là phần hẹp nhất trong đường thở.

Theo BS Võ Quang Phúc, Phó GĐ BV Tai Mũi Họng TP.HCM, những trường hợp hóc dị vật vô đường thở, cụ thể ở đây là răng giả rất hiếm gặp. Trước đây, bệnh viện đã từng tiếp nhận một cụ ông bị hóc hạt trái cây đến 43 năm nhưng vẫn cứu chữa thành công.

Hi hữu: Một người đàn ông tự nuốt một phần hàm răng giả của mình suốt hai năm mà không biết - Ảnh 5.

BS Võ Quang Phúc khuyên người xài răng giả nên cẩn trọng.

"Yếu tố quyết định thành công của ca phẫu thuật đến từ việc xử lý gây mê phù hợp, theo dõi sát sao sinh niệu, mạch để không làm rách đường thở trong lúc lấy dị vật, có thể dẫn đến biến chứng chảy máu, tràn thở" – BS Phúc nói.

BS Phúc cũng khuyến cáo người dân, nhất là những người lớn tuổi có sử dụng răng giả phải hết sức cẩn trọng khi cười nói hay ăn những thức ăn dễ dính (như bánh ít, bánh tét…), bởi theo thời gian, càng cao tuổi thì nướu sẽ teo lại và lỏng lẻo, dễ dẫn đến tai nạn nuốt phải răng giả.

Chia sẻ