Giữa 'ma trận' quy đổi điểm, thí sinh bối rối đặt nguyện vọng, chuyên gia khuyên gì?

Hà Linh,
Chia sẻ

Điểm chuẩn khó đoán, mỗi trường có một cách quy đổi điểm khác nhau khiến việc đặt nguyện vọng làm không ít thí sinh bối rối và “đau tim”. Các em càng phải cân đo giữa mơ ước và thực tế điểm thi để chọn ngành, chọn trường.

Lê Minh Chi, học sinh vừa tốt nghiệp THPT của Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, kết thúc kỳ thi Tốt nghiệp THPT, em đạt kết quả 26,5 điểm cho 3 bài thi tổ hợp A00. Ban đầu, em phấn khởi vì đó cũng là số điểm em đặt mục tiêu và đã đạt được.

Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT công bố bảng bách phân vị, quy đổi điểm giữa các tổ hợp khá mới mẻ. Lần đầu tiên, 27 điểm tổ hợp A00 lại quy đổi bằng 25,5 điểm tổ hợp D01. Chưa kể, mỗi trường có một bảng quy đổi điểm giữa các hình thức xét tuyển khiến thí sinh cảm thấy bối rối và lo lắng.

Minh Chi chia sẻ, em đã hoàn tất việc "rải" 19 nguyện vọng vào khối ngành Kinh tế, logistics của các trường đại học. “Với phương thức quy đổi điểm như năm nay, em đã hạ thấp mục tiêu so với dự định để đảm bảo an toàn, không dám “đánh cược” đặt nguyện vọng 1 ở trường top đầu như trước”, Chi nói.

Giữa 'ma trận' quy đổi điểm, thí sinh bối rối đặt nguyện vọng, chuyên gia khuyên gì? - Ảnh 1.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp năm 2025. (ảnh: Như Ý)

Cũng theo nữ sinh, học sinh lớp 12 vừa qua phải trải qua nhiều cái mới, từ chương trình học, phương án thi, cấu trúc đề thi đến xét tuyển đại học. Việc đặt nguyện vọng làm sao để trúng tuyển ngành nghề, ngôi trường mơ ước và thực tế điểm thi càng trở nên áp lực.

Băn khoăn, cân đối rất nhiều giữa chọn ngành và chọn trường, em đã ưu tiên chọn ngành và giảm mục tiêu để hi vọng trúng tuyển, vào được ngành mình thích ở Trường Đại học Thương mại ngay gần nhà.

Thiệt thòi vì thi "chay"

Một học sinh Trường THPT Ninh Giang (Hải Phòng) chia sẻ, năm nay em đăng ký tổ hợp D01 “chay” với 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh đạt 22,5 điểm để đặt các nguyện vọng xét tuyển đại học mà không có bất kỳ chứng chỉ ngoại ngữ , không tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy nên cảm thấy vô cùng thiệt thòi. Mỗi trường đại học quy đổi điểm theo một cách khác nhau.

Theo nam sinh, mỗi trường đại học quy đổi điểm theo một cách khác nhau, thí sinh như rơi vào "ma trận". Điều khó hiểu với em là một trường kinh tế lại đưa Địa lý, Lịch sử vào làm tiêu chí phụ.

Ví dụ, Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) lại điều chỉnh, tổng điểm 2 môn bất kỳ trong tổ hợp (trừ tiếng Anh) theo phương thức Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập bậc THPT, lại có Ngữ văn + Lịch sử/hoặc Ngữ văn + Địa lý) đạt từ 15 điểm trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Điểm chuẩn khó dự đoán, nam sinh cho biết đã đặt 15 nguyện vọng nhưng vẫn chưa thấy an toàn. Em vẫn sẽ tiếp tục theo dõi sát các trường và dự đoán của chuyên gia để có thể thay đổi tiếp.

Theo nam sinh, “hầu hết các trường xét chứng chỉ ngoại ngữ là thiệt thòi, bất lợi cho học sinh vùng nông thôn, vùng khó khăn, gia đình không có điều kiện. Em nghĩ, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ nên là yếu tố được cộng điểm thay vì được quy đổi điểm như hiện nay. Nếu không điều chỉnh, trong thời gian tới, dù muốn hay không, học sinh sẽ phải đua nhau đi học chứng chỉ. Thực tế, để có chứng chỉ ngoại ngữ, học sinh phải đi học thêm, luyện thi với số tiền không nhỏ”.

Theo các chuyên gia, điểm chuẩn năm nay khó có thể dự đoán cho nên lời khuyên là học sinh cần căn cứ điểm thi tốt nghiệp, kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để “rải” nguyện vọng, trong đó tăng số lượng nguyện vọng sẽ tăng khả năng trúng tuyển. Lưu ý, mọi nguyện vọng đều bắt buộc đăng ký trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong khoảng thời gian từ 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy bộ môn Hoá học tại Hà Nội cho rằng, năm 2025 điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học rất khó dự đoán bởi vì có rất nhiều yếu tố chi phối. Thầy dự đoán, điểm chuẩn có thể sẽ thiết lập mặt bằng mới.

Dẫu vậy, thầy Ngọc cho rằng, Bộ GD&ĐT không giới hạn số lượng nguyện vọng nên các em cần có chiến thuật sắp xếp các nguyện vọng hợp lý theo nhóm ngành, trường yêu thích nhưng điểm đầu vào các năm trước cao hơn điểm thi của mình; nhóm nguyện vọng ngành, trường yêu thích và có điểm chuẩn năm trước bằng điểm thi của mình; nhóm nguyện vọng những ngành, trường yêu thích và có điểm trúng tuyển năm trước thấp hơn điểm thi của mình.

Trong bối cảnh tuyển sinh có nhiều biến động, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, thí sinh phải chủ động nắm bắt thông tin, tìm hiểu thật kỹ phương án tuyển sinh, cách quy đổi điểm của các trường.

Rất nhiều thí sinh đang hoang mang vì bảng phân vị, tìm cách xác định thứ hạng để điều chỉnh nguyện vọng. Nhưng điều đó không cần thiết. Cần tập trung vào ngưỡng điểm sàn – đó mới là căn cứ thật sự cho quyết định đăng ký.

Đặc biệt, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, đại học là bước ngoặt lớn, nhưng chọn sai ngành có thể khiến hành trình học tập và nghề nghiệp bị lệch hướng, mất thời gian và chi phí. Cần chọn ngành học thực sự phù hợp, đam mê và mục tiêu cá nhân.

Theo Bộ GD&ĐT, từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Các nguyện vọng xét tuyển xếp thứ tự từ 1 đến hết và sẽ được xử lý trên hệ thống. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm điều kiện trúng tuyển.
Chia sẻ