Hà Nội sẽ thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp

Trường Phong,
Chia sẻ

Thành phố Hà Nội yêu cầu đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự, ùn tắc giao thông và chống ùn tắc giao thông, giai đoạn 2022- 2025.

Theo đó, kế hoạch đề ra hàng loạt giải pháp, như: Yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.

Thành phố cho biết sẽ huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai (tập trung nguồn lực hoàn thiện tuyến đường vành đai 3,5 và vành đai 4); các trục hướng tâm, các trục chính đô thị, các tuyến đường có tính liên kết vùng…

Hà Nội cũng yêu cầu đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận các đầu mối giao thông công cộng…) theo quy hoạch; tăng cường công tác giám sát đầu tư; chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.

Về hạ tầng giao thông, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống đường trên địa bàn thành phố có tổng số chiều dài là 23.591km, trong đó có 105 tuyến cao tốc, quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 1.185km; 1.002 tuyến chính ra vào thành phố, 235 tuyến đường trong các khu đô thị.

Hiện tổng số phương tiện do Công an thành phố Hà Nội đang quản lý (tính đến 14/5/2022) gồm 7,67 triệu phương tiện (trong đó có hơn 1 triệu ô tô, 6,4 triệu mô tô và hơn 179 nghìn xe máy điện; riêng số lượng xe đạp không được Sở này thống kê).

Hà Nội đặt ra mục tiêu từ 2022 đến 2025, hàng năm giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương; không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đến năm 2030, giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.

Từ tháng 3/2022, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị Hà Nội với nhận định xe đạp công cộng sẽ đem đến cho người dân một "phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện", tăng khả năng kết nối vận tải hành khách công cộng.

Về kế hoạch phân làn cho các loại phương tiện, mới đây, Sở GTVT đã thí điểm áp dụng dùng dải phân cách cứng phân làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Theo lý giải, đường Nguyễn Trãi có mật độ ô tô, xe máy đông đúc, nhiều đường giao cắt dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Để giải quyết vấn đề này, Sở đã báo cáo thành phố cho thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng tách riêng là ô tô, xe máy.

Chia sẻ