Hà Nội làm gì để thúc tiến độ di dời, cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?
Công tác di dời các hộ dân ra khỏi khu vực 6 nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D trên địa bàn 2 quận Đống Đa và Ba Đình và nhiều hạng mục còn khá chậm, lúng túng.
Nhiều năm sống chật chội trong căn hộ nhỏ chưa đầy 30m2 ở chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, gia đình ông Lê Văn Minh, quận Đống Đa (Ha Nội) đồng tình với chủ trương xây dựng, cải tạo của thành phố và sẵn sàng di dời để xây mới.
Tuy nhiên, điều mà ông và cư dân nơi đây lo ngại nhất là thời gian xây dựng thường kéo dài, gây phiền hà và đảo lộn cuộc sống.
"Chủ trương của thành phố về cải tạo chung cư cũ là rất đúng, nhưng vấn đề bà con quan tâm nhất là nhà đầu tư và phải đối thoại với nhân dân. Bởi có nhiều khu xây dựng dở dang người dân 'đi không ổn mà ở cũng không xong'. Làm sao phải chọn được nhà đầu tư có năng lực, xây dựng đúng thời gian, chất lượng công trình đảm bảo tốt", ông Minh nói.
Giải đáp vấn đề này, ông Hà Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa, cho rằng, chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng là một trong 6 chung cư cũ nguy hiểm cấp D của Hà Nội.
Từ giữa năm 2017 tại hội nghị nhà chung cư lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cải tạo xây dựng lại nhà chung cư toàn bộ 43 chủ sử dụng đã đồng ý lựa chọn Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bách Khoa là doanh nghiệp triển khai, nghiên cứu thực hiện dự án cải tạo này.
Hiện nay, 18/19 hộ dân thuộc đơn nguyên 1 (nguy hiểm cấp D) đã di dời về tạm cư tại Khu đô thị Đại Kim, còn 1 hộ dân dự kiến sẽ di dời trong tháng 11 này; đối với 24 hộ dân thuộc đơn nguyên 2 (cấp C) sau khi thống nhất phương án bồi thường tái định cư, tạm cư sẽ di chuyển đến nơi tạm cư.
Thành phố Hà Nội và Sở Quy hoạch kiến trúc cũng đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc của dự án này.
Ông Hà Anh Tuấn cho biết: "Từ nay đến cuối năm quận Đống Đa sẽ phối hợp các sở ngành và công ty quản lý nhà của thành phố hoàn thành công tác rà soát nhà và đất tại 51 Huỳnh Thúc Kháng và hoàn thành phương án bồi thường tái định cư và tạm cư để công khai với các hộ dân, làm cơ sở thực hiện những bước tiếp theo. Sau khi di dời các hộ dân khỏi nhà cũ sẽ thực hiện quy trình lựa chọn đơn vị thực hiện dự án và tổ chức thực hiện dự án".
Theo ghi nhận của phóng viên, tại số nhà 148-150 phố Sơn Tây, quận Ba Đình, bề ngoài đã được cơi nới, sửa sang như chưa từng xảy ra sự cố sập mái 13 năm trước. Nhờ sự trợ giúp của người dân, phóng viên mới lần tìm được lối vào căn nhà này, cảnh tượng mục nát, hoang tàn và bốc mùi xú uế.
Chia sẻ với phóng viên, một số hộ dân liền kề cho biết, hầu hết các hộ dân nơi đây đã đi tạm cư, chỉ còn một hộ gia đình ở tầng 2 đang thao túng và cho thuê tầng 2 làm xưởng sản xuất, toàn bộ rác được họ "thả tự do" xuống tầng 1 gây ô nhiễm môi trường.
"Bây giờ thành đống rác, nhà hoang, tất cả đi hết, bây giờ nó chiếm hết làm xưởng và sử dụng các căn hộ trên đấy cho thuê nhà ở, đi lên trên gác rắn rết đủ các thứ phát hoảng, ô nhiếm môi trường lắm".
"Bẩn lắm em ạ, bây giờ đang dịch bệnh mà ô nhiễm, muỗi các loại thế này thì chết dân, kiến nghị làm thế nào cho nhanh".
Còn tại đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công, mặc dù chính quyền sở tại đã treo bảng thông báo về tình trạng nguy hiểm của căn nhà ngay lối lên xuống cầu thang, nhưng nhiều hộ dân vẫn "cố thủ" bán trụ.
Khi phóng viên bày tỏ được lắng nghe nguyện vọng của bà con, họ tỏ ra rất thận trọng và quyết không tiếp khách. Một hộ dân tại tầng 4 chia sẻ: "Chính quyền muốn sửa, cải tạo thì phải bàn với dân và được đồng ý. Sửa xong phải làm hợp đồng để dân được quay về chứ không phải sửa xong hất người ta đi luôn và để tự người dân tìm nhà thầu để xây dựng".
Ông Lê Trí Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, cho biết, số nhà 148 - 150 phố Sơn Tây và nhà G6A Thành Công là 2 trong số 5 chung cư cũ nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận, nguyện vọng được gặp gỡ nhà đầu tư của người dân hiện chưa thể thực hiện.
Bởi theo Nghị định 69/2021 để kêu gọi được nhà đầu tư, trước tiên phải có quy hoạch 1/500 và được phê duyệt quy hoạch, đồ án quy hoạch.
Hiện nay, UBND quận Ba Đình đã giao cho Ban thực hiện các bước đo đạc, xin chỉ giới đường đỏ, lập tổng mặt bằng, lập đồ án quy hoạch trình thành phố phê duyệt, làm cơ sở để kêu gọi nhà đầu tư.
"Đến nay, Ban Quản ly dự án đã đo đạc xong khu chung cư cũ Ngọc Khánh, đang xin chỉ giới đường đỏ; còn trên địa bàn phường Thành Công, Giảng Võ đang tiến hành đo đạc và trong tháng 11 sẽ đo đạc xong và cũng xin chỉ giới đường đỏ tại Viện Quy hoạch kiến trúc. Sau khi có được chỉ giới đường đỏ Ban Quản ly dự án chúng tôi sẽ lập tổng mặt bằng và lập đồ án quy hoạch theo quy định, làm cơ sở cho các nhà đầu tư vào thỏa thuận với người dân", ông Dũng nói.
Ông Lê Trí Dũng cũng cho biết, hiện nay đơn nguyên 1,3 tập thể Bộ Tư pháp và đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh đã hoàn thành công tác di dời; nhà 148 - 150 Sơn Tây cũng đã di dời được 16/19 hộ; đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công có 26 hộ đã di dời, 23 hộ còn lại sẽ di dời trong quý 4 năm nay. Đơn nguyên 3, tập thể C8 Giảng Võ cũng đã di dời được 21 hộ, 15 hộ dân đã có đơn bàn giao căn hộ cũ, nhận tiền và tự lo nơi tạm cư và hiện chỉ còn 1 hộ dân chưa đồng thuận.
Quận Ba Đình đang điều chỉnh phương án, bổ sung số tiền chi trả cho các hộ tự lo nơi tạm cư. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân di dời và xây dựng kế hoạch cưỡng chế nếu các hộ cố tình chống đối.
Ông Phạm Công Nhân, Chi cục trưởng Chi cục Giám định chất lượng xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, theo Đề án cải tạo chung cư cũ và các kế hoạch của thành phố tất cả các công trình cấp D phải hoàn thành việc di dời dân trong quý I năm nay, thế nhưng đến nay vẫn còn một số công trình chưa hoàn thành.
"Theo kế hoạch 334 và kế hoạch cải tạo chung cư cũ đã ghi rất rõ, tất cả các công trình cấp D phải di dời dân ngay. Theo kế hoạch đến giờ này phải di dời xong người dân và giải phóng xong mặt bằng rồi. Mặc dù UBND các quận/huyện đã vào cuộc, thế nhưng vẫn cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn, được sự ủng hộ của người dân", ông Dũng cho hay.
Câu chuyện cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội không phải là chuyện mới, thế nhưng nó vẫn luôn là chủ đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Hơn 1 năm trở lại đây chính quyền Hà Nội đã rốt ráo khởi động lại việc cải tạo chung cư cũ, với những quyết sách kịp thời.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, quyết tâm và hành động của chính quyền thôi chưa đủ mà cần sự đồng lòng của mỗi cư dân Thủ đô.
Tháng 9/2021 Nghị định số 69 sửa đổi Nghị định 101 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được ban hành, giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ, như: hệ số đền bù, tái định cư, tạm cư…
Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án "Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội", đến cuối tháng 12/2021 UBND TP đã chính thức ban hành Đề án này.
Ngay đầu năm 2022 kế hoạch về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đợt 1 đã được ban hành. Trong đó, giao cho chính quyền cấp quận hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D, thời gian phá dỡ dự kiến từ quý III/2023.
Các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên tiếp được ban hành, nhưng lâu nay cái khó nhất vẫn là nguồn vốn, thì lần này "nút thắt" về vốn đã được khơi thông. Bởi, HĐND TP đã thống nhất bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 500 tỉ đồng giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ.
Trong đó, từ tháng 10 năm nay, tạm cấp gần 128 tỷ đồng từ ngân sách để các quận, huyện kiểm định chung cư cũ. Điều này cho thấy quyết tâm "nói đi đôi với làm" của chính quyền "mới" với những vấn đề "cũ" đã được khởi động.
Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền và nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác cải tạo chung cư cũ là rất quan trọng. Bởi thực tế cho thấy không ai nắm chắc địa bàn, đặc điểm và nguyện vọng của dân cư bằng chính quyền địa phương.
Đồng thời, cần có tiêu chí để lựa chọn được các chủ đầu tư có uy tín, đủ năng lực, kinh nghiệm và thực hiện đúng cam kết về thời gian xây dựng, tránh để người dân đi tạm cư không biết ngày về.
Mới đây Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 70 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia cải tạo chung cư trên địa bàn Hà Nội. Đây là tín hiệu tích cực đánh dấu sự trở lại sau nhiều năm "ngán ngẩm" bởi những ràng buộc, hạn chế về chiều cao, mật độ dân cư và đòi hỏi mức bồi thường "trên trời" của một bộ phận cư dân.
Dẫu rằng, việc cải tạo khu chung cư cũ phải tuân thủ quy hoạch của thành phố, thế nhưng để khích lệ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, Hà Nội cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn này bằng các chính sách bù đắp tương xứng cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Và vấn đề mấu chốt, quyết định sự thành bại của đề án cải tạo chung cư cũ là cần sự đồng thuận của mỗi người dân. Muốn vậy, các thông tin về dự án cần được công khai, minh bạch, người dân được đền bù thỏa đáng hoặc hưởng quyền lợi chính đáng sau khi xây dựng lại.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị.