Giáo dục kỹ năng sống: Cần bắt đầu từ gia đình

,
Chia sẻ

Trong xã hội ngày càng có nhiều khóa học về “kỹ năng sống” cho tuổi mới lớn, kèm theo đó là công nghệ tiếp thị khôn khéo, tinh vi nhằm kích thích mối quan hệ cung - cầu phát triển.

Đây đang là một động thái mới trong giáo dục, nhất là khi giáo dục được xem là một lĩnh vực dịch vụ (thực chất là thương mại hóa).

Ban đầu, những lớp dạy kỹ năng sống thường do các trung tâm Đoàn, Hội tổ chức. Dần dà có nhiều “công ty” với những tên gọi khác nhau nhập cuộc. Không ít hoạt động này đang dần mất đi tính xã hội để chạy theo lợi nhuận khi mà vài ngày học phải đóng tới hàng triệu đồng.

Các lớp dạy kỹ năng sống chủ yếu dành cho đối tượng học sinh (từ 8 đến 17 tuổi), có lớn mà chưa có khôn, tức là còn rất nhiều khờ dại, vụng về khi đối diện với vô vàn tình huống mang tính “nguy cơ” trong một xã hội ngày càng phức tạp.
 

Ảnh minh họa

Và thế là cha mẹ lo âu, hốt hoảng “tách” con cái ra khỏi môi trường thường nhật, đưa chúng vào một môi trường riêng biệt có tổ chức chặt chẽ, huấn luyện nghiêm khắc, những mong qua những lớp học kỹ năng sống, sau những “học kỳ quân đội” như vậy, chúng sẽ lớn khôn, trưởng thành và vững vàng hơn trước sóng gió cuộc đời... Có lẽ đây là sự ngộ nhận lớn nhất về giáo dục lớp trẻ, bởi giáo dục kỹ năng sống trước hết phải bắt đầu từ trong mỗi gia đình, từ vai trò, trách nhiệm của mỗi người làm cha mẹ, không gì có thể thay thế được.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cho đội viên, đoàn viên, phải được xem như là sự tiếp tục, bổ sung, nâng cao, mở rộng kết quả giáo dục kỹ năng sống cho lớp trẻ từ trong mỗi gia đình. “Dạy con từ thuở còn thơ”, “Học ăn học nói, học gói học mở”; học chịu thương chịu khó, học kính trên nhường dưới, học thưa gửi, học cảm ơn, xin lỗi; học lễ học nghĩa, học làm con làm cháu, học làm anh chị, làm em, học làm người...

Để dạy cho trẻ những bài học đó trước hết và tốt nhất là từ gia đình. Những bài học kinh nghiệm tuy xưa mà chẳng bao giờ cũ, không thể quên lãng, càng không nên xem thường và cho đó là lạc hậu, lỗi thời, để rồi chạy theo “mốt” cho con đi học kỹ năng sống.

Các bậc cha mẹ ngày nay nên tỉnh táo và trung thực nhìn vào chính gia đình mình, xem ở đó trẻ được giáo dục kỹ năng sống như thế nào, khi mà dường như trẻ không được yêu cầu làm việc gì, chỉ tập trung vào ăn và học, mọi việc còn lại cha mẹ làm thay, hoặc cần thì thuê người giúp việc, gọi dịch vụ...?

Sự giao tiếp ứng xử giữa cha mẹ và con cái - trường học giáo dục kỹ năng sống - thì ngày càng thưa vắng hoặc luôn vội vàng, giản lược, chỉ còn là sự trao đổi vắn tắt thông tin mà thiếu hụt sự chia sẻ, cảm thông.

Lại nữa, cùng với việc ép con học chính, học phụ, học giỏi, đỗ cao, đạt nhiều “danh hiệu”, là việc cha mẹ hạn chế, cách ly con cái tiếp xúc với bên ngoài, không được trải nghiệm cuộc sống, nhằm phòng ngừa tiêu cực, tai nạn rủi ro... đó cũng là nguyên nhân khiến trẻ “lơ ngơ như gà công nghiệp” và càng thiếu kỹ năng sống. Rõ ràng đây không chỉ là những lệch lạc về giáo dục kỹ năng, mà trước hết là sự lệch lạc về giáo dục giá trị sống trong mỗi gia đình.

Hệ lụy, nhân - quả là ở đó, vậy thì tại sao lại đi tìm giải pháp từ bên ngoài gia đình? Hãy bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh. Ngày nay, tuy cùng sống trong một mái nhà, đa số là đầy đủ tiện nghi, nhưng giữa cha mẹ và con cái lại đang thiếu đi rất nhiều cái “cùng nhau”, như cùng ăn, cùng chơi, cùng trò chuyện, cùng đảm trách mọi công việc trong nhà để cùng cảm thông, chia sẻ niềm vui và những lo toan.

Trẻ em ngay từ nhỏ, trong phận làm con cũng cần phải được rèn tập thực thi trách nhiệm, cùng cha mẹ vun đắp cuộc sống gia đình. Kỹ năng sống của trẻ được hình thành từ đó, đâu có đợi đến mai sau. Càng không thể trông đợi vào phép màu của các lớp học kỹ năng sống, vào một“học kỳ quân đội”... mà các em chỉ tham gia trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.
 
 
Theo  TGPN
Chia sẻ