Hãi hùng bác sĩ lấy ra túi mật ken chặt gần 400 viên sỏi: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh sỏi mật

T. L,
Chia sẻ

Các bác sĩ cho biết, trong túi mật của bệnh nhân nữ này ken chặt gần 400 viên sỏi. Bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi mật.

Ngày 27/12, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E đã phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi mật cho một bệnh nhân nữ, 60 tuổi, ở TP Thái Nguyên.

Các bác sĩ cho biết, trong túi mật của bệnh nhân nữ này ken chặt gần 400 viên sỏi. Bệnh nhân đã phát hiện bị sỏi túi mật từ năm 2014. Nhưng do bệnh tình không có các triệu chứng gây đau nên bệnh nhân chỉ tiến hành điều trị nội khoa tại bệnh viện tuyến tỉnh. Tuy nhiên, bệnh vẫn âm thầm tiến triển, trở thành viêm túi mật mãn và tính tái đi tái lại nhiều lần.

Hãi hùng bác sĩ lấy ra túi mật ken chặt gần 400 viên sỏi: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh sỏi mật - Ảnh 1.

Các bác sĩ cho biết, trong túi mật của bệnh nhân nữ này ken chặt gần 400 viên sỏi.

Thời gian gần đây, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau tức vùng hạ sườn. Mức độ cơn đau tức ngày càng tăng nên bệnh nhân đã đi khám và được chẩn đoán là viêm túi mật mãn tính do có sỏi. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện E và được tiến hành làm các xét nghiệm, siêu âm cần thiết. Kết quả cho thấy, túi mật của bệnh nhân có nhiều sỏi lấp đầy, thành mật dày do viêm mãn tính, không có dịch mật. Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi mật cho bệnh nhân.

PGS.TS Đỗ Trường Sơn – trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E, cho biết, trong túi mật của bệnh nhân, số lượng sỏi chứa trong túi mật khoảng 400 viên, trong đó viên có đường kính lớn nhất là 1cm (như viên bi), đường kính nhỏ nhất là 0,3cm; màu sắc của viên sỏi màu vàng sẫm, nâu đen...

Việc các bác sĩ lấy ra khoảng 400 viên sỏi trong túi mật bệnh nhân không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, số lượng sỏi nhiều như vậy, một phần là do bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, phần khác là do tình trạng rối loạn chuyển hóa của tuổi tác ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol của dịch mật trong túi mật và dễ hình thành nên sỏi.

Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân này đã trở lại ổn định, ăn uống được, không đau và có thể được xuất viện trong vài ngày tới.

Theo các bác sĩ Bệnh viện E phân tích, sỏi mật được hình thành chủ yếu từ sự kết tụ của cholesterol, do mất cân bằng của các thành phần có trong dịch mật như cholesterol, billirubin, muối canxi... Khi lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật hay khi lượng muối mật giảm đi sẽ dẫn tới hình thành sỏi cholesterol.

Ngoài ra, sỏi sắc tố mật còn có thể hình thành do sự kết tụ của bilirubin trong một số bệnh như thiếu máu hồng cầu liềm, xơ gan…

Hãi hùng bác sĩ lấy ra túi mật ken chặt gần 400 viên sỏi: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh sỏi mật - Ảnh 2.

Trong nhóm đối tượng dễ mắc sỏi mật thì phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn nam giới. Người ít vận động, ngồi nhiều, thừa cân hoặc béo phì, đái tháo đường và trên 60 tuổi. Người có chế độ ăn uống quá nhiều cholesterol hoặc chế độ ăn uống quá kiêng khem. Trong gia đình, cộng đồng do có cùng môi trường và tập quán ăn uống nên có người mắc sỏi túi mật, bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn…

Vì thế, để phòng tránh căn bệnh này, PGS Sơn khuyến cáo, mọi người nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị sớm. Nếu bệnh nhân không chữa trị bệnh này, túi mật của bệnh nhân có thể bị viêm, tắc mật, vàng da. Thậm chí, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng hoại tử túi mật, dịch tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm.

Cách phòng bệnh tốt nhất mà bất kì ai cũng có thể làm được là có chế độ ăn uống cân đối dinh dưỡng, nhiều rau xanh, hạn chế bia rượu, đồ uống có gas, tập thể dục thường xuyên…

Các loại sỏi mật

Có hai loại sỏi mật chính là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật.

- Sỏi cholesterol: Những viên sỏi màu vàng-xanh, bao gồm ít nhất 60% là cholesterol và thường xảy ra với người dân Mỹ và Tây Âu.

- Sỏi sắc tố: Những viên sỏi màu nâu hoặc đen do có nồng độ sắc tố mật cao và chiếm tỷ lệ trên 90% bệnh sỏi mật ở người châu Á.

Triệu chứng nhận biết bệnh sỏi mật

- Cơn đau quặn bụng: Có cảm giác đau đột ngột tại vùng dưới sườn phải và lan lên trên vai hoặc bả vai phải khiến người bệnh không dám thở hoặc hoạt động mạnh. Những cơn đau có thể xảy ra sau khi người bệnh tiêu thụ một bữa ăn chứa nhiều dầu, mỡ và có thể tái phát nhiều lần.

- Sốt: Là do nhiễm khuẩn đường mật gây ra, có thể sốt cao, rét run nhưng cũng có khi sốt nhẹ, sốt thường đi kèm với đau, có khi sốt kéo dài.

- Vàng da: Mức độ vàng da ở mỗi cá nhân người bệnh là hoàn toàn khác nhau phụ thuộc vào mức độ tắc mật, vàng da có thể xuất hiện từ vàng nhẹ đến vàng đậm. Đi kèm với tình trạng vàng da là hiện tượng đi ngoài phân lẫn máu hoặc ngứa da.

- Triệu chứng liên quan đến rối loạn tiêu hóa: Một số bệnh nhân bị sỏi mật có những triệu chứng như không thích ăn mỡ, hay ợ chua, ợ hơi hoặc đầy bụng.

Biến chứng của bệnh sỏi mật

Bệnh sỏi mật có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt gây viêm túi mật hoại tử dẫn đến tử vong, gây chảy máu đường mật. Nguy hiểm nữa là những biến chứng gây tắc mật ở đường mật chủ gây nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiều trường hợp phải mổ cấp cứu.

Chia sẻ