Hàng loạt dân văn phòng bị virus cúm ‘tấn công’ do thói quen của nhiều người Việt
Cúm có khả năng lây lan cực mạnh nhưng nhiều người Việt vẫn rất “hồn nhiên” khiến bệnh lây lan khắp công sở.
Công sở vắng hoe vì cúm
Thời điểm giao mùa tại miền Bắc là điều kiện thuận lợi để các chủng virus cúm mùa bùng phát mạnh mẽ không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn.
2 tuần trở lại đây, một công ty truyền thông lớn tại quận Đống Đa (Hà Nội) thường xuyên trong cảnh vắng hoe do nhân viên mắc bệnh cúm quá nhiều, xin nghỉ hàng loạt.
Đang mang bầu 6 tháng, chị Hoàng Lan chia sẻ, cả tuần nay chị cũng xin nghỉ, làm việc tại nhà do lây cúm từ đồng nghiệp với các triệu chứng sốt nhẹ 37,5-38 độ C, viêm họng kèm ho. Cả ban chị có hơn 10 người nhưng đến quá nửa mắc cúm, các phòng ban khác cũng trong tình trạng tương tự. Cá biệt có ngày, cả phòng chỉ còn 2-3 người đến cơ quan.
Một văn phòng tại Hà Nội xin nghỉ làm quá nửa vì cúm
“Một số trường hợp nếu bắt buộc phải đến cơ quan phải đeo khẩu trang khi làm việc để không phát tán bệnh cho mọi người”, chị Lan kể.
Không chỉ riêng các văn phòng, “ổ cúm” cũng xuất hiện tại nhiều gia đình. Chị Thanh Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, 1 tháng nay, cả nhà chị bị cảm cúm “liểng xiểng”. Ban đầu chỉ có cậu con trai út đang học lớp 2 cúm qua loa, 4 ngày là khỏi, sau đến cậu con lớn 10 tuổi, kế đó là 2 vợ chồng.
Riêng chị bị cúm đi cúm đi cúm lại kèm viêm họng, sốt nhẹ cả tháng nay, đã thay đổi thuốc đến 3 lần vẫn không khỏi. Các triệu chứng ho có đờm, ngạt mũi, đau họng kéo dài khiến chị luôn trong tình trạng mệt mỏi, rã rời. Hễ cứ lên cơ quan ngồi điều hoà, tối về tình trạng ho, ngạt mũi của chị lại nặng lên. Để “dưỡng bệnh”, chị đã xin nghỉ phép 1 tuần ở nhà nhưng khi đi làm trở lại, bệnh lại tái phát, thỉnh thoảng ớn lạnh.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước đã có trên 200.000 trường hợp mắc các chủng cúm mùa (cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B) đến điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó miền Bắc có số mắc nhiều nhất, trên 130.000 ca.
Theo ước tính, mỗi năm có hơn 1 triệu người Việt mắc các bệnh cúm mùa thông thường, trong đó, cúm A/H1N1 phổ biến nhất, chiếm khoảng 20-50%.
Cúm thường cũng tử vong
Vào mùa lạnh, virus sống lâu hơn trong môi trường, do đó khả năng lây lan cúm cao hơn. Các triệu chứng hay gặp ở cúm mùa là sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, nhức đầu, ho... Hầu hết các trường hợp cúm mùa sẽ tự khỏi sau 2- 7 ngày.
Tuy nhiên, nếu việc chăm sóc sức khỏe kém trong giai đoạn cảm cúm thường dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp rất thường gặp ở người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính, và người làm việc cường độ cao...
Với trẻ nhỏ, cúm mùa có thể gây sốt cao 39-40 độ, uống hạ sốt không đỡ, viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng chảy nước mũi, ho, đau rát họng... Giai đoạn cao điểm, BV Nhi TƯ tiếp nhận đến 150 bệnh nhi cúm mùa/tuần, trong đó có hơn 50 ca phải nhập viện, hầu hết đều đến viện trễ khi đã bị biến chứng viêm phổi, viêm phế quản… do cha mẹ không biết cách phòng tránh, chăm sóc.
Trong các trường hợp trẻ mắc cúm, sốt, BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ khuyến cáo, có thể dùng paracetamol hạ sốt tại nhà, kết hợp vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Nếu trẻ không có bội nhiễm, tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh.
Với người lớn, cúm mùa không quá đáng ngại, không nguy hiểm như cúm A/H5N1 hay H7N9 tuy nhiên vẫn có từ 1-4% ca mắc cúm A/H1N1 tử vong, chủ yếu là các trường hợp có nền bệnh mãn tính dễ bị bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy hấp, suy đa tạng dẫn tới tử vong.
Trên thế giới ghi nhận 250.000-500.000 trường hợp tử vong do cúm mỗi năm. Chỉ tính riêng các tỉnh phía Nam, từ đầu năm đến nay cũng đã có 4 trường hợp tử vong vì cúm mùa.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, dễ dàng lây từ người sang người qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh hắt hơi, ho khạc.
Cúm mùa dễ dàng lây qua tiếp xúc trực tiếp hay các vật dụng dùng chung
Người bệnh cũng có thể nhiễm virus cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm cúm.
Những người mắc cúm có thể lây lan bệnh 1 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài tới 7 ngày sau khi khởi bệnh.
Tuy nhiên PGS Phu cho rằng người Việt vẫn chưa có ý thức phòng cúm. Khi bị bệnh vẫn đi học, đi làm, ngồi chung mâm cơm, lười rửa tay xà phòng.
Khi bị ho, hắt xì, nhiều người để “xả” tự nhiên, có người dùng tay che miệng nhưng sau chỉ dùng giấy lau mà không rửa xà phòng. Sau đó tay bẩn lại chạm vào các đồ dùng, khi người khác tiếp xúc phải, đưa lên mũi miệng là có thể lây bệnh. Đó là nguyên nhân lý giải vì sao trong gia đình có 1 người bị cúm rồi lần lượt các thành viên khác cũng mắc cúm theo.
PGS Phu khuyến cáo, khi mắc cúm, cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; ăn uống đủ chất để phòng nhiễm cúm.
Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắc xin cúm mùa để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.