Giải mã bí ẩn về Hạc Đỉnh Hồng - bát canh độc Càn Long dùng để ban chết cho Lệnh phi Vệ Yến Uyển
Trong tập cuối của bộ phim "Hậu cung Như Ý truyện", thứ giết chết nhân vật phản diện Lệnh phi Vệ Yến Uyển chính là một bát canh độc, được Càn Long ban cho có cái tên cực kỳ gây tò mò: Hạc Đỉnh Hồng. Vậy thực chất Hạc Đỉnh Hồng là gì?
Trong tập cuối của bộ phim "Hậu cung Như Ý truyện" khiến MXH Việt dậy sóng suốt 2 tháng vừa qua, Lệnh phi Vệ Yến Uyển - nhân vật ác nhất, bị ghét nhất cuối cùng cũng đã phải trả giá bằng một cái chết cực kỳ đau đớn. Và thứ giết chết nhân vật phản diện này chính là một bát canh độc, được Càn Long ban cho có cái tên cực kỳ gây tò mò: Hạc Đỉnh Hồng. Vậy Hạc Đỉnh Hồng thực chất là gì?
Hạc Đỉnh Hồng - chất độc không liên quan gì tới loài chim hạc
"Hậu cung Như Ý truyện" không phải là bộ phim đầu tiên có sự xuất hiện của cái tên Hạc Đỉnh Hồng, mà từ lâu, trong nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp và phim chuyển thể truyền hình, Hạc Đỉnh Hồng đã có tham gia. Tất nhiên, dù xuất hiện trong bất kỳ bộ phim hay truyện tiểu thuyết nào đi chăng nữa, Hạc Đỉnh Hồng chỉ đảm nhận một nhiệm vụ duy nhất là… giết người. Thứ chất độc có cái tên hoa mỹ này được mô tả là cực độc, lỡ uống vào thì "Hoa Đà tái thế" cũng không thể nào cứu được.
Ban đầu, vừa nghe qua, nhiều người lầm tưởng Hạc Đỉnh Hồng là một chất độc có "chiết xuất" từ bộ phận bí ẩn nào đó của loài chim hạc. Sự thật hoàn toàn không phải vậy, chim hạc vốn là loài chim lành tính. Dù cho cả thịt chim, xương chim đều có thể tẩm ướp với thuốc nhưng tuyệt đối không có độc, ngược lại, những bài thuốc ấy còn được cho là đại bổ, tăng cường thể lực cho con người. Nhiều huyền sử và các câu chuyện truyền miệng khác thậm chí còn cho rằng não của chim hạc còn có tác dụng tăng cường thị lực, giúp con người có thể nhìn rõ trong đêm tối.
"Thân thế" thật sự của Hạc Đỉnh Hồng kịch độc
Theo nhiều sử liệu từ thời nhà Tống, được biết Hạc Đỉnh Hồng thực chất chính là hồng tì thạch, một loại đá có chứa chất kịch độc. Về sau, do nguồn gốc của loại đá này hay được tìm thấy ở khu vực Tín Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) nên được sách "Khai Bảo bản thảo" gọi lại thành tín thạch (thạch tín). Vâng! Thạch tín, một cái tên không còn xa lạ gì khi thường xuyên xuất hiện trong các vụ án giết người gây chấn động, từ phim ảnh cho đến ngoài đời.
Ngày nay, có lẽ như nhiều người Việt đã bị nhầm lẫn khi cho rằng thạch tín là một tên gọi khác của asen (cũng là một cái tên giết người "huyền thoại"). Trong khi đó, dù có liên quan nhưng cả thạch tín và asen đều có hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Asen là một một á kim gây ngộ độc và có nhiều dạng thù hình, còn thạch tín là tên gọi chung của những loại đá có chứa khoáng vật asen, tiêu biểu được biết đến nhiều nhất là asen trioxit (As2O3). Hạc Đỉnh Hồng được cho là làm từ loại đá có chứa khoáng vật asen trioxit này.
Tuy nhiên, nếu muốn hạ độc thủ nhanh hơn nữa, trước đó, người ta có thể gia công cẩn thận thạch tín chứa asen trioxit để thu về asen trioxit tinh khiết. Lúc này đây, thứ hợp chất tinh khiết này sẽ được gọi là Tì Sương - lại là một cái tên kịch độc quen thuộc khác, hay xuất hiện trong nhiều tác phẩm phim, truyện kiếm hiệp, cung đấu Trung Hoa.
Quay lại câu chuyện về cái chết của Lệnh phi Vệ Yến Uyển trong "Hậu cung Như Ý truyện", quả thật dựa vào những thông tin bên trên, có thể thấy rằng Càn Long đúng là "thâm hậu" khi ban chết cho Lệnh phi bằng Hạc Đỉnh Hồng để cái chết đến từ từ và chậm rãi, từ đó gây đau đớn hơn bội phần. Chứ không "nhẹ tay" mà dùng Tì Sương để cái chết đến thật mau lẹ.
Độc tố đáng sợ của asen và thạch tín: giết người chỉ với liều lượng bằng nửa hạt ngô
Từ thời thượng cổ, người ta đã dùng asen như một thứ vũ khí gây độc lợi hại chỉ vì chúng dễ tan trong nước và rất khó phát hiện. Tần suất xuất hiện của chúng chiếm tỷ lệ rất cao trong các vụ đầu độc tội phạm từ phong kiến đến nay. Theo "Từ điển Bách khoa Dược học" xuất bản năm 1999, asen độc gấp 4 lần thủy ngân, chỉ cần một lượng nhỏ asen bằng nửa hạt ngô hòa vào trong nước là đã có thể khiến một người tử vong ngay tức khắc.
Độc tố từ asen hay các khoáng vật có chứa hợp chất oxit asen có thể xâm nhập vào cơ thể theo 3 đường: hô hấp, da và tiêu hóa. Thường thấy rõ nhất và nhanh nhất là tiêu hóa. Liều lượng gây ngộ độc là 0,06g, liều lượng gây tử vong là 0,15g. Khi bị trúng độc, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh của nạn nhân sẽ bị tác động tùy thuộc vào mức độ nhiễm độc tố nhiều hay ít.
Thông thường, nếu nhiễm độc cấp tính, các triệu chứng như khô miệng, khó nuốt, đau bụng dữ dội, buồn nôn, tiêu chảy, chuột rút và co giật sẽ xuất hiện, sau đó là tử vong trong vòng 24 giờ. Còn nhiễm độc mãn tính do tiếp xúc hay vô tình sử dụng asen với nồng độ thấp liên tục trong nhiều ngày sẽ khiến cơ thể sinh ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, kèm các triệu chứng như rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ,...
(Nguồn: Zhihu, Mineralogical Tables, The Oncologist, Từ điển Bách khoa Dược học)